“Than đỏ dưới tro tàn” là tập tản văn mới nhất vừa xuất bản tháng 4-2023 của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Với mục tiêu mỗi năm xuất bản một cuốn sách, sau hơn 20 năm cầm bút, “Than đỏ dưới tro tàn” là cuốn sách thứ 23 của chị. Đây cũng là tập tản văn thứ 5 của chị và được xem là phần nối dài của cuốn tản văn “Tôi trở về từ trên núi cao” được xuất bản năm 2018.
Ngoài tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, tản văn... người đọc còn biết đến Đỗ Bích Thúy với nhiều kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình nổi tiếng như Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu... Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Giang nên hầu hết tác phẩm của Đỗ Bích Thúy đều viết về đề tài miền núi, dẫu chị đã rời xa quê hương và Hà Nội là chị nơi nương náu từ rất lâu. Phải chăng vì sự rời đi ấy, sự chia cắt về không gian và thời gian với vùng đất mà chị đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, nên sự nhớ nhung, day dứt về những triền xanh quê cũ, về cây lá yên lành chốn núi non, về những con người chất phác hồn nhiên nơi miền cao cứ trở đi trở lại trong sáng tác của chị. Bởi miền núi, là nơi thân thuộc nhất với chị, luôn là một viên than đỏ ấm áp trong tận sâu trái tim Thúy.
Đọc “Than đỏ dưới tro tàn” càng thấy rõ sự day dứt khôn nguôi ấy. Dù chị đã thật lòng thừa nhận: “Không ai buộc tôi phải từ bỏ núi rừng, không ai cả. Là tôi lựa chọn từ bỏ để rồi nhức nhối một nỗi nhớ thương chưa hề hao mòn” (Về nhà). Núi rừng và con người ở vùng cao chính là nguồn cảm xúc vô tận, là sự kết nối những mạch nguồn cảm xúc trong các sáng tác của Đỗ Bích Thúy.
Viết về Hà Nội, chị thừa nhận: “Hà Nội, cuối cùng đã đón nhận tất cả người thân của tôi và còn trao thêm cho tôi những người thân mới” thì chị vẫn muốn kết nối Hà Nội với vùng núi cao quê hương, hay khi đứng ở bất cứ ngôi làng nào, vùng quê nào, cánh rừng nào, ngọn núi nào, chị vẫn tìm thấy bóng dáng thân thuộc nơi vùng núi cao quê cũ mà chị thuộc về.
Rời xa miền núi, để rồi cứ thổn thức, day dứt khôn nguôi mỗi khi nhớ về. Ở “Than đỏ dưới tro tàn”, không biết bao nhiêu lần chị khẳng định mình thuộc về phía núi một cách đầy ưu tư: “Tôi sinh ra và lớn lên ở trong rừng, tôi biết cả hơi thở hay cảm xúc của rừng, tôi thậm chí cảm thấy mình có thể chạm đến linh hồn của rừng” (Niềm vui nào ghé chơi). Rời đi, thật xa, để rồi thảng thốt nhận ra “càng đi xa càng muốn quay về”. Bởi nơi đó “Tôi đã có một ngôi nhà thật ấm áp và kín gió để lớn lên và luôn nhung nhớ” (Đêm đầy sao). Và chắc chắn cuối cùng “Tôi sẽ trả tôi về bên những ngọn núi, để cuối cùng có thể sống nốt cuộc đời mê say” (Tôi trả tôi về bên những ngọn núi/ để sống cuộc đời mê say).
“Than đỏ dưới tro tàn” mở ra một bầu trời rộng mở chốn núi non. Ở đó có cô bé với tâm hồn mộng mơ đầy đa cảm, hay ngồi trong vườn cam kể chuyện đời mình với gốc cam già cỗi, có khi ngồi bên suối chuyện trò với một cành khô và nhìn chiều buông trong lặng lẽ với bao nhiêu nỗi lòng. Người đọc như thấy cô gái nhỏ bước vào cuộc đời với bao say mê và những ngơ ngác trong veo, để lại sau lưng là những bình yên thơm ngọt. Những rung động thật nhẹ nhàng cứ chạm đến cõi lòng người đọc khiến ta thổn thức rưng rưng, đôi khi chỉ là những miêu tả bình dị như khu vườn tuổi thơ, những cây cỏ hiền lành, là bầu trời ấu thơ dịu ngọt chẳng thể tìm lại, và cả những ký ức đã ngủ quên.
Đi nhiều, nghe nhiều và thấy nhiều cùng với bề dày của một người có hơn hai mươi năm cầm bút, Thúy đưa người đọc trôi trong những cung bậc cảm xúc, có khi trong trẻo mơ màng như giọt sương trong vắt đậu trên cánh hoa cam hoa mận nơi triền đồi, có khi lại xót xa và đầy thổn thức. Tôi đã ám ảnh mãi hình ảnh cậu bé ngồi lầm lũi trước hiên, tự tay làm thịt con gà mà cậu xem như người bạn thân thiết. Mẹ cậu đã bắt cậu làm thế vì không muốn con trai có những cảm xúc yếu mềm. Tôi như thấy trái tim của cậu bé ấy vỡ ra, vỡ ra, đau nhức. Và nước mắt tôi trào ra, nghẹt thở trước cảnh Thúy hoảng hốt chạy ra chợ mua áo ấm cho chị gái trong ngày giỗ chị - người chị đã rong chơi xứ khác từ bốn mươi năm trước.
Tập hợp 31 tản văn, “Than đỏ dưới tro tàn” còn mang đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị không chỉ ở nội dung mới lạ đầy tính triết lý và nhiều yếu tố siêu hình. Sách còn có 15 bức tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương, một số bức được in trên giấy gió cùng tấm postcard kẹp trong mỗi cuốn sách với dòng chữ “Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi” như một lời tri ân của tác giả gửi đến bạn đọc. Sách do NXB Hội Nhà Văn cùng Công ty Liên Việt ấn hành.
TUỆ LÂM