TRI ÂN

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

.

Một trong những điều căn dặn Bác Hồ đã viết bổ sung lần cuối trong bản Di chúc của Người là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Từ những câu chuyện lịch sử của mình, những người lính Cụ Hồ đã trở thành người truyền ngọn lửa truyền thống cách mạng vào tâm hồn thế hệ trẻ, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.

Chương trình Tọa đàm “Vang mãi Bản hùng ca” hướng đến giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh-thiếu nhi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chương trình Tọa đàm “Vang mãi Bản hùng ca” hướng đến giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh-thiếu nhi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài học từ những nhân chứng sống

Cứ đến dịp lễ 27-7, bà Hà Thị Phương Lan (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) lại tất bật chuẩn bị cho các cuộc gặp gỡ, đối thoại với học sinh, sinh viên. Năm nay, bà sẽ cùng Thượng tướng Võ Tiến Trung đến nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

“Là những nhân chứng sống, các cô chú sẽ kể cho lớp trẻ nghe những câu chuyện có thật xảy ra trong năm tháng chiến đấu ác liệt để các em thấy rằng, dù bị đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù nhưng những người tù yêu nước vẫn không hề lung lay ý chí, vẫn quyết tâm đánh giặc và sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Từ đó bồi đắp truyền thống cho các em, đồng thời nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ra sức học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, bà Phương Lan chia sẻ.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, bà Phương Lan từng trải qua nhiều lao tù ở Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có tù Tử ngục chín hầm ở Huế. Đây là nhà tù khét tiếng của Ngô Đình Cẩn. Những ngày ở lao tù, chịu cảnh tra tấn độc ác, dã man của kẻ thù nhưng bà Lan vẫn giữ tinh thần lạc quan, kiên trung, bất khuất. Câu chuyện của bà là bài học vô giá cho các thế hệ trẻ học tập. Bên cạnh đó, bà còn tham gia vận động các cựu chiến binh hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng và làm nhân chứng trong các câu chuyện kể về chiến tranh khi được mời đến giới thiệu các hiện vật cho học sinh, sinh viên ghé thăm bảo tàng.

Chúng tôi gặp Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Hiền (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) đúng lúc ông chuẩn bị đi dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị (20-7-2013 - 20-7-2023). Từng là chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 35 nên ông Hiền chứng kiến nhiều câu chuyện chiến đấu, hy sinh của đồng đội mình.

Kể lại quá trình hoạt động, chiến đấu của mình, ông Hiền cho biết: “Chú hoạt động cơ sở của thiếu nhi từ năm 1958, rồi bị địch bắt giam 2 tháng tại nhà lao quận Điện Bàn (cũ). Sau khi được thả tự do trở về quê móc nối hoạt động trở lại và cùng bộ đội địa phương xây dựng phong trào. Đến tháng 6-1972, chú vào Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 95 thực hiện nhiệm vụ phòng thủ Thành cổ Quảng Trị từ Long Hưng ra đến La Vang. Đến năm 1975, Trung đoàn 95 được tăng cường cho Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau đó tiến quân vào Sài Gòn giải phóng miền Nam. Khi đất nước thống nhất, chú tiếp tục tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot”.

Trở về đời thường, dù mang trên mình vết thương chiến tranh, đại tá Nguyễn Đức Hiền làm Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận (cũ) từ năm 1992-1996 và bí thư chi bộ khu dân cư. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ noi theo.

Ông Hiền thường xuyên được các đơn vị, địa phương và trường học mời tham gia nói chuyện với các đoàn viên, thanh niên để truyền lửa cách mạng. “Khi được nghe kể về những câu chuyện lịch sử hào hùng, các em học sinh rất thích thú. Chú lấy những câu chuyện về những tấm gương hy sinh anh dũng của tuổi trẻ lúc bấy giờ, đặc biệt là những câu nói đã đi vào lịch sử của các anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… để giáo dục truyền thống cách mạng cho các em”.     

Khơi dậy lòng yêu nước

Là họa sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 và có nhiều tranh triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, họa sĩ Phạm Hồng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết: “Các cuộc triển lãm tranh về đề tài chiến tranh của bảo tàng là hoạt động ý nghĩa, khơi gợi chúng tôi sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Năm 1967, tôi tình nguyện vào chiến trường Khu 5.

Trong thời gian đó, tôi vẽ khoảng vài trăm bức tranh và tham gia nhiều cuộc triển lãm chung, điển hình là tác phẩm “Tận dụng vũ khí đánh địch”, “Chân dung nữ du kích Tam Kỳ, Quảng Nam”… Đặc biệt, năm 1968, chúng tôi đưa hơn mười anh em họa sĩ từ Hà Nội vào Khu 5 tham gia vẽ tranh triển lãm ở các đơn vị đóng quân và các xóm làng ở bìa rừng. Nhiều anh em họa sĩ đã lăn lóc ở các xã để ký họa và căng bạt treo tranh triển lãm tuyên truyền những tấm gương chiến đấu anh dũng. Những bức tranh đã động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, quyết tâm đánh giặc, chiến thắng kẻ thù”.

Sự hy sinh, chiến đấu anh dũng của quân và dân Quảng Đà là nguồn cảm hứng vô tận để họa sĩ Phạm Hồng thực hiện những bức tranh ký họa chân thực về cuộc chiến khốc liệt nơi đây nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân, nhất là chiến dịch Mậu Thân Tam Kỳ, chiến dịch giải phóng tây Thăng Bình, tây Quế Sơn, Tiên Phước…

Đó cũng là lý do họa sĩ Phạm Hồng tham gia giao lưu với học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang) tại cuộc triển lãm “Ký họa chiến trường Khu 5”. Nói về hoạt động ý nghĩa này, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng chia sẻ: “Tôi đã có những giây phút lặng đi khi nhớ lại những nhân chứng mình vẽ và thương tiếc những chiến sĩ anh dũng hy sinh cho hòa bình độc lập hôm nay. Cuộc triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo  học sinh và thầy cô đến xem. Cuộc giao lưu đầm ấm thể hiện sự trân trọng của thầy cô và học sinh đối với những tư liệu mà tôi trực tiếp ghi chép trong chiến tranh, qua đó giúp các em hiểu thêm lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta”.

Với các bạn trẻ, khi được tuyên truyền và tham gia các buổi gặp mặt, nói chuyện chuyên đề, giao lưu với các nhân chứng lịch sử và được chia sẻ về những hy sinh của thế hệ cha ông để bảo vệ Tổ quốc, các em có cơ hội hiểu thêm về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc; từ đó nâng cao ý thức tu dưỡng, nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố, khẳng định: “Việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động giao lưu nhân chứng lịch sử hết sức có ý nghĩa. Thông qua lời kể của các cô, các chú, các bác, thế hệ trẻ thêm hiểu hơn về những gian lao vất vả của những người con của quê hương, để ý thức được rằng độc lập tự do hôm nay là bao xương máu của lớp lớp cha anh. Từ đó giúp các em có ý thức phải sống học tập và rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh lớn lao đó; đồng thời nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc về một Việt Nam kiên cường”.

ĐOÀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.