Đình làng, miếu xóm là các thực thể gắn liền với văn hóa thờ Thần của người Việt Nam ta hàng ngàn năm nay. Nếu như đình làng luôn gắn với cây đa, bến nước, thì miếu xóm có vị trí khiêm tốn hơn, thường có quy mô nhỏ và tọa lạc ngay trong xóm. Miếu xóm An Mỹ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) là một trong rất nhiều miếu xóm như thế.
Miếu An Mỹ. Ảnh: H.N.L |
Đình làng ban đầu chỉ là nơi được lập ra để sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong làng. Trải qua nhiều thế hệ, những lớp người đầu tiên đã qua đời, các thế hệ sau tôn những người đầu tiên làm tiền hiền làng và thờ cúng tại đình làng. Riêng miếu xóm ban đầu người ta cũng lập ra một nơi để thờ cúng đất trời, có nơi lập miếu thờ người đầu tiên có công khai khẩn, tạo lập nên xóm. Hằng năm duy trì việc “Xuân tế, Thu thường”. Có những vị có công lớn với đất nước, được các triều đại phong kiến trước đây phong Thần, có người thì do chính cư dân trong làng, xóm tự tôn thành Thần. Do đó, thực tế các vị thần được thờ ở các đình, miếu đều có danh, tính hẳn hoi, nhưng không phải nơi nào cũng có thể biết được danh tính vị thần mà cư dân làng, xóm mình đang thờ, song cư dân xóm An Mỹ thì có được may mắn này.
Qua nghiên cứu các văn bia, liễn, đối của miếu An Mỹ, chúng tôi được biết, miếu cổ được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đến nay trải qua ít nhất 4 lần trùng tu. Lần trùng tu cổ nhất được biết là vào năm Canh Tý (1840), lần thứ hai năm Mậu Tý (1888), lần thứ ba năm Ất Hợi (1995) và lần thứ tư năm Quý Mùi (2003). Mọi chuyện được bắt đầu từ lần trùng tu thứ ba (năm 1995). Khi đào móng đúng vị trí dưới ban thờ Thần, phát hiện một tảng đá khá to hình chữ nhật, dài khoảng 2,5m, rộng độ 0,7m, dày độ 0,15m, có các chữ Hán cỡ lớn hướng lên trên. Ban tổ chức cho chuyển ra sông Hàn cọ rữa kỹ để thấy rõ chữ, dịch ra như sau: 4 chữ lớn:李忠簡祠 LÝ TRUNG GIẢN TỪ (Đền thờ Lý Trung Giản). Dòng lạc khoản bên phải ghi: 道光庚子季春穀旦 Đạo Quang Canh Tý quý xuân cốc đán (Ngày tốt tháng 3 năm Canh Tý niên hiệu Đạo Quang (Đạo Quang - Hoàng đế thứ tám triều đại nhà Thanh, Trung Quốc, tức là năm 1840). Dòng lạc khoản bên phải ghi: 碧市-沙石-陳墨- 六房重修 bích thị - sa thạch - trần mặc - lục phòng trùng tu. Nhận thấy đây là bức đại tự cổ quan trọng và quý giá, ban tổ chức thống nhất đặt lại ngay dưới ban thờ Thần chính ở trung tâm, mặt chữ hướng ra trước gian thờ chứ không chôn lấp như xưa. Ngoài ra, ban tổ chức cũng cho viết lại các bức hoành phi, câu đối đặt lại trong nhà thờ.
Năm 1997, Đà Nẵng có chủ trương chỉnh trang đô thị, phường An Hải Tây là nơi đầu tiên thực hiện di dời, giải tỏa để xây dựng lại thành khu đô thị mới. Miếu An Mỹ phải giải tỏa và được cấp 2 lô đất liền kề để di dời, chỉnh trang lại. Do đó, đến năm 2003, miếu lại được trùng tu lần thứ tư, theo như hiện nay. Tất cả các hoành phi, câu đối đều được đắp, cẩn hoặc viết lại. Tuy nhiên, hầu hết những người trong ban khánh tiết miếu xóm đều không biết chữ Nho nên không ai hiểu được nội dung, ý nghĩa các liễn, đối, đặc biệt là bức đại tự Lý Trung Giản Từ!
Ban khánh tiết chuyên lo việc bảo quản, giữ gìn miếu, chủ trì, tổ chức cúng tế vào những ngày lễ trọng, nhưng vì không biết chữ Nho, nên khi có người hỏi về các chữ trên hoành phi, câu đối, các vị không giải thích được. CLB Hán Nôm Sơn Trà đã dịch nội dung liễn đối, hoành phi và giới thiệu, giải thích cho người dân trong xóm (trước đây là khối phố, nay là khu dân cư An Mỹ) biết; từ đó thêm trân trọng những di sản quý giá do tiền nhân để lại.
Theo đó, tại ban thờ Thần 神, khởi thủy không rõ người xưa đề chữ gì. Nhưng năm 1995, người dân An Mỹ đào được bức đại tự 李忠簡祠 này ngay dưới chân ban thờ Thần 神. Trong tục thờ cúng ông bà của người Việt, trong gia đình con cháu dòng đích, chắt nội thờ đến ông bà Tằng Tổ nội (ông bà cố). Khi hết đời thờ cúng, bài vị ông bà được đem về nhà thờ, hoặc đem chôn cất. Việc chôn bài vị gọi là “mai thần chủ” 枚神主. Từ nhận thức này, chúng tôi nhận định rằng: Lý Trung Giản là người đầu tiên khai cơ, lập nghiệp tại nơi (xóm) này. Ông được thờ tại miếu xóm An Mỹ, một trong nhiều xóm thuộc làng An Hải xưa, như An Thị, An Vĩnh, An Trung… (An Hải Tây), An Nhơn, An Đồn An Hòa… (An Hải Bắc), An Thành…(An Hải Đông), An Thượng (Mỹ An, Ngũ Hành Sơn) ngày nay. Tuy nhiên, họ Lý không phải là một trong 6 dòng họ được đời sau gọi là “lục tộc tiền hiền” 六族前賢, của làng An Hải, gồm: Nguyễn 阮, Trần 陳, Lê 黎, Đỗ 杜, Ngô 吾, Huỳnh 黄. Năm 1940, đại diện 6 chi, nhánh (lục phòng 六房) trong vùng tổ chức trùng tu miếu, có thể đây là lần trùng tu đầu tiên, đã khắc tên ông vào bức hoành đại tự như trên. Không có cơ sở để nhận định bức đại tự nặng cả tấn này đặt ở vị trí nào của miếu cổ (Trong miếu hay ngoài cổng miếu).
Trong lần trùng tu thứ hai năm 1888, người ta đã tôn ông thành Thần và chỉ thờ chữ Thần 神 lớn trên ban thờ chính, còn bức đại tự được chôn ngay dưới ban thờ, chắc là theo lệ “mai thần chủ”. Khi trùng tu lần ba, người dân An Mỹ phát hiện được bức hoành, đã đem đặt nổi trước ban thờ Thần, nhưng chưa biết được những chữ đó có ý nghĩa gì. Chỉ khi dịch và phân tích dựa trên những tư liệu có được, mới có thể khẳng định được danh tính của vị Thần mà người dân trong khu vực thờ cúng xưa nay chính là Lý Trung Giản 李忠簡. Đây là điều rất hiếm có, vì hầu như tên họ các vị thần nhân dân tự tôn không có danh tính để lại hoặc bị thất lạc. Những vị thần được các triều đình phong kiến sắc phong, qua chiến tranh loạn lạc, nhiều nơi cũng không còn giữ được.
Ngay trước gian hậu tẩm là bức hoành có 3 chữ lớn “Tế như tại” 祭如在. Để giải thích ý 3 chữ này, chúng tôi viện dẫn luôn ở Luận ngữ: “ 祭如在, 祭神如神在. Tế như tại, tế thần như thần tại”. Nghĩa là: cúng tế như có sự hiện diện (của đối tượng được cúng tế), cúng tế thần linh như có thần linh hiện diện. Bức hoành có ý nhắc nhở những người thực hành cúng tế luôn nghiêm cẩn, luôn tâm niệm là đang có sự hiện diện của đối tượng được cúng tế tại buổi lễ. Ngoài ra, còn một số hoành phi, câu đối khác, như: vừa bước vào sân miếu đã thấy ngay bức hoành phi với 5 chữ lớn treo trên cửa chính: “Từ đường chư tôn tộc” 祠堂諸尊族. Hai bên là đôi câu đối: “An dân lợi vật thiên niên thịnh/ Mỹ tục thuần phong vạn cổ truyền.” 安民利物千年盛. 美俗淳風萬古傳.
Sau khi nghe giải thích sơ bộ nội dung, ý nghĩa một số hoành phi, câu đối tại miếu xóm, những thành viên ban khánh tiết miếu xóm rất vui, vì được hiểu rõ nguồn gốc, danh tính vị thần mà mình đang thờ cúng, vừa hiểu được ý của người xưa nhắc nhở các thế hệ mai sau là luôn luôn sống có nghĩa, có tình, biết “ôn cố nhi tri tân” 溫故而知新, nhớ lại việc cũ để hiểu biết việc mới, biết sống nhân hậu, thủy chung, phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau giữ gìn mãi mãi di sản do tiền nhân để lại.
HOÀNG NGỌC LAI