Cho đời nở hoa

.

Người làm công tác dân vận được ví như đang ươm mầm hạt giống trách nhiệm, nhân văn và ý chí vững vàng không ngại rào cản để thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân thực hiện những công việc nên làm... Cứ như thế, họ cần mẫn lo nỗi lo của dân, va chạm vô vàn nỗi khó cũng như đầy lòng tâm tư nhưng chỉ cần cuộc sống người dân và xã hội tốt hơn thì họ phấn khởi không gì đong đếm.

 Đội thi quận Ngũ Hành Sơn trình diễn tiểu phẩm “Đừng bắt con nghỉ học” tại hội thi “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng lần thứ I, năm 2023. Ảnh: H.T.V
Đội thi quận Ngũ Hành Sơn trình diễn tiểu phẩm “Đừng bắt con nghỉ học” tại hội thi “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng lần thứ I, năm 2023. Ảnh: H.T.V

Thành phố Đà Nẵng hiện có 678 mô hình “Dân vận khéo”, nhiều mô hình được nhân rộng và ngày càng lan tỏa trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

1. Từ lâu, nhắc đến đất, người ta thường nghĩ “tấc đất tấc vàng”, công sức gầy dựng một đời. Thế nhưng, giữa muôn vàn sự tranh chấp, đấu đá đòi quyền lợi thì cũng có người tự nguyện hiến một phần tài sản, thậm chí đó là mồ hôi nước mắt để mong nơi “chôn nhau cắt rốn” đổi thay, nhịp sống phát triển. Đó là những lời tâm sự của vợ chồng ông Hồ Văn Giải (66 tuổi) và bà Phạm Thị Mai (52 tuổi, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), người tự nguyện hiến 206m2 mở đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố tại thôn Phú Sơn Nam.

Đây cũng là câu chuyện mà đội thi huyện Hòa Vang gửi gắm trong tiểu phẩm “Cuộc vận động thành công” trong hội thi “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng lần thứ I, năm 2023. Đội thi huyện Hòa Vang đã lồng ghép vấn đề vận động nhân dân hiến đất xây dựng tuyến đường trọng điểm, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tiểu phẩm. Bên cạnh tình huống “dở khóc dở cười” của những hộ dân không chịu di dời theo tiến độ thì đội thi như đưa khán giả quay về tuổi thơ với thước phim sống động của người dân bên lũy tre làng, bên con đường quê, dòng sông Túy Loan thơ mộng hay vài câu vè, câu đối đi sâu vào tâm khảm những ai từng sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô xinh đẹp này.

Theo lời chỉ dẫn của Ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang, tôi về thôn Phú Sơn Nam tìm gặp ông Giải và bà Mai. Hai ông bà đều sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, có ba là liệt sĩ, mẹ hoạt động cách mạng. Chính vì thế, gia đình ông luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng phong trào nông thôn mới. Sau khi có chủ trương cải tạo tuyến đường bê tông vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố từ 5m lên 9,8m, ông Giải và bà Mai tình nguyện hiến 206m2 đất - lô đất vốn dĩ được ông bà dành dụm hơn mươi năm để cho các con đến tuổi dựng vợ gả chồng. Ông Giải bộc bạch: “Gia đình tôi sống ở đây hơn nửa đời người, ngẫm lại hơn 30 năm qua chúng tôi chưa làm điều gì cho quê hương. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, gia đình muốn góp phần nhỏ, chung tay vào việc lớn mở rộng con đường để tri ân các anh hùng liệt sĩ nói chung và ba mẹ tôi nói riêng. Tôi mong muốn con đường sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân ghé đến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ dễ dàng và thuận lợi”.

Không chỉ riêng ông Giải và bà Mai mà còn có 7 hộ dân có dự án đi qua đều đồng lòng hiến đất như hộ ông Phan Hạnh (xã Hòa Ninh), hộ ông Hoàng Vi Thanh (xã Hòa Phú)... Theo ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị đã tuyên truyền vận động, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, người dân đóng góp 499 tỷ đồng, tự nguyện hiến 178.000m2 đất các loại (chủ yếu đất ở). Việc nâng cấp mở rộng các tuyến đường sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của địa phương và các hộ dân.

Để tiến đến mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025, huyện Hòa Vang tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về phía tây mạnh mẽ với hơn 250 dự án lớn, nhỏ rộng khắp 11 xã của huyện. Nhiều cách làm dân vận hay, sáng tạo với phương châm “mưa dầm, thấm lâu” được đa số nhân dân đồng tình, góp phần quan trọng trong việc triển khai, thực hiện các dự án trọng điểm, giúp Hòa Vang thay đổi bộ mặt nông thôn, hạ tầng giao thông từng bước đầu tư đồng bộ, chất lượng đời sống nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng cao.

Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Ngô Thanh Trà (bìa trái) cùng cán bộ Ban giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn (bìa phải) làm công tác dân vận cho người dân trên địa bàn. Ảnh: H.T.V
Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Ngô Thanh Trà (bìa trái) cùng cán bộ Ban giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn (bìa phải) làm công tác dân vận cho người dân trên địa bàn. Ảnh: H.T.V

2. Có thể nói, để di dời vài chục ngàn hộ dân không phải là điều dễ dàng, nhất là những hộ dân đã sống cả cuộc đời trên quê hương và tập quán, phong tục đã ăn sâu vào đời sống tinh thần. Vài chục ngàn hộ dân sẽ tương đương vài chục ngàn mảnh đời, số phận, hoàn cảnh khác nhau, đòi hỏi những người tham mưu chính sách, thực hiện chính sách phải hiểu biết, tâm lý, linh hoạt, mềm dẻo và trên hết ý chí phải vững vàng.

Tham gia hội thi “Dân vận khéo”, đội thi quận Ngũ Hành Sơn đã sân khấu hóa câu chuyện có thật về hộ dân N.T.T và những tình huống mà người làm công tác dân vận gặp phải qua tiểu phẩm “Đừng bắt con nghỉ học”. Tôi khá ấn tượng tiểu phẩm này bởi cách vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp đỡ gia đình bà T. và con gái bệnh tật rất nhân văn và đầy lòng trách nhiệm. Tuy bà T. không đồng ý phương án giải tỏa, đấu tranh mọi cách đòi quyền lợi. Thậm chí, dưới cái nắng hè như thiêu đốt, bà buộc con gái học lớp 3 nghỉ học, cùng bà đến trung tâm hành chính quận khóc lóc và mang theo di ảnh người chồng quá cố gây áp lực. Nhưng lúc bà gặp khốn khó nhất, chính quyền không bỏ rơi mà cùng xắn tay giúp đỡ gia đình bà. Lúc này, bà T. mới nhận ra lỗi lầm và tự nguyện giao mặt bằng.

Tiểu phẩm của quận Ngũ Hành Sơn nói về công tác dân vận chính quyền trong lĩnh vực giải tỏa đền bù. Đó là chủ trương quy hoạch phát triển đô thị có sự thống nhất từ thành phố đến cơ sở, thực hiện theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, mọi yêu cầu, đòi hỏi chính đáng cũng như hỗ trợ cho người dân được các cấp chính quyền chú trọng, quan tâm và giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi cao nhất theo đúng quy định. Bà Hoàng Trân Châu, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết, câu chuyện bà T. cũng là thực trạng của rất nhiều hộ dân tại khu vực giải tỏa không chỉ ở quận Ngũ Hành Sơn nói riêng mà cả nước nói chung.

Đó là cố cầm cự, lợi dụng chính sách Nhà nước để được “phần nào hay phần đó” nhưng đổi lại gia đình và con cái phải sống cảnh nhếch nhác, cơ sở vật chất không bảo đảm. Tiểu phẩm không nêu cái khó của người làm công tác dân vận mà muốn minh chứng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở một cách đồng bộ, quyết liệt nhưng không kém phần nhân văn. Đội thi chọn đề tài trên nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn đa chiều; đồng thời, mong muốn tham mưu cho cấp ủy những kế hoạch, chương trình hợp lý, giúp cho công tác chỉ đạo của Đảng hiệu quả hơn. Muốn vậy, người làm công tác dân vận phải thật sự gần dân, hiểu dân, lắng nghe, cảm thông với dân nhưng phải đứng trên quan điểm của Đảng, chính quyền để xử lý và giải quyết vấn đề phát sinh trong dân.

Những năm qua, vấn đề giải tỏa đền bù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quận Ngũ Hành Sơn. Nhờ làm tốt công tác giải tỏa đền bù, đặt lợi ích người dân lên trên nên diện mạo quận Ngũ Hành Sơn thay đổi vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội, an ninh trật tự bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 2022, quận Ngũ Hành Sơn tự hào là 1 trong 4 đơn vị được thành phố công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của mỗi người dân đã từng bước đưa quận phía Đông Nam thành phố lên tầm cao mới.

Trên đây là 2 trong số 19 tiểu phẩm tham dự hội thi “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng lần thứ I,  năm 2023. Các tiểu phẩm sinh động, phản ánh trung thực các mô hình dân vận khéo trong thực tế đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đề cao lòng nhân ái, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Như đánh giá của ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, hội thi còn là cơ hội để đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về công tác dân vận, kỹ năng xử lý tình huống dân vận ở cơ sở. Đồng thời, phát hiện, nhân rộng và tôn vinh những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, biểu dương, khen thưởng các địa phương, đơn vị có những cách làm hay, ý nghĩa, thiết thực về công tác dân vận.

Ngày 5-10, hội thi “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng lần thứ I, năm 2023 do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho đội thi Công an thành phố; giải Nhì thuộc về đội thi huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố; giải Ba là các đội thi quận Cẩm Lệ, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, quận Sơn Trà, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Hội Cựu chiến binh thành phố.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.