* Vì sao Bà Nà còn gọi là Núi Chúa, có độ cao bao nhiêu mà được xem là “nóc nhà thành phố”? Ai phát hiện ra nơi này và quá trình chuyển đổi từ núi non thành khu du lịch diễn ra như thế nào? (Trần Mỹ Linh, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Cột bê-tông dựng trên đỉnh núi cho thấy Bà Nà có độ cao 1.487m so với mực nước biển. Ảnh: V.T.L |
- Bà Nà là khu bảo tồn thiên nhiên đồng thời là quần thể du lịch nghỉ dưỡng tọa lạc tại khu vực thuộc dãy Trường Sơn nằm ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách trung tâm nội thành Đà Nẵng khoảng 40km về phía Tây Nam. Cột bê-tông dựng trên đỉnh núi cho thấy Bà Nà có độ cao 1.487m so với mực nước biển. Cuốn Cẩm nang du lịch Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn nơi ước hẹn của tác giả Phạm Côn Sơn (NXB Văn hóa Thông tin, 2010) giới thiệu khá rõ nét về điểm đến du lịch của Đà Nẵng này.
Theo đó, năm 1901, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tìm một nơi tương tự như Đà Lạt để xây dựng khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho các quan chức, binh lính và sĩ quan người Pháp. Nhiệm vụ được giao cho Debay, một đại úy thủy quân lục chiến, trực tiếp chỉ huy tìm kiếm. Nhận nhiệm vụ, Đại úy Debay phải mất nhiều tháng trời lang thang khắp Việt Nam để tìm cho ra một Đà Lạt thứ hai.
Tháng 4-1901, ông phát hiện ra “Núi Chúa” (tức Bà Nà), một ngọn núi cao với địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu bán ôn đới dễ chịu mát mẻ, tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây chừng 40km. Nhận định đây là vùng đất lý tưởng có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng theo ý muốn, ngày 30-11-1911, Toàn quyền Paul Doumer đã ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp để tiện cho việc nghiên cứu về Bà Nà được kỹ lưỡng hơn.
Theo trang banahills.sunworld.vn (Ba Na Hills), có nhiều truyền thuyết dân gian xung quanh tên gọi Núi Chúa - Bà Nà. Một thuyết cho rằng, trên núi có miếu Đức Bà linh thiêng. Miếu thờ một vị thần núi nên mới gọi là Núi Chúa. Bác sĩ người Pháp Albert Sallet khi tới nghiên cứu về Bà Nà, ông cho rằng, Núi Chúa vốn yên tĩnh nhưng khi đêm đến là cả một thế giới huyền bí. Đó là sự hiện diện của thần thiện nữ mọi người gọi là Đức Bà. Có sự tích khác cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ di tích liên quan đến Chúa Nguyễn Ánh. Khi bị truy kích, ông đã rút về Bà Nà để ở ẩn thời kỳ chống quân Tây Sơn.
Nhắc đến tên gọi Bà Nà thì có người cho rằng, khi người Pháp tìm thấy vùng núi này thấy có rất nhiều chuối nên đặt tên theo tiếng Pháp là núi Banane, về sau người Việt đọc chệch đi thành Bà Nà. Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại.
Ngày đó, du khách có thể đi xe hơi từ Đà Nẵng đến chân núi và đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh. Kiệu ghế được xem là phương tiện di chuyển lý thú và điển hình cho du lịch Bà Nà xưa, được nữ sĩ người Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa mô tả trong Bà Nà du ký đăng trên Tạp chí Tân Văn (số 163, tháng 6-1931): “Đường lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già quanh co hàng mấy cây số trèo non lội suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được nên đã có phu kiệu đợi sẵn vì đã dặn trước, giá tiền thì có lệ nhất định, mỗi kiệu dùng sáu người phu...”.
ĐNCT