Sự 'biến tấu' của bài đồng dao 'Chi chi chành chành'

.

* Bài đồng dao “Chi chi chành chành” có hai câu khác biệt nhau rất xa. “Con ngựa chết trương/ Ba vương bú tí” có nơi hát thành “Con ngựa mất cương/ Ma vương ngũ đế”. Cái sự khác biệt này có phải xuất phát từ ý nghĩa thực tế gì không? (Lê Ngọc Quảng, Thanh Khê, Đà Nẵng).

“Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa...” là những câu đồng dao quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của mỗi người trong trò chơi cùng tên “Chi chi chành chành”.  Ảnh: Sưu tầm
“Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa...” là những câu đồng dao quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của mỗi người trong trò chơi cùng tên “Chi chi chành chành”. Ảnh: Sưu tầm

- “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa...” là những câu đồng dao quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của mỗi người trong trò chơi cùng tên “Chi chi chành chành”. Trò chơi được thực hiện từ 2 người trở lên. Một người xòe bàn tay của mình ra, những người khác cùng chơi dùng ngón trỏ đặt vào lòng bàn tay ấy. Sau đó, người xòe bàn tay hát thật nhanh bài đồng dao, khi đến từ cuối cùng là “ập” (trong câu “Ù à ù ập”) thì nắm tay lại để túm lấy những ngón trỏ kia. Nếu ai không rút kịp tay thì người đó sẽ bị thua.

Hầu hết người chơi (cả trẻ con lẫn người lớn) đều thuộc làu làu bài đồng dao này nhưng chỉ nghĩ đơn giản đây là bài hát vui cho trẻ thơ mà không biết được ý nghĩa thực sự ẩn giấu đằng sau các câu chữ dân gian đó. Do trong quá trình truyền miệng, “Chi chi chành chành” đã có sự biến tấu về nội dung khá đa dạng và gần như hoàn toàn khác so với bản gốc.

Bài viết 6 sự kiện lịch sử Việt Nam ẩn chứa đằng sau bài đồng dao “Chi chi chành chành” ở mục Đông Tây - Kim Cổ đăng trên Báo Dân Việt (danviet.vn) ngày 23-3-2023 có chép lại hai phiên bản của “Chi chi chành chành”.

Phiên bản có lẽ được nhiều người dùng nhất hiện nay là: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương bú tí/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập. Một phiên bản khác là: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa mất cương/ Ma vương ngũ đế/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập.

Tuy nhiên, theo bài đã dẫn, cả hai phiên bản trên đều rất khác so với bản gốc. Theo giải thích sách Kinh Thi Việt Nam của nhà văn Trương Tửu, bài vè này được ghi lại trong giai đoạn lịch sử những năm 1856-1888 khi đất nước ta rơi vào loạn lạc, bị giặc Pháp xâm lược, triều đình rối loạn. Cụ thể là:

Câu đầu: Chu tri rành rành, có nghĩa là bố cáo cho mọi người đều biết.

Câu thứ 2: Cái đanh nổ lửa, ý nói giặc Pháp đã tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức đưa quân sang xâm lược Việt Nam.

Câu thứ 3: Con ngựa đứt cương, chỉ việc triều đình Huế lúc bấy giờ rối loạn trước sự băng hà của vua Tự Đức vào năm 1883. Sự kiện này cho thấy câu “con ngựa đứt cương” hợp lý và có ý nghĩa hơn “con ngựa chết trương”.

Câu thứ 4: Ba vương tập đế, chỉ vào việc trong vòng chưa đầy 1 năm sau khi vua Tự Đức mất đã có liên tiếp 3 vị vua thay nhau lên ngôi. Đó là vua Dục Đức (làm vua ba ngày năm 1883), vua Hiệp Hòa (làm vua bốn tháng 1883), vua Kiến Phúc (tại vị 1883-1884). 3 vị vua này lần lượt lên ngôi và đều bị sát hại.

Câu thứ 5: Cấp kế đi tìm, nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22-5-1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Việc thất bại, Tôn Thất Thuyết đem vua đi trốn rồi truyền hịch Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi để yên lòng dân.

Câu cuối: Hú tim òa ập, chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26-9-1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt vua trong lúc đang ngủ.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.