Tựa cửa…

.

Một chiều muộn. Công viên nhỏ xinh gần nhà tôi vẫn hỗn độn, xô bồ những âm thanh quen thuộc như mọi ngày. Tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa xách tay ở khu vực trung tâm, nơi có sàn lát gạch, là hàng hàng lớp lớp các bà, các cô nhảy dân vũ nhiệt thành, háo hức, mê say, thuần thục. Là tiếng hò hét, í ới gọi nhau của các cháu bé đá bóng, đánh cầu lông. Là tiếng những chú chó cảnh quấn quýt vồ vập, chạy đuổi khi gặp nhau mỗi ngày vào thời điểm đầu sáng, cuối chiều...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quanh đó, những cửa hàng rau quả, thực phẩm lác đác khách hàng hầu như ai cũng tất bật, vội vã vào ra mua đồ để chuẩn bị bữa tối gia đình đoàn tụ sau một ngày làm việc, lao động mệt mỏi...
Bất giác, tôi nhìn sang phía bên đường đối diện công viên nhỏ xinh. Ngang qua những hối hả xe máy, xe đạp, ô-tô ngược xuôi, một cụ bà tóc trắng như cước đứng tựa cửa gần như bất định, không rõ đợi chờ người thân trở về cuối chiều hay đơn thuần chỉ là hít gió trời, ngắm cảnh hoàng hôn, lơ đãng nhìn dòng đời ngược xuôi...

Hình ảnh ấy khiến tôi chợt nhớ đến những chuyến đi công tác. Nhớ những con người bất chợt gặp cũng đứng tựa cửa lúc chạng vạng chiều. Nhớ nhất là chuyến thực tế tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đúng ngày Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hôm 23-10-2013. Sau 10 năm, Nghi Sơn nói riêng, vùng nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An và các vùng phụ cận đã đổi thay nhiều. Tôi cũng chỉ có dịp đi qua vài lần, thoảng nhìn những đổi thay phố xá, nhà máy, làng mạc mà chưa có dịp gặp lại vùng đất, con người của hơn một thập niên về trước. Thế nhưng không hiểu sao, những người đàn bà tựa cửa, tựa cổng ngồi túm năm tụm ba chuyện trò hoặc lơ đễnh ngóng trông người thân trở về từ biển cả bao la lúc chiều tà cứ ám ảnh tôi.

Họ đã nhường đất nông nghiệp cho nhà máy, vẫn chưa chuyển về khu tái định cư, vẫn chưa chuyển đổi công việc, nghề nghiệp... Nhiều người trong số họ không có cơ hội việc làm, vì tuổi cao, vì không có trình độ…

Mà đâu riêng gì ở Nghi Sơn, nhiều vùng quê nông nghiệp khi đô thị hóa, khi phát triển công nghiệp cũng trong tình cảnh ấy. Những sự chuyển đổi lạ lẫm, bỡ ngỡ bao giờ chẳng xuyến xao, nôn nao ở những thời khắc bước ngoặt.

Và thêm một lần rất nhớ, đầy ám ảnh nữa, ấy là buổi chia tay một người bạn vong niên về nghỉ chế độ, rời xa chốn đô thành để về “thành phố đáng sống” sau nhiều năm “ở trọ” Thủ đô, vì công việc. Sau buổi liên hoan ấy, sau bao ân tình bộc bạch, sẻ chia, rồi cũng đến lúc bịn rịn, lưu luyến chia tay. Người bạn vong niên đứng tựa cổng trụ sở thật lâu, dõi theo chúng tôi lên xe lần lượt ra về. Không thể cảm nhận rõ ràng, nhưng chắc có những khoảng trống, nỗi niềm trào dâng…

Còn biết bao lần tôi bất chợt hay chủ định thấy những người quen thuộc hay xa lạ tựa cửa, tựa cổng với nhiều tâm trạng khác nhau nữa. Mà tôi thì cứ lẩn thẩn quan sát, để ý và vẩn vơ nghĩ vụn vậy thôi. Để rồi mỗi cuối chiều dọc đường đi làm về, khi hoàng hôn buông xuống, sắp đến giờ sum họp, mỗi khi bất chợt thấy ai đó tựa cửa với những nghĩ suy không đoán định, một miền nhớ vu vơ, vô định lại hiện về... Nó thêm sự vén vun, hun đúc cho đậm sâu, tầng nấc ý nghĩa của sự sum họp, đoàn tụ, và những hy vọng bâng quơ, thiết thân, ân cần, gần gụi…

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.