Sau 6 lần tổ chức, chương trình Learning Express (LeX) giúp sinh viên các trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic) có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm học tập và tham gia những hoạt động chung hướng đến cộng đồng.
Nhóm sinh viên thuộc chương trình Learning Express 2023 thảo luận phương pháp giới thiệu sản phẩm nhằm giúp làng nghề bánh tráng Túy Loan tiếp cận thị trường tốt hơn. Ảnh: H.L |
Là một trong 30 sinh viên được Trường Đại học Bách khoa lựa chọn tham gia trải nghiệm Learning Express 2023, Trần Thị Thanh Miễn, sinh viên khoa Hóa cho biết, trong 12 ngày làm việc chung với nhóm sinh viên, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Singapore, em đã có cơ hội trải nghiệm quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm làng nghề trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đồng thời, việc sinh viên hai nước cùng đi thực tế, cùng lên ý tưởng nghiên cứu, thảo luận giúp cách học tiếp cận vấn đề nhanh và hiệu quả hơn.
Theo Miễn, ngoài cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm học tập, chương trình Learning Express 2023 giúp sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh, nhất là tiếng Anh giao tiếp. Đây cũng là cơ hội để các bạn tìm hiểu văn hóa Singapore, từ đó khơi gợi mong muốn được hợp tác, kết nối, làm việc cùng nhau trong môi trường hòa bình, hữu nghị.
Được biết, Learning Express 2023 diễn ra trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Singapore, theo mô hình giáo dục quốc tế nhằm tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia, trải nghiệm các vấn đề thực tiễn, có tính thời sự từ các địa phương, qua đó trang bị tư duy thiết kế (design thinking) và các kiến thức, kỹ năng, tâm thế sẵn sàng chia sẻ, cống hiến vì cộng đồng. PGS.TS Lê Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, thời gian triển khai Learning Express 2023, sinh viên hai trường có điều kiện phối hợp khảo sát, nghiên cứu và triển khai dự án thực tế ngay tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hòa Vang, qua đó tìm hiểu quy trình sản xuất, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống…
Design thinking là mô hình giáo dục hiện đại, được nhiều trường đại học áp dụng trong hoạt động đào tạo hiện nay. Theo PGS.TS Lê Tiến Dũng, tư duy thiết kế, lên ý tưởng cung cấp cho sinh viên cả kiến thức lẫn môi trường thực tế để nâng cao năng lực, thúc đẩy ý thức sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ cho cộng đồng.
Ông Leonidas Chua, điều phối viên chương trình Learning Express, Trường Đại học Bách khoa Singapore cho biết, chương trình Learning Express là một phần không thể thiếu trong hoạt động giảng dạy tại Singapore, thông qua việc tiếp cận tất cả học sinh, sinh viên thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau và truyền cho các em sức mạnh thay đổi phương pháp tư duy thiết kế. Ông đánh giá, chương trình không chỉ trang bị cho sinh viên phương pháp giải quyết vấn đề, mà còn giúp sinh viên tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, để tham gia chương trình, sinh viên phải vượt qua các vòng tuyển chọn nghiêm ngặt về trình độ ngoại ngữ, năng lực học tập và kỹ năng xử lý các tình huống. Từ yêu cầu bắt buộc trên, sinh viên có thêm động lực học tập, nghiên cứu và trưởng thành ngay trong môi trường học tập.
Sau 6 lần tổ chức, chương trình Learning Express đã giúp người nông dân phân tích, thảo luận, đánh giá và giải quyết vấn đề. Nhiều giải pháp, ý tưởng hỗ trợ được nhóm sinh viên đưa ra giúp thương mại hóa sản phẩm làng nghề. Bà Trần Thị Luyện, chủ cơ sở bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết, việc thường xuyên đón tiếp các đoàn sinh viên thuộc chương trình Learning Express đến tìm hiểu quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm giúp bà có thêm động lực phát triển quy mô, sản lượng. “Cùng với việc nâng cao chất lượng bánh tráng Túy Loan, sinh viên tham gia chương trình Learning Express đã giúp chúng tôi hình dung rõ hơn tầm quan trọng của bao bì, mẫu mã. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhóm đưa ra được chúng tôi nghiên cứu áp dụng, như tiếp cận internet, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm làng nghề, hay xây dựng những đoạn phim ngắn giới thiệu sản phẩm, con người và vùng đất Túy Loan”, bà Luyện nói.
HUỲNH LÊ