Xử phạt công ty xả rác ra vũ trụ

.

Ngày 2-10, Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) chính thức công bố án phạt lần đầu tiên cơ quan này đưa ra với một công ty vì vi phạm luật cấm xả rác trong vũ trụ.

Hình minh họa một vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo địa tĩnh.  Ảnh: iStock/Getty Images Plus
Hình minh họa một vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo địa tĩnh. Ảnh: iStock/Getty Images Plus

Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Dish của Mỹ phải nộp phạt 150.000 USD vì không rút vệ tinh EchoStar-7 khỏi quỹ đạo theo đúng cam kết sau khi nó đã hoàn thành sứ mệnh trong suốt hơn 20 năm qua. Cụ thể, đáng lẽ phải đưa vệ tinh này ra khỏi quỹ đạo theo quy định của FCC, Dish lại đưa nó vào “quỹ đạo vứt bỏ” ở độ cao không an toàn, có thể đe dọa các vệ tinh khác đang hoạt động.

Dish vi phạm cam kết

Ông Loyaan A Egal, người đứng đầu cơ quan thực thi của FCC giải thích thêm về quyết định xử phạt Dish trong thông cáo: “Vì các hoạt động của vệ tinh đang ngày một phổ biến hơn và kinh tế vũ trụ cũng đang tăng tốc, chúng ta phải bảo đảm việc các đơn vị vận hành chúng phải tuân thủ những cam kết của họ. Đây là một thỏa thuận xử phạt đột phá, cho thấy rất rõ là FCC có thẩm quyền thực thi mạnh mẽ và có khả năng thực thi những quy định về rác vũ trụ vô cùng quan trọng của mình”.

Vào năm 2002, Dish phóng vệ tinh EchoStar-7 lên quỹ đạo địa tĩnh - vùng không gian được tính từ độ cao 22.000 dặm (36.000km) so với trái đất. Năm 2012, họ cũng đã chấp thuận sẽ tuân thủ kế hoạch giảm thiểu nguy cơ của rác trong quỹ đạo do FCC đưa ra. Theo đó, sau khi vệ tinh EchoStar-7 hoàn thành sứ mệnh, Dish sẽ đưa nó lên khoảng không gian cao hơn 186 dặm (300km) so với vị trí đang hoạt động. Ở độ cao đó, EchoStar-7 sẽ nằm trong cái gọi là “quỹ đạo nghĩa địa” và không còn gây nguy hiểm nữa.

Tuy nhiên vào tháng 2-2022, Dish nhận thấy lượng nhiên liệu của EchoStar-7 đã ở mức thấp và không đủ để đẩy lên tới được “quỹ đạo nghĩa địa” nữa. Vì lẽ đó, rốt cuộc vệ tinh này đã chỉ được đẩy lên vị trí cách quỹ đạo địa tĩnh khoảng 76 dặm (122km), thấp hơn 178km so với vị trí đáng lẽ phải tới khi “về hưu”.

Lo ngại ngày càng tăng

Rác vũ trụ theo định nghĩa phổ biến của FCC là những vật thể nhân tạo có quỹ đạo quay quanh trái đất mà không phải các tàu vũ trụ đang hoạt động bình thường. Những năm qua, rác vũ trụ là mối lo ngại ngày càng tăng với FCC. Theo cơ quan này, những vật chất cũ càng ở lâu trong quỹ đạo thì việc các vệ tinh mới được đưa vào hoạt động càng trở nên khó khăn hơn.

Chính vì những lo ngại đó mà vào năm 2022, FCC đã phê chuẩn điều luật yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành vệ tinh phải loại bỏ các vệ tinh của họ trong vòng 5 năm kể từ lúc chúng hoàn thành sứ mệnh.
“Ngay lúc này đây, đã có hàng ngàn tấn rác thải vũ trụ đang bay trong không trung, và chúng sẽ còn tăng lên nữa”, bà Jessica Rosenworcel, chủ tịch FCC từng cảnh báo về vấn đề này từ năm 2022 trong thông cáo nói FCC phê chuẩn luật mới về rác vũ trụ. “Chúng ta cần phải giải quyết điều đó. Vì nếu không làm như vậy, số rác thải vũ trụ này sẽ cản trở các cơ hội mới”, bà Jessica nhấn mạnh.

Khoản phạt của FCC với Dish là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn trên toàn thế giới nhằm giải quyết tình trạng rác vũ trụ trước khi quá muộn. Theo trang Space.com, tính tới ngày 12-9, Cơ quan vũ trụ châu Âu ước tính đã có hơn 36.000 mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn hơn 10cm đang bay trong quỹ đạo.
Cùng với mật độ rác ngày càng tăng, số vệ tinh được phóng vào quỹ đạo nhìn chung cũng đang tăng lên ở cấp độ chưa từng có tiền lệ. Chẳng hạn, chỉ tính riêng công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã có kế hoạch phóng hơn 40.000 vệ tinh trong mạng lưới Starlink gồm các vệ tinh Internet băng thông rộng trong 10 năm tới.

Hay một nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh khác là OneWeb, cũng có kế hoạch phóng 4.000 vệ tinh, trong khi dự án Kuiper của công ty Amazon dự kiến phát triển mạng lưới với 3.200 vệ tinh kiểu này. Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới vệ tinh của họ cho đến năm 2027. Tại Trung Quốc, dự án truyền thông vệ tinh Guowang cũng nhắm tới mục tiêu phóng 13.000 vệ tinh lên không trung.

Với tất cả những vệ tinh đó, nếu không được loại khỏi quỹ đạo an toàn và đúng cách, chúng sẽ tạo ra những rủi ro cho không gian xung quanh hành tinh của chúng ta.

ĐỖ DƯƠNG

Phạt chưa lớn, nhưng đáng hoan nghênh
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt 150.000 USD vẫn còn quá nhẹ nếu nhìn vào khoản thu nhập ròng của Dish là hơn 200 triệu USD một năm. Có người cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe nên sẽ không giải quyết được vấn đề, và như thế vệ tinh vẫn sẽ được “treo” bừa bãi và rác vũ trụ vẫn sẽ là vấn đề đáng lo ngại trong tương lai.
Thực tế cho thấy mức phạt của FCC có thể không lớn nếu so với chi phí phóng và vận hành các vệ tinh, nhưng lập trường cứng rắn của cơ quan này với rác thải vũ trụ được dư luận hoan nghênh. Vì dù cho tới nay những giải pháp để giải quyết rác vũ trụ vẫn chưa nhiều, song việc có thêm những quy định để giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến nó cũng đã là điều tốt.

 

;
;
.
.
.
.
.