Chân vừa bước thêm một vạch tuổi

.

Mải mê chơi trò kéo co với thời gian, bạn nhận ra mình sẽ không bao giờ thắng được cuộc chơi ấy. Bởi luôn có một ngày trong năm bạn dừng lại thật lâu trước tờ lịch mỏng, chữ số trên đó như ghé vào tai thì thầm rằng bạn vừa bước qua thêm một vạch tuổi, nghe con tàu đời mình rú lên tiếng còi vào ga mới. Sẽ có vài người bước xuống, rời khỏi toa tàu đời bạn, để lại bóng mình trên những ô ghế trống, rồi sau này bạn sẽ gặp lại những chiếc bóng ấy trong hình hài một câu chuyện cũ, hay một gợi nhớ xa xôi. Cũng sẽ có nhiều người bước lên, lấp vào những toa tàu vắng, đi cùng bạn qua vài chặng đường, rồi bền bỉ ở lại, hoặc cũng lặng lẽ bước xuống trạm dừng nào đó không tên. Con tàu vẫn tiếp tục lướt đi như vốn dĩ, trên đường ray hun hút tháng năm, giống những con tàu ngược xuôi khác.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bạn tự hỏi người ta thường làm gì vào sinh nhật mình? Mượn những ngọn nến mong manh thắp lên mơ ước chưa thành, ca một bài hát muôn đời nay vẫn hát, bất ngờ khóc vì vui sướng râm ran, hay ngậm ngùi cười trong thui thủi im vắng? Hò hát xập xình giữa đám đông nhộn nhạo, hay về ngồi ăn với cha mẹ một bữa cơm nhà? Hồi tưởng lại tình đầu bẽn lẽn sau lưng món quà giản dị, hay xót ruột nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ từng câu chuyện của buổi chào đời, từng người bạn cũ chân chất ấu thơ? Không cần phải ê hề quà cáp trong ngày sinh nhật, tự mỗi người ngay từ lúc cất lên tiếng khóc đầu tiên đã được nhận từ cha mẹ một món quà. Nó quý hơn mọi món quà người ta có thể trao cho nhau trên thế gian này. Đó là sự sống.

Má thường nhẩn nha kể ngày mà bạn chào đời. Từng chi tiết như những con tàu đậu ở bến nhớ, chỉ cần một khơi gợi bất chợt, chúng sẽ được cánh tay ký ức thả neo giong ra biển rộng, thu về trĩu lưới những mẻ chuyện cũ càng. Nhưng chúng cũ bao nhiêu má lại nhớ bấy nhiêu, tựa một thứ mật ngọt tinh khiết để càng lâu càng đậm. Bạn sinh ra vào một tối mùa đông, giữa lúc “trời hành cơn lụt hăm ba tháng mười”. Tròn một tuổi bạn được ba má làm lễ thôi nôi, mười hai tuổi bạn được làm lễ hạ phán. Thời đói no chật vật, đó đồng thời cũng là hai lần sinh nhật duy nhất của bạn, cũng như những đứa nhỏ nhà quê khác, ở quãng đời ấu thơ. Má kể trong ngày thôi nôi, khi má xếp trước mặt bạn cây bút, cuốn vở, chiếc gương, cái lược, cục đất, nắm xôi, bạn từ xa bò lại và đã hiếu kỳ lựa chọn cây bút, cuốn vở, cái lược. Lúc đó, người lớn xung quanh đã rôm rả suy đoán, rằng thằng nhỏ sau này sẽ làm công việc trí óc, không thể rời giấy bút, chữ nghĩa, chứ chẳng phải vất vả chân tay.

Vậy là bạn đã chọn chữ nghĩa, hay chữ nghĩa đã chọn bạn? Đâu ai ngờ rằng, sau này những con chữ cứ rục rịch cựa mình trong bạn, khao khát có một hình hài trên trang giấy, tựa những hạt mầm muốn đội đất nhô lên, những cánh chim đòi tháo cũi sổ lồng. Chúng làm bạn bồn chồn bào bọt, ngay cả lúc trệu trạo nhai cơm, hay đương mướt mải với nắng gió dọc đường. Đôi khi là tuyệt vọng.

Má nhớ từng ngày sinh âm lịch của đàn con (người ở quê chỉ nhớ ngày âm lịch), nhớ từng đứa ra đời vào sáng tối, nắng mưa thế nào, nhớ từng bà mụ đỡ đẻ cho con, những ngày trước sinh chân chưa dứt bùn, những ngày ở cữ ngắn ngủi bứt rứt… Nhưng má không biết ngày mình sinh ra. Gần 60 năm sống ở đời này, má chưa từng có một ngày sinh nhật. Bạn lật cuốn sổ hộ khẩu từ lâu được gấp làm đôi, màu giấy vàng hơn màu của lá rụng, trong đó chỉ thấy vỏn vẹn năm sinh của má. Nhưng con số ấy cũng chỉ mang dáng dấp tượng trưng, bởi má và cậu dì của bạn chào đời trong tiếng đạn bom chưa dứt, lớn lên qua những lần chạy giặc, chiêm bao giữa căn hầm trú ẩn. Khi sự sống đặt trên đầu súng đạn, ngoại làm sao nhớ hết ngày sinh của cả mười đứa con.

Ngoại chỉ nhớ má chào đời vào mùa xuân năm đó, giữa quê nhà thời loạn lạc. Khác với mấy khi má rành rọt kể về ngày sinh của từng đứa con, lúc bạn muốn nghe chuyện má chào đời, dù đã dò dẫm hết qua mịt mù ký ức ngoại để lại, má chỉ tìm được một chi tiết ấy. Như thể mọi chi tiết khác đã bị xóa dấu bởi những triền mưa bàng bạc ngang qua ký ức đời người. Để rồi đôi lần bạn đứng giữa mùa xuân, hối hả trong muôn nẻo thị thành, hay đi trốn đám đông ở một hòn đảo, một ngọn núi xa lạ nào đó, bạn đã bất giác hỏi chính mình hôm nay có phải sinh nhật má. Thảng hoặc ngoại vẫn nhớ ngày má sinh ra, thì bạn có sẵn sàng xua tay chối từ bao réo gọi từ phố thị, xếp lại những vây bủa ngổn ngang ở nơi này, mà ngược đường trở về trong ngày sinh nhật má? Sự có mặt của bạn dưới nếp nhà từng mùa qua lặng lẽ, không phải là món quà quý giá nhất hay sao?

Tháng mười một, năm đang dần cạn, mặt trời ngủ mê giữa những miền dã quỳ, có ai đó ngồi nhớ xa xôi.
Còn bạn đọc, người đang dõi theo những dòng chữ này, bạn có nhớ sinh nhật cha mẹ mình?

TRẦN VĂN THIÊN

;
;
.
.
.
.
.