Đà Nẵng năm 2050

.

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023. Đây là bước triển khai có tính quyết định về không gian phát triển thành phố cũng như các giai đoạn và mục tiêu thực hiện kế hoạch trung và dài hạn. Có thể nói diện mạo Đà Nẵng trong vài mươi năm nữa được định dạng một bước cơ bản từ việc phê duyệt này.

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Nội dung cơ bản của quyết định gồm phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng, mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ trọng tâm, xác định khâu đột phá phát triển, việc tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ; xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

Mục đích tổng quát là đến năm 2050 Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, thu nhập bình quân đầu người khoảng 8.500 USD (giá hiện nay). Ngoài các chỉ tiêu định lượng quen thuộc như phát triển du lịch, logistic, thương mại, giáo dục, khoa học công nghệ… còn có một số chỉ tiêu định hướng quan trọng như trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, y tế chất lượng cao. Đây là những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu để làm nên chất lượng của danh hiệu “thành phố đáng sống’’.

Phê duyệt quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là căn cứ pháp lý để triển khai các giải pháp phù hợp, đồng thời cũng là bản hiệu triệu nhằm huy động tối ưu nguồn lực cũng như động viên ý thức và trách nhiệm của nhân dân, doanh nghiệp vì một Đà Nẵng trong tương lai.

Bao giờ cũng vậy, để đạt mục tiêu phải đặt nó trong bối cảnh chung. Kinh tế học gọi là phát huy các lợi thế so sánh. Trước hết là lợi thế so sánh tĩnh (tuyệt đối), là lợi thế riêng có của thành phố, có thể nhấn mạnh một số điểm: thành phố nằm ở vị trí trung độ của cả nước, điều này có nghĩa là ra Bắc vào Nam có cùng chung một khoảng cách (dưới 1.000 km), việc di chuyển khoảng 1 giờ bay thường là rất thuận lợi cho du lịch gia đình, tổ chức du lịch MICE, các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế...

Năng lực kinh tế được hình thành qua quá trình tích lũy, tài nguyên du lịch biển, cảng nước sâu cũng được xem là lợi thế tuyệt đối của Đà Nẵng, ở đây hoàn toàn có thể thành thủ đô của loại hình kinh tế biển. Bất lợi rõ nhất là tính chất “dọc’’ của miền Trung giới hạn quy mô thị trường và thiếu sự liên kết tự nhiên, nhất là thiếu sức hút và tỏa như vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng. Mặt khác do điều kiện tự nhiên nên thời tiết khu vực miền Trung thường khắc nghiệt, mưa nắng bão lũ bao giờ cũng là một hạn chế dễ tạo ra sự do dự của các nhà đầu tư.

Lợi thế so sánh động là lợi thế đặt nó trong quan hệ với các địa phương lân cận (trong nước) và cự ly với các thủ đô trong khu vực. Đà Nẵng là tâm của nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, về lâu dài đây là lợi thế hàng đầu nhằm thúc đẩy chất lượng du lịch. Truyền thống quan hệ với các nền văn hóa trong khu vực, sự tác động của hành lang kinh tế Đông Tây, nếu khai thác đúng mức sẽ là điều kiện phát triển độc đáo. Lợi thế của thành phố phát triển sau cho phép ta rút kinh nghiệm về chất lượng tăng trưởng, nhất là về quản lý đô thị của các thành phố lớn. Những bất cập mà các thành phố lớn đang phải chật vật  giải quyết về giao thông, an ninh, trật tự xã hội… là những gợi ý quan trọng trong việc xây dựng thành phố hiện tại và tương lai.

Dân số Đà Nẵng sẽ tăng lên khoảng 1,7 triệu vào năm 2050, và nên giữ ổn định quy mô mức dưới hai triệu nhằm bảo đảm nguồn nhân lực và thị trường đô thị. Những vấn đề về quản lý chất lượng dân số (lao động), giao thông đặc biệt giao thông tĩnh cần đặt ra ngay từ bây giờ. Việc bố trí nhà cao tầng cần lưu ý đến việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai. Trong các sự trả giá, khắc nghiệt nhất là không quản lý được quy hoạch và kiến trúc. Chất lượng lao động quyết định sự thành công của môi trường đầu tư cũng như quản lý về mặt trật tự xã hội. Tệ nạn và bệnh tật bao giờ cũng chiếm một phần đáng kể nguồn lực, do đó có biện pháp chủ động kiểm soát nguồn nhập cư phù hợp là nội dung cần lưu ý.

Để hoàn thành mục tiêu của quy hoạch, biện pháp của biện pháp là xác định khâu đột phá. Nếu hai mươi năm trước từ sau 1997, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng và khai thác tối đa quỹ đất được xem là khâu đột phá, và trong thực tế chính nguồn thu từ đất tạo ra bước thay đổi sâu sắc về chất lượng tăng trưởng của thành phố. Trong giai đoạn mới, khi nguồn thu từ khai thác quỹ đất trở nên tương đối, có thể việc thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò hết sức quan trọng.

Trong khi không gian địa lý có những hạn chế so với hai đầu đất nước, vấn đề quyết định của Đà Nẵng là phải có một hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đủ mạnh nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định chung, ở đây việc cải tiến hơn nữa thủ tục hành chính, thái độ cán bộ làm công tác liên quan đến FDI có thể là khâu quyết định, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận và giới thiệu đến các nhà đầu tư chiến lược, có công nghệ nguồn về môi trường kinh tế thành phố.

Đà Nẵng hiện có 2.450 doanh nghiệp với khoảng 46.000 nhân lực công nghệ số, trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc và gấp 3 lần trung bình toàn quốc. Việc hoạch định các chính sách để tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn của thành phố nên được ưu tiên và có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Trong khi hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin cần rà soát toàn bộ quỹ đất và cơ sở pháp lý của các chủ đầu tư, sớm tổ chức một hội nghị đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của các khu công nghiệp và các dự án FDI trên địa bàn thành phố. Phân tích các lợi thế và nhất là các bất lợi thế để đề ra biện pháp phù hợp nhằm huy động nguồn lực xã hội là bước có tính quyết định thành công.

Có những việc phải tốn nhiều tiền mới làm được như xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng cũng có những việc không tốn kém nhiều như xây dựng thái độ công vụ, chất lượng dịch vụ, vệ sinh thực phẩm, thái độ ứng xử văn minh giao tiếp, không có “bôi trơn’’ trong việc cấp phép… là những thứ không quá khó để làm, nhưng lại có tác dụng lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch.

Vừa qua, Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” với nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài là nâng cao hiệu quả, chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân, tổ chức và doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề góp phần quyết định hoàn thành mục tiêu của quy hoạch này.

Hai mươi lăm năm nữa là thời gian của 5 kỳ đại hội, chúng ta sẽ kiểm soát thời gian và lộ trình để biến nơi đây thật sự là thành phố đáng đến, và đáng sống.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.
.