Giờ đây người bán hàng rong biết sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin để phục vụ khách hàng, thay vì kinh doanh theo lối truyền thống. Sự thức thời và thích nghi nhanh chóng ấy góp phần quan trọng giúp mưu sinh hàng rong vẫn gắn bó giữa nhịp sống hiện đại.
Ở tuổi 53, bà Nguyễn Thị Mai (ở Hội An) đã có ngót nghét gần 40 năm buôn bán hàng rong. Nhờ các con hướng dẫn, giờ bà sử dụng thành thạo công nghệ để việc kinh doanh chủ động hơn. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Mua hàng rong qua app
Gần 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Hoài (42 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) gắn bó với nghề bán hàng rong, là nguồn mưu sinh nuôi cả gia đình gồm 5 người. Trước chị ngồi bán ở cổng chợ Túy Loan, sau chuyển sang chạy xe bán dưới phố. Hằng ngày, khi đồng hồ dần qua thời khắc ngày mới, chị Hoài đã có mặt tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), tỉ mỉ và kiên nhẫn ngồi lựa từng bó rau, ký tôm, thịt, cá… Chọn được hàng ưng ý, chị quay sang tươi cười bảo, hôm nay món nào cũng tươi, ngon nên lấy nhiều hơn mọi khi. Mỗi thứ thịt, cá, xương… cũng tầm 2-2,5kg, rau củ quả các loại khoảng 30kg nữa là đủ để chất đầy xe.
Xong phần chọn hàng cũng là lúc chồng chị, ông Phan Văn Tú (60 tuổi) chạy đến. Phanh kịt chiếc xe máy Dream đời cũ, ông Tú nhanh nhẹn đến phụ vợ gói ghém rồi bê hàng ra phía ngoài, đoạn gần cổng chợ, nơi “con ngựa thồ” để sẵn ở đó. Hàng hóa chuyển ra đầy đủ, chị Hoài rút nhanh cuốn sổ ghi chép rồi theo đó bắt đầu soạn sẵn các đơn hàng đặt từ tối hôm trước. Hôm nay, chị phải soạn để giao 12 đơn hàng cho khách. Việc giao hàng chồng chị đảm trách.
Để bảo đảm hàng hóa giữ được độ tươi ngon trong suốt hành trình rong ruổi trên các tuyến đường từ 6 giờ sáng đến gần 2 giờ chiều, chị Hoài luôn lót sẵn một lớp đá dưới từng chiếc khay nhỏ đựng thịt, cá các loại; còn rau, củ, quả, sau khi sắp xếp gọn gàng được rưới thêm chút nước lên bề mặt để giữ độ tươi xanh; phần trái cây được bọc kỹ trong túi nilon rồi treo lủng lẳng ở hai bên thùng xe. “Con ngựa thồ” này được ông Tú “tậu”, rồi “độ” mới lại từ chiếc xe máy cũ.
Với sức chứa gần 50kg hàng hóa cho mỗi lần lấy hàng, cũng là vừa với sức chở của phụ nữ. Xe chất đầy hàng, tiếng chuông điện thoại lại vang lên réo rắt. Nét mặt chị Hoài giãn ra, rồi cười bảo: “Bạn hàng tui gọi đó”. Cứ thế, chỉ trong gần 30 phút, chúng tôi nhẩm tính có 13 đơn hàng được soạn sẵn nhờ việc đặt hàng trước qua mạng. Từ khi hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển mạnh, những người bán hàng rong như chị Hoài cũng nhanh nhạy nắm bắt xu thế bằng việc sắm những chiếc điện thoại thông minh rồi cài đặt, sử dụng những tiện ích như mạng xã hội, dịch vụ chuyển khoản... giúp việc bán hàng được thuận tiện hơn. Thậm chí, số lượng khách hàng còn tăng lên, đi kèm đó là nguồn thu nhập cũng khấm khá hơn hẳn trước đây.
“Tui có gần 15 mối “ruột”, ngày mô cũng đặt hàng qua tin nhắn. Tầm 7 giờ sáng đã có hàng giao tận nhà, bảo đảm đồ tươi, ngon nên khách ưng ý lắm”, chị Hoài bộc bạch.
Cũng như chị Hoài, giữa phố thị ồn ào, tiếng rao hàng quen thuộc vào mỗi sáng sớm mai của chị Nguyễn Thị Như Ý (34 tuổi, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn vang lên ở những tuyến đường nội thị như: Núi Thành, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Trưng Nữ Vương. Cũng có hôm “ế” khách, chị chạy lên tận đường Trần Cao Vân, Điện Biên Phủ để bán. Chị nói, nhờ lấy được nguồn hàng nông sản ổn định ở các chợ vùng quê Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam) nên giữ được chân nhiều bạn hàng là khách “ruột” suốt 10 năm nay. Từ lúc biết sử dụng tin nhắn zalo, messenger, việc kinh doanh càng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, sau các đợt dịch bệnh hoành hành trong các năm 2020, 2021, bạn hàng của chị tăng lên đáng kể. Xe hàng rong của chị Ý là nơi cung ứng hàng hóa thường xuyên cho gần 30 khách hàng ở nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội thị quận Hải Châu và khách vãng lai. Những đặc sản của các vùng nông thôn Quảng Nam theo gánh hàng rong của chị Ý để đến gần hơn với người dân ở phố.
Những tưởng bán hàng rong thì các chị, các bà sẽ xuê xoa, lấy lệ cho xong, nhưng những ai có “sành” mua hàng rong đều biết rằng, hầu hết những món hàng họ bán thường được lựa chọn kỹ càng, có độ tươi ngon nhỉnh hơn hàng bán đại trà ở các chợ. Gặp hôm đẹp trời nào đó, còn mua được những thức quà nông sản độc - lạ, mang đậm đặc trưng vùng miền. Như có lần tôi may mắn mua đủ nguyên liệu để làm món cao lầu - một trong những niềm tự hào ẩm thực của xứ Quảng, từ một gánh hàng rong tình cờ bắt gặp ở trên đường, những thứ mà thường ngày đi chợ chẳng mấy khi nhìn thấy.
“Phải chọn lựa kỹ chớ. Chọn không kỹ rồi lấy phải hàng kém chất lượng là mất khách ngay. Như bắp Hội An ni tui lấy tận vườn của mối quen là người trồng bắp mấy mươi năm ni rồi”, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, ở Hội An) kể và cho biết đã nghề buôn bán này từ thuở nhỏ, lúc còn ngồi sau yên xe đạp theo mẹ chở hàng ra Đà Nẵng bán. Đến nay, khi tóc điểm bạc, cũng ngót nghét hơn 40 năm bà đều đặn, ròng rã chở những chuyến hàng từ Hội An ra Đà Nẵng.
Bà Mai nói, bán buôn nhỏ lẻ và cực nhọc là vậy nhưng đủ nuôi 3 đứa con ăn học rồi có nghề nghiệp hẳn hoi. Ở tuổi 55, bà chưa từng nghĩ đến việc bỏ nghề mà còn nhờ các con sắm điện thoại đời mới, cài app zalo, lập facebook và mở tài khoản banking ở ngân hàng. Ban ngày bà đi bán hàng ở dưới phố, tối về lại hí hoáy nhắn tin trò chuyện với bạn hàng. “Con tui nói, thời buổi bây giờ mẹ muốn bán được hàng nhanh gọn thì phải biết sử dụng điện thoại thông minh. Cũng nhờ rứa mà tui chủ động hơn khi lấy hàng, không phải chịu cảnh hàng bị dôi, dư nhiều như trước”, bà Mai ngỏn nghẻn nói.
Thi thoảng, trên những phố xá tấp nập, người ta vẫn bất chợt nhìn thấy những “thức quà quê” vốn là những sản vật của vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng), hay các huyện, thị của tỉnh Quảng Nam lại len lỏi theo từng gánh hàng rong để đến tận tay với người dân ở nơi phố thị. Chẳng cần phải mất phí quảng cáo hay vội vã đua chen như cảnh bán mua thường thấy ở các chợ, những gánh hàng rong tưởng chừng như lọt thỏm giữa tấp nập của phố xá lại níu giữ được chân khách hàng bởi sự riêng có từ những thức quà mộc mạc mà “chất lượng”, lại thấm đẫm vị thôn quê. Để xe hàng thêm phần sức hút, các bà/các chị còn linh hoạt thuận theo quy luật của tiết trời để cứ đến hẹn lại “mùa nào thức nấy”. Ngày thường chỉ có tôm, cá, thịt… thì hôm rằm lại có thêm xôi đường, bánh chưng, bánh tét chay… Những gánh hàng rong nhìn tưởng chừng như giản đơn ấy lại gánh cả công sức, hy vọng của người lao động ở vùng nông thôn.
Thích nghi để tồn tại
Những người gánh hàng rong ở trên phố mà tôi gặp đều có điểm chung đó là họ đã gắn bó với gánh hàng lâu năm. Và dù không ai làm giàu được từ gánh hàng rong nhưng nó cũng đủ giúp gia đình vượt qua thời đói nghèo và nuôi con cái ăn học thành người. Chẳng biết gánh hàng rong xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng dưới góc nhìn xã hội học, bán hàng rong là hoạt động kinh tế phi chính thống, một thành phần của “kinh tế vỉa hè” (với bao gồm các hàng, quán kinh doanh ở vỉa hè…).
Cũng như những chủ thể kinh tế vỉa hè khác, người bán hàng rong có nguồn lực kinh doanh hạn hẹp, mọi thu nhập của họ đến từ việc buôn bán hằng ngày, nhất là với những người di cư từ các địa bàn nông thôn vào đô thị. Chiếm vị trí khiêm tốn, không có nhiều đóng góp vào ngân sách và tổng thể nền kinh tế địa phương, quốc gia, lại dễ “tổn thương” trước những biến động của thị trường (đơn cử như các đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua), nhưng bản thân sự tồn tại của ngành nghề này cũng cho thấy vai trò nhất định, quan trọng nhất là vai trò tự tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội.
Trong nhiều năm qua, để hoạt động buôn bán hàng rong đi vào “quy cũ”, các ngành chức năng thành phố triển khai nhiều giải pháp, trong đó có vạch sẵn và cắm biển quy định đối với đối tượng kinh doanh này ở một số tuyến đường. Tuy nhiên, vẫn khó cấm cản được khi người buôn bán hàng rong nhanh chóng thích nghi bằng cách đứng bán cố định (hàng rong vỉa hè) ở một số các tuyến đường, nhưng hơn cả, họ biết ứng dụng và sử dụng công nghệ để sinh tồn với nghề.
Như hàng xôi xéo Hà Nội ở đường Trưng Nữ Vương, trước vốn là gánh hàng xôi của bà Trần Thị Nhỏ (57 tuổi), sau được giao lại cho các con gái đứng quầy. Sự chuyển đổi của gánh xôi xéo Hà Nội qua hai thế hệ lại cho thấy một nét đổi thay khác trong tư duy kinh doanh của người bán hàng rong, khi hai cô con gái của bà Trần Thị Nhỏ đã “làm mới” gánh hàng xôi bằng cách mặc đồ đồng phục có in logo của xôi xéo Hà Nội và sử dụng các app ẩm thực nổi tiếng để giao hàng tận nhà, nhận chuyển tiền qua dịch vụ banking… Hay như quán bánh mì Phượng, nằm nép mình trên đường Phan Châu Trinh của chị Đinh Như Hoài (40 tuổi, ở đường Phan Châu Trinh) luôn hút khách bởi bánh mì giòn ngon, đa dạng các loại nhân và thuận tiện khi khách có thể đặt mua qua nhiều app đặt hàng, giao hàng trực tuyến…
Thâm nhập vào thực tế lao động của những người bán hàng rong mới thấy, trước những đổi thay của một nền kinh tế hiện đại, người bán hàng rong cũng thức thời chẳng kém người kinh doanh chuyên nghiệp. Họ chủ động sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ thế, những gánh hàng rong vẫn kẽo kẹt giữa phố xá, hơn thế, còn hòa nhập tốt với xu thế phát triển chung như nhắc nhớ về sức sống bền bỉ của một ngành nghề vốn gắn liền với một tầng lớp lao động trong xã hội hay giữa sự xoay vần của thời cuộc.
KHÁNH HÒA