Từ khi đảng ra đời, trong lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trải qua 36 năm đổi mới đến hôm nay, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã thực sự là quy luật phát triển của Đảng. Đảng ta mạnh lên nhờ biết thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Như vậy, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình, hiểu rất rõ vai trò của nó đối với sự hoàn thiện nhân cách con người
Đảng ta vẫn đang hằng ngày, hằng giờ nỗ lực, quyết tâm “sửa mình” qua công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng kể từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2-2-1999 hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng đến nay. Nhìn suốt chặng đường 24 năm qua, cách tốt nhất để Đảng mạnh là xác định đúng thái độ tự phê bình và phê bình. Đó là phải hết sức nghiêm túc trong tự đánh giá cũng như xem xét những sai lầm, yếu kém của tổ chức đảng và đảng viên.
Hằng năm, từ sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng đến hoạt động “tự soi, tự sửa” mỗi năm 1 lần, đặc biệt là đợt sinh hoạt chính trị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân đảng viên vào tháng 12, toàn Đảng ta từ Ban Chấp hành Trung ương, đảng bộ các cấp, các ngành, đến chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc… thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, nhận thức của toàn Đảng về nguyên tắc này rất đầy đủ và sâu sắc.
Tuy nhiên, từ việc phát hiện, xử lý nhiều vụ đại án tham nhũng lớn của Đảng và Nhà nước thời gian qua cho thấy, một thực tế cần được khắc phục là rất ít hoặc hiếm có một vụ việc, sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng nào của đảng viên hoặc tổ chức đảng ngay từ đầu được phát hiện trong sinh hoạt đảng, qua tự phê bình và phê bình để phát hiện ở cấp chi bộ.
Tháng 11-2023 gần trôi qua, nhiệm vụ đánh giá tổ chức đảng và đảng viên sau cả năm hoạt động đang cận kề, có nhiều việc phải chuẩn bị, trong đó, điều cần thiết nhất phải làm là ngoài những tiêu chí đã được quy định, đảng bộ, chi bộ và mỗi đảng viên cần soi chiếu lại để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình đúng đắn đảm bảo chất lượng trong sinh hoạt Đảng.
Dưới góc độ tâm lý, thực hiện tự phê bình và phê bình là chạm đến nhu cầu xã hội, mong muốn được quý trọng và đặc biệt nhu cầu được khẳng định mình của mỗi cá nhân. Do đó, nếu phương pháp tự phê bình và phê bình không đúng, gây thương tổn lòng tự tôn, tự ái, tức là chạm đến phần sâu xa trong tâm lý, tính cách, khí chất của con người, sẽ làm họ có cảm giác bất an. Vì thế họ luôn có khuynh hướng tìm kiếm sự an toàn trong khi tự phê bình và phê bình. Từ đó sinh ra tâm thế e ngại, né tránh, thậm chí sợ phê bình.
Vậy, cần phải làm gì để việc tự phê bình và phê bình thực sự mang lại hiệu quả trong sinh hoạt Đảng? Trước hết và sau cùng vẫn là trở về học tập trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Là người sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo Đảng trên cương vị người đứng đầu 24 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và thực hành tự phê bình là phê bình đạt đến trình độ mẫu mực.
Trước hết, Người nhìn nhận về việc mắc lỗi: Khuyết điểm là điều hết sức tự nhiên vì “nhân vô thập toàn”; càng làm việc nhiều càng có nguy cơ mắc khuyết điểm nhiều. Nhưng đã có khuyết điểm tất phải sửa, Người nói phải làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Ngay cách nhìn này đã đem đến cho tự phê bình và phê bình một tâm thế tích cực thuận lợi cho việc phê bình.
Thứ hai, Người nhấn mạnh phải có phương pháp tự phê bình và phê bình đúng. Về phương pháp, Người dùng hai hình ảnh rất đắt. Theo đó, không dùng dao mổ trâu để mổ con chim sẻ - tức không đao to, búa lớn, tuyệt đối không nâng quan điểm. Chỗ này Người lưu ý: việc đến đâu nói đến đó, rõ ràng, cụ thể, thiết thực, chân thành. Bên cạnh đó, Người ví von khuyết điểm như vết bẩn trên mặt, nếu dùng dao gọt, cũng sạch nhưng làm đau đồng chí của mình, vì vậy cần dùng khăn bông (êm ái) và xà phòng thơm để lau sạch vết bẩn. Đây là cách nói có hình ảnh sinh động dễ hiểu về phương pháp phê bình. Người rất quan tâm đến yếu tố tâm lý, tình cảm con người, Người nói: ai cũng có lòng tự ái, tự tôn, nếu biết phát huy thì họ sẽ rất tốt. Trong hình ảnh này, còn hàm ý: lời lẽ, phương pháp, cách thức phê bình khéo léo, tinh tế thể hiện đúng phương châm Người đề ra: phê bình phải trên cơ sở tình đồng chí yêu thương nhau.
Thứ ba, Người chỉ rõ phải xác định mục đích phê bình là giúp nhau cùng tiến bộ. Có như thế mới tránh được khuynh hướng lợi dụng phê bình để hạ thấp uy tín của nhau, mầm mống của gây mất đoàn kết nội bộ.
Tháng 12 về, mùa kiểm điểm trong các tổ chức Đảng sau một năm công tác, để tự phê bình và phê bình thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng, cần ôn lại, học lại chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhận thức đầy đủ về phương châm, phương pháp, mục đích phê bình, với tình cảm đồng nghiệp, đồng chí chân thành, với tình yêu thương nâng đỡ nhau trong công việc để cùng tiến bộ,… chắc chắn chúng ta thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ rất hiệu quả! Có như vậy, qua mỗi đợt sinh hoạt góp ý phê bình, kiểm điểm mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tự tin vào bản thân, tin tưởng vào đồng chí, vào tổ chức để tự vấn, tự phê bình mình một cách nhiệt thành cũng như tâm huyết trong góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp, hướng đến mục đích: tất cả đều tiến bộ.
PHAN THỊ MỸ DUNG