Trầm cảm vì... mạng

.

Mặt trái của mạng xã hội đã được nhận diện, đề cập từ lâu, trên diện rộng và cả những trường hợp cụ thể. Nhiều giải pháp làm sạch môi trường mạng xã hội đã được triển khai, với những chế tài cụ thể, nhưng thực sự còn những khoảng trống lớn cần giải quyết. Bôi xấu, xúc phạm bất kỳ ai, bất kỳ vấn đề gì trên tường (trang cá nhân) nhà mình, tường nhà người khác, trên các trang, hội, nhóm… là hiện tượng không quá cá biệt, chưa muốn nói là khá phổ biến.   

Trầm cảm do mạng xã hội là một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay. Ảnh: ST
Trầm cảm do mạng xã hội là một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay. Ảnh: ST

Chiều 7-11, tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị cần xử lý người bôi xấu phim “Đất rừng phương Nam” - một hiện tượng thu hút sự chú ý, thậm chí khá trái chiều, của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ông Hùng cho rằng, thông tin không tốt về phim là “chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu”. Cũng buổi chiều cùng ngày, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Bí thư quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội bạo hành. Bà Châu dẫn 2 ví dụ là hoa hậu Ý Nhi chỉ vì phát ngôn thiếu tế nhị mà bị “ném đá”, và phim “Đất rừng phương Nam” đã “bị cộng đồng mạng đập cho tơi bời”. Bà Châu cho rằng, cách “góp ý theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa là rất nguy hiểm”.

Ấy chỉ là những tiếng nói tại nghị trường. Trong đời thường, biết bao những sự hành xử thiếu văn hóa, tục tĩu, phản cảm, nguy hiểm, độc hại… diễn ra tràn lan trên mạng xã hội. Những sự “tay nhanh hơn não” trong việc chia sẻ (share), bình luận (comment), yêu thích (like)… là hết sức nguy hiểm. Rất nhiều chủ tài khoản không có sự hiểu biết gì về chủ đề đang tranh luận, cứ tự động hùa theo, bày tỏ sự “thông tuệ” trong việc xúc phạm, bôi nhọ, chửi bới… cá nhân, tập thể, thậm chí là những chính sách cụ thể.

Điều đặc biệt nguy hiểm là khi những sự vùi dập, “ném đá” của cộng đồng mạng nhằm vào những đối tượng yếu thế, chưa đủ “sức đề kháng” để chống chọi với những “cơn bão” thông tin “bẩn” trên mạng xã hội. Chưa có một cuộc điều tra, khảo sát hay con số thống kê chính thức nào được đưa ra trong thời gian gần đây về việc những đối tượng bị “tấn công” trên mạng xã hội đã hứng chịu những thiệt thòi, thiệt hại về vật chất, tinh thần như thế nào.

Nhưng những ví dụ cụ thể chắc chắn là có, thậm chí đã có không ít người trẻ, nhất là học sinh, bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực để rồi quẫn trí tìm đến cái chết coi như sự giải thoát. Thế nhưng, sự điên cuồng của không ít cư dân mạng chưa dừng lại, và họ cứ nghĩ sự ẩn danh là an toàn để mặc sức like, comment, share… mà không lường trước kết cục bi thương của những “viên đá” ném ra vô tội vạ, của những “lời nói đọi máu” hết sức nguy hiểm…

Với những người trẻ, tâm lý chưa ổn định, sức ép từ cộng đồng mạng là rất lớn, tác động mạnh mẽ đến những suy nghĩ, hành động của các em. Sự “ném đá” đơn giản, thường ngày như bắt nạt, bạo lực học đường, xoi mói đời tư cá nhân một cách ác ý, mang tính xâu xé, vùi dập… tác động rất lớn, dễ gây ra những hậu quả nặng nề. Khi những ứng xử trên mạng vượt quá sự chịu đựng, không được chia sẻ, hóa giải kịp thời rất dễ nảy sinh hậu quả, có thể khiến học sinh bỏ học, thu mình, xa lánh mọi người, trầm cảm, thậm chí là tự tử. Khi ấy, rõ ràng là cộng đồng mạng đã phạm tội giết người tập thể mà không ai thấy mình có lỗi, phải chịu trách nhiệm… Khoảng trống ấy cũng phần nào làm lộ ra khoảng trống trong môi trường giáo dục, khi những người trẻ chưa được giáo dục một cách căn bản về ứng xử trên mạng xã hội.

Bên cạnh cải thiện việc giáo dục về ứng xử trên mạng xã hội, đánh thức lương tâm, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia mạng xã hội; các biện pháp chế tài cần thiết phải tăng cường hơn nữa, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, như việc xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông hiện nay.

Thực tế, Luật Viễn thông năm 2009 và Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông, công nghệ thông tin; Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, loại hành vi và hậu quả của nó gây ra mà cá nhân đó có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật… Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, chưa “bịt” hết những khoảng trống để tránh những nguy hại trên môi trường mạng xã hội.

Ngày 6-11, tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cuối năm nay Chính phủ sẽ ban hành nghị định về quản lý mạng xã hội, trong đó quy định xử lý việc xâm hại đời tư trên mạng và có thiết chế hỗ trợ người dân bị xâm hại trên mạng xã hội. Thời gian qua, Bộ đã lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia.

“Tôi nghĩ rằng cần lập các trung tâm xử lý các tỉnh, bởi hầu hết hoạt động cuộc sống đều có trên không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và đề nghị thực thi pháp luật nghiêm minh, xử lý hình sự những vụ việc xâm hại nghiêm trọng, “như việc xử lý bà Phương Hằng mang tính răn đe cao”. Ông Hùng cũng cho rằng, “giải pháp căn cơ là cần xây dựng văn hóa số. Không gian mạng là môi trường mới với con người. Chúng ta sống trong môi trường thực hàng chục nghìn năm mà vẫn còn có vấn đề, huống chi mới tham gia không gian mạng chừng 20 năm”.

Rõ ràng, chỉ khi môi trường mạng thực sự lành mạnh, văn hóa, mới bớt đi những tác hại, hậu quả mà sự “ném đá” trên mạng gây ra. Khi ấy, sự trầm cảm vì mạng xã hội mới không tái diễn.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.