XANH THÊM CUỘC SỐNG

Trường học xanh, môi trường tích cực

.

Trường học xanh được kỳ vọng là xu hướng giáo dục về lối sống bền vững khi học sinh không chỉ thực hành tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường mà còn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng ngay từ nhỏ.

Các em học sinh và cô giáo Trường Tiểu học Trần Văn Ơn làm đồ chơi, dụng cụ học tập từ rác thải tái chế. Ảnh: Đ.H.L
Các em học sinh và cô giáo Trường Tiểu học Trần Văn Ơn làm đồ chơi, dụng cụ học tập từ rác thải tái chế. Ảnh: Đ.H.L

Thay đổi nhận thức từ việc làm cụ thể

Những ai đã từng ghé Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (140 Hoàng Diệu, quận Hải Châu) sẽ không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ trước sự khéo tay của các thầy cô và học sinh nhà trường khi biến những đồ tái chế vô dụng thành những vật phẩm đẹp mắt và hữu ích như bình hoa, tranh và các mô hình...

Với những tấm hình mô phỏng thùng rác, các cô đã sử dụng làm đồ dùng dạy học cho các em chơi trò chơi phân loại rác. Qua đó, giúp các em nâng cao ý thức về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), nhà trường tổ chức hội thi làm các sản phẩm handmade từ đồ tái chế do học sinh và phụ huynh tự tay làm để làm quà tặng tri ân thầy cô. Nhà trường còn tổ chức các giải bóng đá mini không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thay vào đó, khuyến khích học sinh và phụ huynh dùng bình nước cá nhân mang theo nhằm giảm tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Giải thích về những việc làm ý nghĩa này, cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, đây là những hoạt động thường xuyên của nhà trường nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh về việc bảo vệ môi trường, đặc biệt khi nhà trường được chọn tham gia thí điểm chương trình Trường học xanh trong khuôn khổ của dự án “Thành phố sạch, đại dương xanh” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Công ty Tetra Tech (ARD, INC) tài trợ.

“Khó khăn hiện nay là thay đổi nếp nghĩ của phụ huynh. Mỗi buổi sáng đến trường, các em thường mang theo đồ ăn sáng được mua từ các nhà hàng, quán ăn nên sử dụng nhiều hộp sốp, muỗng nhựa, ống hút… dùng một lần. Các em được nhà trường tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên nhưng phụ huynh vẫn sử dụng vì tiện lợi. Bên cạnh đó, nhà trường có khoảng 1.000 em học bán trú nên hộp sữa thải ra rất nhiều, tuy nhiên, đơn vị của dự án chỉ thu mua hộp sữa được súc rửa sạch sẽ”, cô Hằng trăn trở.

Ông Ngô Văn Sơn, Phó ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho hay, nhà trường luôn có những sáng kiến không chỉ giúp các em vui chơi mà còn cung cấp kiến thức về tác hại của rác thải nhựa.

“Nhà trường và phụ huynh thường xuyên phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt chương trình Trường học xanh. Ban đại diện phụ huynh có nhóm chung tất cả các lớp, từ đó phổ biến những biện pháp bảo vệ môi trường đơn giản, dễ hiểu, dễ làm đến từng lớp. Đồng thời cùng cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở và hướng dẫn các con hằng ngày. Qua thời gian, có thể thấy, các con đã thay đổi ý thức và có những việc làm cụ thể trong việc chung tay bảo vệ môi trường”, ông Sơn phấn khởi nói.

Cũng được chọn tham gia thí điểm chương trình Trường học xanh, ngay từ đầu năm, Trường THCS Nguyễn Huệ xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình Trường học xanh. Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường phân công học sinh chăm sóc, bảo vệ cây xanh hằng ngày, khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng phương tiện công cộng khi đến trường; đồng thời tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, giáo dục học sinh dưới cờ về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhà trường phát động phong trào học sinh đăng ký tham gia một mô hình cụ thể như chăm sóc bảo vệ cây, tặng cây xanh; từ đó tổng kết và trao giấy khen “đại sứ môi trường” nhằm góp phần nâng cao ý thức trồng và bảo vệ cây xanh trong nhà trường. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường cũng tổ chức làm các sản phẩm từ rác thải tái chế như hoa, mô hình để tặng thầy cô.

“Ban đầu mới triển khai, việc xây dựng kế hoạch thực hiện và cách thức kiểm toán rác thải hằng ngày gặp nhiều khó khăn bởi công việc này tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, với sự giám sát và giúp đỡ tận tình của chương trình dự án, nhà trường đã thực hiện bảo đảm đúng kế hoạch tiến độ yêu cầu. Dự kiến, thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức nhiều cuộc thi như “đại sứ môi trường”, “rung chuông vàng”… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh. Thông qua các hoạt động truyền thông góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về các mô hình thực hiện chương trình Trường học xanh để triển khai nhân rộng ở các lớp, từ đó giúp các em quan tâm phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, thầy Phước nhấn mạnh.

Từ trường học hướng đến cộng đồng

Với thiết kế không gian mở, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (12 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu) có nhiều thuận lợi trong việc trang trí và trồng các loại cây xanh. Nhờ đó, mặc dù vị trí giữa trung tâm thành phố với nhiều tòa nhà cao tầng nhưng nhà trường vẫn tạo được cho mình một không gian xanh, sạch và trong lành.

Chia sẻ về điều này, cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết, ngay từ ban đầu, cây xanh được quy hoạch trong thiết kế xây dựng nên rất hài hòa. Nhà trường luôn ưu tiên trồng cây cho nhiều bóng mát, cây có hoa và tạo thảm cỏ xanh. Các cây cao lớn đều được những người có chuyên môn kiểm tra hằng năm để chăm sóc, bảo dưỡng. Để tạo thêm những mảng xanh, nhà trường đã tận dụng trồng thêm cây xanh ở các bồn hoa, lan can lớp học và sân trường. Song song đó, nhà trường giao nhiệm vụ cụ thể cho các lớp chăm sóc, bảo vệ cây để tạo thành phong trào của nhà trường, đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền dưới cờ và lồng ghép các hoạt động tại lớp như “đố vui để học”, “rung chuông vàng”… từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em.

Để lan tỏa những việc làm ý nghĩa của nhà trường trong việc bảo vệ môi trường. UBND quận Hải Châu tổ chức hội thi làm mô hình đồ chơi trẻ em từ rác tái chế trên địa bàn 13 phường với sự tham gia của các trường học và dự kiến sẽ trao giải vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay. Theo đó, mỗi phường sẽ cử ra một cụm thi gồm 3 trường học tham gia làm đồ chơi từ rác tái chế đặt ở khu dân cư để các em trên địa bàn phường có thể sử dụng.

Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều trường trên địa bàn quận hiện nay đã đầu tư làm nhiều sản phẩm rất công phu, sáng tạo và bắt mắt. Điển hình, Trường THCS Kim Đồng làm đồ chơi vận động từ lốp xe, chai nhựa, muỗng nhựa, nắp chai nhựa, ống nước… Trường Tiểu học Trần Văn Ơn làm bông hoa từ chai nhựa, kết tấm thảm hoặc chuông gió từ nắp keng, làm đèn trang trí từ chai nhựa…

“Để các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, các trường đã chia thành từng nhóm nhỏ đi khảo sát và chọn những địa điểm có không gian sinh hoạt cộng đồng phù hợp; từ đó lên ý tưởng chọn vật liệu, sản phẩm an toàn cho trẻ. Thông qua những sản phẩm do các cô giáo và học sinh tự tay làm, các em sẽ thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường. Nhiều em đã tỏ ra rất bất ngờ khi tự tay làm được những đồ chơi đẹp từ rác thải tái chế. Qua đó, tạo không khí hưởng ứng sôi nổi, đồng loạt và lan tỏa trong nhà trường và xã hội”, cô Ông Thị Thái Hằng khẳng định.

“Trường học xanh giảm thiểu rác thải” là mô hình hoạt động thuộc chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (chương trình CCBO) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Có 20 trường học tại 5 quận, huyện gồm: Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang tham gia triển khai thí điểm mô hình, được đánh giá theo 4 tiêu chí chính gồm: Chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh. Tiêu chí thực hành xanh nhằm đánh giá mức độ tham gia của học sinh, giáo viên trong việc tích cực tham gia các hoạt động giảm rác. 

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.