Chổi đót tháng Chạp

.

Tháng Chạp. Trời vẫn còn lạnh giá. Những cơn gió thổi suốt từ sáng tới chiều muộn. Tôi trở về làng sau bao nhiêu năm xa cách. Lúc dừng xe ở ngã ba làng đi bộ vào nhà, đập vào mắt tôi là dãy tường bao cùng với những cây đót được xếp hàng ngay ngắn. Tôi ngạc nhiên, cứ ngỡ rằng cái nghề làm chổi đót ở làng đã mai một theo năm tháng rồi chứ, nhưng không phải, nó vẫn trường tồn cho đến tận bây giờ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cây đót hay có nhiều nơi còn gọi là cây chít, mọc rất nhiều ở vùng núi quê tôi. Tháng Chạp chúng mọc lên tươi tốt, nở những chùm hoa vươn cao thẳng tắp. Tôi cũng chẳng biết người ta tận dụng cây đót làm chổi từ bao giờ nữa. Bà tôi nói lúc bà còn nhỏ đã thấy người ta sử dụng đót làm chổi rồi.

Đót là loài cây dại sinh trưởng rất nhanh. Chúng chẳng ai trồng, chẳng ai chăm bón, sống qua ngày tháng trên đồi, trên núi, giữa các khe suối rồi mọc lên tua tủa. Lá cây đót có màu xanh đậm. Nhất là sau đợt mưa cuối thu, lúc cây đót phát triển mạnh mẽ nhất. Chỉ qua một tuần đã thấy chúng vươn cao, ngạo nghễ với nắng gió. Lúc trưởng thành, từ nách thân cây đót những cánh hoa tơ rách ra nhuộm tím cả núi rừng. Tháng Chạp chạm ngõ, đất trời dần chuyển sang xuân ấm áp thì hoa đót vàng rực.

Tôi nhớ từ tờ mờ sáng, mẹ tôi đã chuẩn bị hai cái gùi to, chuẩn bị luôn cả cơm nắm muối vừng để cho cả nhà vào rừng cắt đót. Tháng Chạp những buổi cuối tuần được nghỉ học, tôi với anh trai cũng được bố mẹ cho đi theo. Không leo trèo tận vách đá cắt đót được thì đứng tại nơi tuốt sẵn lá, xếp gọn gàng cho bố mẹ gùi về. Tuổi thơ của những đứa trẻ quê thì chẳng lạ lẫm gì với trò dùng lau sậy để chơi trò đánh giặc như Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa. Lau sậy không tiện có chúng tôi dùng chính những cây đót “thử nghiệm” làm cờ cũng thú vị không kém. Tiếng cười tan trong gió đông ngọt ngào, bụi của những bông hoa đót bay ra lả tả đính đầy trên tóc, trên cả mí mắt.

Thêm một bất ngờ, cứ tưởng cây đót chỉ lấy được mỗi bông hoa về làm chổi, nhưng không, lá đót to bản xanh rì dùng để gói bánh ăn rất ngon. Tôi cũng chẳng nhớ tên gọi chính xác của loại bánh gói bằng lá đót nữa, chỉ biết rằng nó bé xíu như những chiếc bánh ú nhỏ nhỏ xinh xinh. Bánh gói có vị dẻo thơm của nếp nương, lớp bánh bên ngoài đượm màu xanh thẫm của lá đót. Để qua mấy ngày, bánh đanh lại, lớp vỏ ươm một màu vàng nhạt bắt mắt. Người dân quê tôi thường nướng dưới bếp than. Lúc này bánh lại trở về độ dẻo, ngon như lúc mới vớt ra từ nồi.

Tháng Chạp nhà nào nhà nấy sân, ngõ phơi đầy đót. Phơi khô lại cặm cụi xé từng đọt, bện lưỡi, đóng cán hoàn thành sản phẩm. Cầm sản phẩm trên tay sau bao nhiêu công sức bỏ ra lòng người dân khấp khởi. Từ những chiếc chổi đót được bán ra phụ giúp kinh tế gia đình nuôi con ăn học. Ngày tôi rời làng lên phố học đại học, hành trang tôi mang theo chiếc hòm tôn cũ kỹ với dăm ba bộ quần áo, sách vở còn có một chiếc chổi đót quê nhà. Lúc xuống xe tôi ôm hòm tôn cùng chiếc chổi đót, nhiều người hiếu kỳ nhìn chằm chằm. Lúc đó tôi có chút bối rối nhưng rồi cũng nhanh chóng quên đi.

Tháng Chạp nắng đã hanh hao vàng. Bố mẹ tôi giờ già cả nên không còn làm chổi đót như những hộ dân khác. Nhưng trong nhà vẫn không thiếu mấy chiếc chổi để dùng. Tôi ngồi bên hiên nhà, ngắm chiếc chổi đót thật kỹ. Nỗi niềm yêu dấu ngày xưa lại ùa về. Với tôi cây đót không chỉ là kỷ niệm mà còn là ân nhân, là người bạn nâng đỡ suốt hành trình tuổi thơ tôi lớn lên. Có tiếng ai đó như anh người hàng xóm khi thấy tôi về nhà, hỏi tôi đã quên hình dáng cây đót chưa, anh rủ tôi ngày mai lên rừng tìm đót để ôn lại kỷ niệm. Tôi bật cười, đáp lại, nhất định mai tôi sẽ đi lên rừng cắt đót với anh. Tôi là người con của làng quê làm chổi đót mà, quên sao được loài cây thân thương này chứ?!

MAI HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.