Duy Xuyên, vùng đất "tụ phúc"

.

Danh xưng Duy Xuyên đã được xác lập từ năm Giáp Thìn (1604) bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Năm 2024 huyện sẽ tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 420 năm ra đời danh xưng Duy Xuyên trên vùng đất “tụ phúc” này.

Hội thảo “Về thời gian ra đời danh xưng huyện Duy Xuyên”. Ảnh: V.T.L
Hội thảo “Về thời gian ra đời danh xưng huyện Duy Xuyên”. Ảnh: V.T.L

420 năm một danh xưng

Vùng đất Duy Xuyên ngày nay vốn là đất Chiêm Động của người Chiêm và đã trở thành lãnh thổ Đại Việt sau cuộc động binh của cha con Hồ Quý Ly vào năm 1402 với việc thành lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Theo trang 367 sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, 2006), châu Thăng lãnh 3 huyện là Lê Giang, Đô Hòa, An Bị. Tác giả Nguyễn Phước Tương trong Xứ Quảng Vùng đất & Con người (NXB Hồng Đức, 2013) cho biết ở trang 369-370: “Dưới thời nhà Hồ, châu Thăng được chia làm 3 huyện. Lê Giang tương ứng với vùng thấp Thăng Bình ngày nay, Đô Hòa tương ứng với vùng cao Thăng Bình ngày nay. An Bị tương đương với vùng đất Duy Xuyên ngày nay”.

Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép ở trang 388: “Năm Hồng Đức thứ nhất, Lê Thánh Tông thân đi đánh Chiêm Thành mở rộng đất đến tận núi Đá Bia, đặt thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty để cai trị lãnh 3 phủ 9 huyện (phủ Thăng Hoa lãnh 3 huyện là Lê Giang, Hy Giang và Hà Đông…”.

Như thế từ năm 1471, huyện An Bị đã được đổi tên thành Hy Giang.

Sách Đại Nam Thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn lại cho biết: “Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604) lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay là Thăng Bình) làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên”. Điều này cho thấy danh xưng Duy Xuyên đã được xác lập từ năm Giáp Thìn (1604) bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Như vậy, tính đến năm 2024, đơn vị hành chính mang tên huyện Duy Xuyên ngày nay khi trở thành lãnh thổ Đại Việt đã trải qua 622 năm gồm 69 năm mang tên An Bị, 133 năm tên Hy Giang và 420 năm với tên gọi Duy Xuyên.

Vùng đất “tụ phúc”

 Cuốn sách chuyên đề về vùng đất “tụ phúc”.
Cuốn sách chuyên đề về vùng đất “tụ phúc”.

Trong phong thủy Đông Phương, dơi được coi là linh vật. Trong các đình chùa, đền miếu, nhà thờ tộc, lư đồng, tiền cổ… thường có khắc hình con dơi. Dơi tiếng Hán là biên bức (蝙蝠). Người Bắc Kinh phát âm chữ “bức”(蝠) là “fú”, đồng âm với phú (富) là giàu có; người Quảng Đông phát âm chữ “bức”(蝠) là “fuk” đồng âm với chữ phúc đức, hạnh phúc (福) là điều may mắn được hưởng. Như vậy, theo quan niệm phong thủy, con dơi là biểu tượng của cả sự giàu có lẫn những điều may mắn được hưởng trên đời.

Nhìn vào bản đồ tỉnh Quảng Nam, Duy Xuyên là huyện có hình dạng lãnh thổ đặc biệt nhất, như hình một con dơi đang dang cánh bay. Thân dơi là vùng trung tâm của huyện với thị trấn Nam Phước và một phần của các xã Duy Trung, Duy Trinh và Duy Sơn được giới hạn trong hai tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất. Cánh dơi thứ nhất là vùng đông với các xã Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Hải. Cánh dơi thứ hai gồm toàn bộ các xã vùng tây như Duy Trung, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Phú, Duy Tân. Phía này tỉnh lộ 610 như cánh tay trái của con dơi, giữ cho chiếc cánh xòe rộng và vững chắc hơn.

Hình ảnh này làm nhiều người nghĩ Duy Xuyên là vùng đất “phúc” (福). Trong thời hiện đại chữ “phúc” không hiểu theo khái niệm phong thủy mà được xem là những lợi thế, được thiên nhiên và lịch sử ban tặng để làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Thứ nhất, Duy Xuyên có dải lãnh thổ trải ra từ Tây sang Đông, từ núi xanh đến biển xanh, nằm giữa núi Hòn Tàu và sông Thu Bồn - một thời được xem là chủ sơn và chủ giang của xứ Quảng. Dải lãnh thổ đó gồm đủ cả ba bộ phận địa hình là đồi núi trung du, đồng bằng và ven biển, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp hoàn chỉnh.

Thứ hai, hệ thống làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời: dâu tằm Đông Yên, Thi Lai; dệt Mã Châu, chiếu cói Bàn Thạch… những làng nghề dựa vào nguồn nhân lực dồi dào với bàn tay khéo léo, nguồn nguyên liệu tại chỗ (dâu tằm trên những bãi bồi dọc sông Thu Bồn - Vu Gia, cói trên vùng ngập mặn ven biển…) và nhất là dựa vào thị trường cả trong và ngoài nước từ rất sớm (tơ lụa Duy Xuyên được xuất sang các nước thông qua cảng thị Trà Nhiêu, Hội An). Đây là cơ sở để Duy Xuyên phát triển nền công nghiệp hiện đại mang đậm tính truyền thống.

Thứ ba, Duy Xuyên được thừa hưởng hệ thống các di tích của nền văn hóa Chăm rất độc đáo, từ kinh đô Trà Kiệu cho đến hệ thống các đền tháp ở Mỹ Sơn, văn bia Chiêm Sơn…

Thứ tư, Duy Xuyên có hệ thống lăng mộ xưa nhất của nhà Nguyễn ở phía Nam đèo Hải Vân. Tại đây có mộ của ông hoàng Nguyễn Phúc Kỳ, một thời là Tổng trấn Quảng Nam, người thực hiện chính sách mở cửa của chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong thông qua cảng Đà Nẵng và Hội An; mộ của hai bà Hoàng hậu Mạc Thị Giai và Đoàn Thị Ngọc; mộ hai cô công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dương và Nguyễn Phúc Ngọc Liên; mộ của khai quốc công thần Mạc Cảnh Huống và con là Mạc Cảnh Vinh…

Thứ năm, Duy Xuyên có truyền thống mở cửa hội nhập sớm nhất của xứ Đàng Trong với cảng thị Trà Nhiêu, được xem là tiền cảng thị Hội An, cho đến giữa thế kỷ XVII vẫn còn: “là chỗ ghe tàu các nơi đến đậu, người ở đông đúc…” ; “Nơi ghe tàu Nam Bắc tới lui cũng là nơi đô hội lớn”.

Tại hội thảo “Về thời gian ra đời danh xưng huyện Duy Xuyên” do UBND huyện Duy Xuyên tổ chức vừa qua, các nhà nghiên cứu tham gia nhiều ý kiến và cuốn sách được nhắc đến là “Duy Xuyên - Vùng đất và con người” của các tác giả Lê Thí, Văn Thành Lê, Đoàn Ngọc Ân. Hội thảo đi đến kết luận danh xưng Duy Xuyên đã được xác lập từ năm Giáp Thìn (1604) bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Năm 2024 huyện sẽ tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 420 năm ra đời danh xưng Duy Xuyên trên vùng đất “tụ phúc” này.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.