Đà Nẵng có cần đường sách?

.

Trong nội dung thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường, bảo tàng dọc trục từ Trung tâm Hành chính thành phố, đường Bạch Đằng, Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu), ở phạm vi quy hoạch có nhắc đến “khu vực sân công cộng (quy hoạch vườn sách theo quy hoạch đã duyệt)”.

Nhắc đến như vậy, để thấy rằng, thành phố đã có sự quan tâm đến việc quy hoạch nhằm hình thành một vườn sách/ đường sách tại khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch còn vướng mắc nên chưa trở thành hiện thực.

Hiện nay, có 2 văn bản chỉ đạo mang tính chất quan trọng để có cơ sở đưa đường sách này vào thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc. Đó là Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố; và Quyết định số 3460/QĐ-UBND ngày 31-12-2022 của UBND thành phố phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025”.

Trước đó, ngày 4-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4” nhằm khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sách; tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng…

Những yếu tố trên là điều kiện cơ bản và có tính thuyết phục cho việc hình thành ý tưởng một vườn sách/ đường sách ngay tại khu vực trung tâm thành phố; để các nhà thiết kế, kiến trúc… dự tuyển đưa vào phương án quy hoạch chi tiết. Đường sách cũng là thiết chế văn hóa quan trọng đáp ứng sự hài hòa với “đề bài” đặt ra: “Quảng trường này là một không gian công cộng lớn, là nơi sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa; tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị và các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách. Quảng trường cũng là một điểm đến năng động về đêm, một không gian công cộng đa năng và đa dạng với sự kết hợp những yếu tố kiến trúc, cảnh quan công trình, cây xanh, mặt nước…”.

Ngoài cơ sở các văn bản chỉ đạo trên, có thể nói, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và định hướng phát triển của Đà Nẵng có những nội dung “chín muồi”, góp phần đưa ý tưởng đường sách vào quy hoạch, thiết kế và sớm trở thành hiện thực.

Theo tổng điều tra năm 2019, dân số Đà Nẵng khoảng hơn 1,1 triệu người. Là thành phố trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo của Đà Nẵng thu hút một lượng lớn đội ngũ trí thức, người lao động có chất lượng cao và học sinh, sinh viên… đến học tập và làm việc. Số lượng du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tăng đều sau đại dịch Covid-19...

Tại Đà Nẵng hiện nay, cùng với Nhà xuất bản Đà Nẵng, tập trung nhiều chi nhánh, đại diện của những nhà xuất bản lớn, có tiềm lực, tiềm năng như các nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự Thật, Giáo dục Việt Nam, Trẻ, Kim Đồng, Hội Nhà văn, Văn học, Thông tin và Truyền thông, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân…; các đơn vị phát hành có uy tín như: Công ty CP Phát hành sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng, Fahasa, Phương Nam…

Một yếu tố góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa một cách hiệu quả đường sách ở Đà Nẵng, đó là học tập, trao đổi về mô hình thiết kế, xây dựng và phương thức quản lý, vận hành ở các đường sách, phố sách lớn trên cả nước, như: Phố sách Hà Nội (Phố sách 19/12), Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (Đường sách Nguyễn Văn Bình), Đường sách thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), Đường sách thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp)... để phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế, bất cập.

Điều nhiều người dễ nhận thấy, là không gian văn hóa này được hình thành ngay khu vực trung tâm của các thành phố lớn. Như Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1) gần Dinh Độc Lập, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…; Phố sách Hà Nội (phố 19/12, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) gần Hồ Gươm, Nhà thờ Lớn và các di tích, thiết chế văn hóa, lịch sử…; Đường sách Cao Lãnh - đường sách đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặt tại khuôn viên công viên Văn Miếu, cạnh Di tích văn hóa Văn Thánh Miếu của tỉnh Đồng Tháp… 

Ngoài nội dung chính là trưng bày, giới thiệu sách và trình diễn công nghệ xuất bản trong thời đại công nghệ số của các nhà xuất bản, nhà sách, đơn vị phát hành…, thì đường sách là nơi tạo không gian giao lưu văn hóa tập trung với nhiều hoạt động ý nghĩa như: giới thiệu, ra mắt sách và các sản phẩm văn hóa; thi đại sứ văn hóa đọc, kể chuyện theo sách; trao đổi sách hay sách hiếm…, thay vì cách tổ chức tản mát, rời rạc, thiếu liên kết dẫn đến thiếu sức lan tỏa và hấp dẫn như hiện nay. Một điểm “cộng” cho đường sách, đó là hình thành cà phê sách - nơi gặp gỡ của những người yêu sách; là điểm đến văn hóa của bạn trẻ và du khách…, để từ đó góp phần hình thành, hun đúc, lan tỏa tình yêu sách và thói quen đọc sách.

Liệu thời cơ “chín muồi” đã đến cho một đường sách ra đời ngay trung tâm Đà Nẵng?

NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.