Yếu tố con người trong quy hoạch thành phố

.

Nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu trong lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - được phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là “bản Quy hoạch”), có lẽ ai cũng ấn tượng khi Phó Thủ tướng nhiều lần đề cập và nhấn mạnh yếu tố con người: “Chìa khóa thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ”; “Để đạt được những mục tiêu tham vọng này không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường; mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm”…

Để thúc đẩy tiến trình phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, cần lấy con người làm trọng tâm. Ảnh: ST
Để thúc đẩy tiến trình phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, cần lấy con người làm trọng tâm. Ảnh: ST

Đọc kỹ bản Quy hoạch của thành phố đầu tiên trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, càng thấu hiểu vì sao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lại đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người như vậy. Đã nói đến quy hoạch là phải nói đến các con số “biết nói”, vì thế để hình dung quy mô tầm cỡ “nguồn lực con người” được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xem là “chìa khóa thành công”, không thể không nhắc tới quy mô dân số nêu trong bản Quy hoạch, không thể không nhắc tới mục tiêu “đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người”. Và khi đã “coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm” thì với dân số toàn thành phố tăng tới mức khoảng 1,79 triệu người vào năm 2030, bản Quy hoạch đồng thời đã nêu được những dự báo về yêu cầu và năng lực bảo đảm điều kiện sống cho 1,79 triệu người, chưa kể điều kiện sống cho khách thập phương đến với Đà Nẵng chắc chắn sẽ ngày càng tấp nập hơn.

Chẳng hạn đối với điều kiện sống đầu tiên phục vụ yếu tố con người là nước sạch, bản Quy hoạch nêu rõ đến năm 2030, Đà Nẵng cần bảo đảm “100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh”. Muốn như vậy phải tính đến việc hoàn thiện hệ thống cấp nước tập trung ở đô thị. Không chỉ vậy, để bảo đảm nguồn nước sạch, Đà Nẵng phải phấn đấu phát triển các khu xử lý chất thải, trước hết là xử lý nước thải, bởi thực tế cho thấy nếu không xử lý tốt nước thải thì đây chính là nguồn ô nhiễm thường trực đối với các nguồn nước sạch của thành phố. Cung ứng đủ nhu cầu dùng nước sạch đã là vì con người, xử lý tốt nước thải sinh hoạt càng là vì con người!

Năng lực bảo đảm điều kiện sống cho 1,79 triệu người vào năm 2030 còn thể hiện ở mục tiêu “tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 66%”. Tuy nhiên vấn đề của một thành phố “đáng đầu tư” như Đà Nẵng là 78% lao động bản địa qua đào tạo ấy và 66% lao động bản địa có bằng cấp, chứng chỉ ấy sẽ giữ vai trò “đầu tàu” như thế nào trong phát triển kinh tế, trong chuyển đổi số… của Đà Nẵng năm 2030, hay chỉ đơn thuần là nguồn nhân công giá rẻ sẽ được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tận dụng vì không còn tìm thấy ở đâu nguồn nhân công hạ giá như thế? Và cũng vì lẽ đó mà khi đề cao yếu tố con người, bản Quy hoạch không thể không tính toán chất lượng nguồn nhân lực của thành phố trong các thập niên 2030, 2040.

Khi bản Quy hoạch đề ra các mục tiêu “mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Đà Nẵng tạo thành khu đô thị đại học mới tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trở thành một trong ba trung tâm đào tạo đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế” và “phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm khu vực”, đặc biệt là “hình thành các cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành cho Phân khu công nghệ cao Đà Nẵng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chuyên dụng (…) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng” thì có nghĩa, Đà Nẵng đang hướng mạnh tới mục tiêu tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực.

Tuy nhiên muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao vào năm 2030 và các thập niên tiếp theo, Đà Nẵng không thể chỉ bắt đầu từ giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp mà phải bắt đầu sớm hơn, từ ngưỡng cửa trường phổ thông, phải “định hướng tổ chức sắp xếp không gian phát triển ngành giáo dục bảo đảm mục tiêu cơ bản là ở đâu có dân cư, ở đó có trẻ em và phải có trường học. Đương nhiên, Đà Nẵng vẫn phải tiếp tục thực hiện chương trình "Thành phố 5 không", trong đó cái "không" đầu tiên là “Không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế”.

Quan tâm yếu tố con người, bản Quy hoạch đã chứng tỏ trong suốt quá trình phát triển, người Đà Nẵng sẽ không đơn độc, chẳng hạn nhấn mạnh yêu cầu “tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại…”. Và không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã cho rằng chính “sự quan tâm của các nhà đầu tư, những dự án mới được khởi công, được trao quyết định đầu tư ngày hôm nay báo hiệu một sự khởi đầu hết sức tốt đẹp”.

Và để chứng tỏ trong suốt quá trình phát triển, người Đà Nẵng không đơn độc hiểu theo nghĩa sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, bản Quy hoạch còn đề ra nhiều giải pháp an sinh xã hội, đáng chú ý là việc “huy động các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn, nâng chuẩn nghèo phù hợp với đời sống người dân; có giải pháp khắc phục các chiều thiếu hụt, giảm nghèo bền vững”; là việc “xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân ở tất cả các tuyến”...

Kinh nghiệm phát triển đô thị của các nước và thực trạng đô thị hóa ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, để thúc đẩy tiến trình phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, việc lấy con người làm trọng tâm, việc tính đến các yếu tố thực tế và giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư to lớn như bản Quy hoạch thành phố đã chỉ ra là điều cần thiết cho những bước đi tiếp theo.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.