Dưới bóng đường tàu

.

Bóng chiều đổ lên từng khuôn mặt người với vô vàn sắc thái buồn vui nơi sân ga. Tôi tự hỏi lòng điểm đến nào cho những lời chia tay vốn mỗi chúng ta không hề nỡ. Có lẽ, ai cũng sớm có cho mình đáp án. Được cái là cuộc đời này thường lắm nỗi sầu bi và lòng người không hiểu vì lẽ gì lại cứ ôm khư khư cho mình bao quạnh vắng. Niềm vui vẫn có, ở đâu đó trong nhịp thở mỗi ngày, nhưng lại buồn một nỗi cho sự thưa thớt tựa ráng chiều oằn mình trước màn đêm đang chuyển đến ngoài kia.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tàu lăn bánh, từ từ đi vào tiếng thở của đêm. Đã bao mùa rồi, tôi hỏi đường tàu mà đường tàu im lặng. Không phải đường tàu làm ngơ trước sự quan tâm của tôi, chỉ là đáp án tôi cần lại nằm trên chiếc bóng đổ dài khi ánh trăng ló dạng. Khởi hành từ miền đất thân thương đượm câu vọng cổ ân tình mưa nắng, đứa trẻ mộng mơ nhớ mình đã từng rất kỳ vọng vào mảnh đất Thủ đô nó đang hướng đến. Nó cũng hiểu sự rớt rơi nhịp lòng ở nơi nó từng đi ra với đời. Bóng đường tàu nhắc từng lời hẹn của kẻ ở, người đi và đâu đó còn là những bận xót xa cho việc phải rời khỏi một thành phố từng hứa thương khi chưa biết ngày quay lại. Tôi nhớ lại lời của bạn lúc ngồi trên tàu và thả mình vào lòng đêm tháng trước. Bạn nói chắc sẽ rất lâu nữa bạn mới quay lại miền Nam. Thành phố này giờ không còn điều gì có thể neo chính bạn lại cả, sự nghiệp thì chênh vênh, tình cảm cũng vừa đổ vỡ. Bạn nói hẳn bạn sẽ quay về Hà Nội - nơi bạn sinh ra, để học lại từ đầu việc nói tiếng yêu. Tôi chẳng biết phải làm gì hơn ngoài việc chúc bạn bình an và mong bạn sẽ không quên bóng đường tàu vẫn chưa bao giờ gọi bạn là người lạ.

Từng lời hẹn nối tiếp lời hẹn, bao nhớ thương cứ khắc khoải hoài mong. Sóng lòng đêm nay sao lại dữ dội đến thế, bất chợt tôi thấy bóng tàu chòng chành trên chính con đường vững chãi nó vẫn thường hay qua. Lời hẹn Tết về với má không còn là lần đầu nữa. Vậy mà lạ thay, mỗi lần rời quê để gá đời mình đôi bận nơi đất khách cứ làm cho bước chân tôi không nỡ. Tôi hiểu rõ món nợ nghĩa ân của mình với quê, càng hiểu và xót xa hơn cho dáng quê mỗi lúc lại thêm hao gầy trong sự đợi chờ tím thắt lòng má. Biết rồi đây má có còn đợi được tôi, hay lại theo chân tía về với phía bên kia cuộc đời. Đôi mắt tôi đang tố cáo chính tôi.

Những khoang tàu về đêm lại càng thêm tĩnh lặng. Trên từng đôi mắt khép hờ đó, tôi cảm nhận được giấc ngủ không trọn vẹn. Dường như người ta chọn cách nhắm mắt để tuyến lệ quên đi việc nó từng tồn tại. Tôi không sao ngủ được nên quyết định mở hờ cửa sổ cho ánh trăng và gió đêm se lạnh ùa vào lòng mình. Bóng đường tàu vẫn đổ đều qua những cánh đồng lúa vàng tươi đang được tắm mình trong ánh trăng vằng vặc. Sương đêm có vẻ vẫn còn hăng say chơi đùa với lá lúa và đọng lại trên mi tôi chút ươn ướt dịu dàng. Tôi gửi lại quê nhà tiếng đờn kìm của thuở êm đềm bên vách lá. Gửi cả câu hát ru ngọt phù sa của má tôi hiền hòa. Nghi lễ tạ từ với quê cũng đâu cầu kì, chỉ là cái cúi đầu thật sâu để tự nhắc mình đi ra từ gốc lúa nên dù có là ai, có sống trong phù hoa trải dài thì vẫn phải biết cúi đầu và không quên hai từ lương thiện.

Đi! Phải đi để biết mình có nơi quay về. Bóng đường tàu trước khi tạm biệt tôi để đoàn tàu được sưởi mình trong nắng sớm đã nói như vậy. Câu nói không bật ra bằng thanh âm, mà bằng sự cảm thông sau một đêm tôi cùng bóng đường tàu thức trắng để nhìn nhau. Phải rồi, bóng đường tàu không bao giờ đổ một chiều khi lòng mình vẫn biết nơi nào gửi niềm thương, nơi nào có dáng hình hạt đất của miền hứa hẹn quay về. Bóng đường tàu lùi dần vào giấc ngủ, trả tôi lại những bước chân thả từ tốn vào những bận gieo mình.

VĨNH HOÀI

;
;
.
.
.
.
.