Mùa xuân ở bản Ngòi

.

Trên tờ báo ra số cuối cùng trong năm, hình ảnh bản Ngòi được in full hết trang bìa. Chưa bao giờ người dân ở đây được ngắm nhìn quê hương mình từ trên cao đẹp đến thế. Ngày trước, ông Xô - người đi nhiều, biết lắm nhất trong bản - được ngồi trực thăng của đoàn khảo sát có về kể mãi với dân bản là: “Bản mình đẹp lắm, đẹp lắm, nhìn như một con cá chép đang chuẩn bị nhào xuống nước”. Nghe ông tả mãi, kể mãi thích thì thích thật nhưng cũng chỉ là trong sự tưởng tượng.

Ít hôm trước, người ta thấy có một thanh niên vóc dáng thư sinh, đi xe máy, lưng đeo một balo khá to.Nhìn cậu ra có dáng vẻ trí thức, ăn nói lễ phép, người dân ở đây thấy lạ nhưng không tiện hỏi. Lát sau, thấy cậu ra điều khiển một thiết bị bay lên kêu “rào rào” như con cánh cam lên cao mãi, cao mãi. Thấy lạ, bọn trẻ đang chơi hò nhau đuổi theo. Người lớn thấy vậy cũng bỏ việc ra ngó. Chẳng mấy chốc cái tin ấy lại đến tai ông Xô. Vốn là người thận trọng, ông khuyên mọi người ai về việc nấy, chuyện người lạ để ông lo. Nói rồi, ông lặng lẽ cầm cái điếu cày, không quên nhét thêm gói thuốc lào, cái bật lửa vào túi rồi bước ra đường.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Chào cụ, nắng nôi quá, cụ đi đâu vậy?

- À, anh thanh niên, tôi đi tản bộ,

- Bản của cụ đẹp thế, vừa có cây lớn, vừa có bến sông, sương mỏng bảng lảng, tiếng sáo vi vút, cứ như tiên cảnh ấy.

- Ấy, anh quá khen. Vùng sâu, vùng xa này khó khăn lắm. Đâu đông vui được như phố. Mà xin hỏi, anh tên là gì nhỉ?

- Thưa cụ, cháu tên Quân, cháu làm báo. Cụ cho cháu xin hơi thuốc lào được không cụ.

Cái điếu của ông Xô giờ đã có tác dụng. Sau hơi thuốc, mắt mơ màng, người thanh niên mà cụ quyết “mai phục” bắt đầu kể:

- Cháu đi tìm “báu vật”.

- Ôi là trời. Các cụ nhà tôi sinh ra ở đất này mười mấy đời mà chưa từng truyền lại có vật gì quý cả. Tôi cũng đã sống qua tám mươi tuổi cũng đâu có nghe. Vậy anh tìm bằng cách nào.

Quân vừa chỉ vào cái thiết bị vừa bay lên đó vừa nói:

- Cháu tìm bằng cái này, nó là flycam như chiếc máy bay lên thẳng cụ ạ. Nếu tìm được, cháu với cụ ta “chia đôi”. Cụ yên tâm, không vi phạm pháp luật là được chứ ạ?

Từ bữa ấy người ta thấy Quân hay tìm đến nhà ông Xô. Dân bản lại kháo nhau. Người thì bảo: “Chắc lại có gì mờ ám. Cụ Xô bản lĩnh vững vàng là thế, nghe nó tỉ tê thế nào mà cứ bàn tính thậm thụt”. Người khác thì lại nói: “Mặc kệ, có chết ai đâu mà lo. Để xem làm được gì?”.

Ngày ấy, ông Xô là chàng trai hăng hái tham gia dân quân trong kháng chiến chống Mỹ rồi lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới Tây Nam rồi phía Bắc. Nhớ ngày còn bé, ông từng theo chúng bạn vào rừng bắt chim, tìm  quả. Trong rừng Ngòi có nhiều hang động nằm xen kẽ bên sườn núi đá vôi uy nghiêm. Dưới sông cũng có những gò đất cỏ cây xanh mướt. Người già kể đất này thiêng lắm. Ngày xưa có một cô con gái nhà giàu trong vùng xinh đẹp và nết na. Ngày nọ, giặc cướp từ đâu tràn đến đốt phá làng bản. Thanh niên trong bản đã dũng cảm cầm dao, mác, cung tên, gậy gộc đánh lại nhưng cuối cùng họ đều hy sinh trước đội quân thiện chiến của giặc. Khi bọn giặc đuổi theo, cô đã chạy ra bến sông này rồi trẫm mình xuống dòng nước. Đêm đó trời bỗng nổi mưa giông sấm sét, đá ở trên núi lăn xuống, nước sông dâng lên, những người may mắn lẩn trốn trong các hang đá nghe thấy tiếng lũ giặc gào thét thảm thiết. Mưa suốt ba ngày, ba đêm thì tạnh hẳn. Nắng lên, người ta thấy lũ giặc đã bị đá đè và nước cuốn hết ra dòng sông hung hãn. Thế nhưng, giữa sông lại hiện lên một cồn cát như thân hình một nàng tiên. Bởi thế, người ta gọi là cồn Cô Tiên. Ngay cả những người liều lĩnh, táo tợn nhất cũng chẳng dám mò ra đấy… Cồn Cô Tiên như một phép màu che chở bình yên trấn ải cho bản Ngòi…

- Đẹp quá, cháu muốn mượn một chiếc thuyền để ra đó thăm Cô Tiên được không cụ.

- Ấy chết, không được đâu, anh ra đấy là phạm vào điều cấm kỵ, phải trả giá đắt đó.

- Cháu biết, nhờ có Cô Tiên mà bao năm người dân bản Ngòi được bình yên. Ngược lại, người bản Ngòi cũng giữ rừng giữ đất. Vì có người con gái đoan trang trong truyền thuyết đã trẫm mình mà thấu đến trời đất, đấng siêu nhiên ra tay trừ diệt cái ác như một triết lý trong truyền thuyết. Nhưng mà, chắc Cô Tiên cũng muốn những người dân nơi đây bớt đi nghèo khó, vui sống với chính vẻ đẹp hoang sơ, bình yên này…

Cuối cùng thì chiếc thuyền của Quân vẫn ra đến cồn cát Cô Tiên. Nhìn ở khoảng cách gần, vẻ đẹp của tự nhiên thanh thoát, nguyên sơ của một miền đất chưa bị tàn phá và ô nhiễm. Ra đến đây, Quân mới cảm nhận hết được khung cảnh sông núi, trời nước ở đây. Đúng là sườn đất dốc, rửa trôi hết màu nên đất bạc, trồng cây chiến lược khó đạt được năng suất. Vả lại, khúc sông này cũng không thuận tiện cho giao thương đường thủy bởi bến sông cao và dốc nhưng bù lại cảnh quan lại rất kỳ vĩ, hoang sơ, thật là một điểm du lịch lý tưởng… từ đây chiếc flycam của anh bay lên, chiếm lĩnh cả không gian chứ không còn bị khuất tầm nhìn hư phía bên kia…

Tổng Biên tập Xuân Hưng nán lại trước màn hình máy tính. Cả tuần nay, ông chưa thể chọn được bức hình nào hợp để làm ảnh bìa một cho số báo đặc biệt mừng xuân mới. Quay đi quẩn lại vẫn cảnh mấy cô gái tạo dáng bên hồ nước rồi cảnh hoa đào được cắt ghép trên nền phố xá, nhà cửa. Đúng lúc ấy, Quân đề xuất: “Em vừa đi thực tế trên bản Ngòi về. Em nghĩ, hay thử chọn một bức hình đẹp tự nhiên như nó vốn có, từ sắc màu đến khung cảnh, cũng là cách để quảng bá tiềm năng du lịch xanh anh ạ”.

Bức ảnh đã chiếm trọn trang bìa báo. Tưởng như màu xanh của rừng cây, mặt nước và khoảng trời đang hòa vào nhau nhưng nhìn kỹ lại có sự tách bạch, tương hỗ tạo nên vẻ đẹp huyền ảo.

- Hóa ra, mình vẫn có một “báu vật” thế này mà lâu nay lãng quên trong ký ức.

- Nếu sếp không bận, sau khi báo ra, em sẽ đưa sếp lên tận nơi nhưng mà ngồi xe côn đi đường núi, sếp có chịu nổi không đấy?

- Cái cậu này, đã nghe câu: “Xuân xanh chớ vội chê đầu bạc/ Đầu bạc xưa đà có thuở xanh” chưa? Tớ từng là bộ đội, từng lăn lộn khắp các vùng cao, vùng sâu để lấy tin, viết bài trước cậu đến hai mươi năm đấy nhé.

Khi họ đến bản Ngòi, Quân ngỡ ngàng khi thấy ông Xô ôm chầm lấy Tổng Biên tập Xuân Hưng. Như một người cha gặp lại đứa con sau bao năm xa cách. Nghe họ nói với nhau, Quân lờ mờ hiểu ra ngày xưa, người cha của Tổng Biên tập và ông Xô cùng tham gia khẩu đội trung liên bắn máy bay Mỹ. Năm đó, khẩu đội trên cao điểm bản Ngòi đã bắn trúng máy bay khi nó hạ thấp độ cao và lượn xuống bến sông. Sau khi khẩu đội bản Ngòi được khen thưởng, cha của Tổng Biên tập trở lại đơn vị và mãi mãi không trở về.

- Ngày xưa anh Lâm lên đây bà con quý lắm. Người gốc Hà Nội sơ tán rồi lớn lên với núi rừng nên thông thạo dốc, đèo như dân thổ ở đây vậy. Chỉ tiếc là… anh ấy hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên.
Người lính già trầm tư khiến hai nhà báo càng xúc động. Xuân Hưng nắm tay ông Xô:

- Bác Xô này, có những điều đã mất đi không lấy lại được nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn những gì còn dang dở. Mùa xuân ở bản Ngòi đẹp quá, rồi du khách sẽ đến đây. Không gian xanh, bình yên và nguyên sơ sẽ thành một nguồn năng lượng sống. Chúng ta sẽ biến điều đó thành một sản phẩm du lịch chứ không chỉ biết đên cây ngô trên đồi, con cá dưới sông nữa bác à. Báo chí luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất.

Tờ báo có quang cảnh bản Ngòi được chuyền từ tay người này đến người khác. Tết năm ấy, bỗng có những đoàn khách lên đây từ rất sớm. Nghe lời dặn dò của ông Xô, những căn nhà gỗ được dọn dẹp khang trang, sạch sẽ, người dân náo nức đón khách đến năm mới, được chứng kiến tục xéc bùa và những trò chơi dân gian. Quân hóm hỉnh nói với ông Xô: “Giờ thì báu vật đã được chia đều cụ nhé, cháu thì có ảnh, cụ và dân bản thì có cái chấm đỏ duyên dáng trên Google Maps khi du khách muốn tìm kiếm. Ông Xô gật gù, chắc hẳn ông lại có chuyện để kể tiếp về bản Ngòi cho con cháu về cái chấm đỏ kỳ diệu và tự hào ấy cũng nên…

BÙI VIỆT PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.