SỨC SỐNG MỸ THUẬT

Sức sống mỹ thuật cộng đồng

.

Từ những phác họa đầu tiên vào năm 2013 với công trình làng bích họa Đà Nẵng nằm tại con hẻm nhỏ ở số 75 trên đường Nguyễn Văn Linh, đến nay, ngót nghét gần một thập kỷ, mỹ thuật cộng đồng được định hình và đến gần hơn với công chúng thành phố.

Họa sĩ đang hoàn thiện một tác phẩm tại đường bích họa ở tổ 12 phường Mân Thái (quận Sơn Trà).  Ảnh: ĐOÀN NGỌC THỊNH
Họa sĩ đang hoàn thiện một tác phẩm tại đường bích họa ở tổ 12 phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Ảnh: ĐOÀN NGỌC THỊNH

Những gam màu cuộc sống…

Tháng 8-2022, công trình đường bích họa ở tổ 12 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chính thức khai trương. Nhờ đó, khu dân cư vốn cũ kỹ, có tuổi đời hàng trăm năm trở nên sinh động và tươi mới hơn. Thay cho những đoạn tường cũ đã nhuốm màu thời gian là hình ảnh của 20 bức tranh nhiều màu sắc với tổng chiều dài gần 400m, diện tích hơn 1.200m2. Đường bích họa này là một trong những công trình mỹ thuật cộng đồng mới nhất, được đầu tư quy mô và tạo tiếng vang. Trước đó, Đà Nẵng cũng có những sản phẩm mỹ thuật cộng đồng ấn tượng như làng bích họa Đà Nẵng (hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh), không gian mỹ thuật dưới chân cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo), công trình mỹ thuật ở một số trường học ở xã Hòa Phú - Hòa Bắc (huyện Hòa Vang)…

Mỗi bức tranh bích họa ở tổ 12 phường Mân Thái là một tác phẩm nghệ thuật, lấy cảm hứng từ nét đẹp trong cuộc sống sinh hoạt đời thường cũng như trong lao động của người miền biển, từ các nghi thức, lễ hội dân gian xa xưa còn truyền lại… Tranh do các họa sĩ chuyên và không chuyên thuộc Hội Mỹ thuật thành phố sáng tác. Nằm trong nhóm lên ý tưởng và thực hiện đường bích họa Mân Thái, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chánh văn phòng Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố,  tiết lộ, đây mới chỉ là khởi đầu giai đoạn một của dự án. Giai đoan tiếp theo, đội ngũ nghiên cứu và thực hiện sẽ cố gắng hoàn thiện mô hình, hướng tới mục tiêu "làng bích họa" hoàn chỉnh cùng với không gian trưng bày sản phẩm, không gian hàng lưu niệm, không gian ẩm thực.

Nằm liền kề với Lăng Ông - một điểm tâm linh nổi tiếng ở quận Sơn Trà, việc hình thành đường bích họa ở tổ 12 sẽ góp phần biến nơi đây trở thành điểm đến quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa vùng biển gắn với xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, tạo điểm đến lý tưởng, thu hút khách du lịch trên địa bàn.

Từ lúc khai trương đến nay, đường bích họa ở tổ 12 phường Mân Thái đã đón nhiều lượt người dân, du khách đến tham quan, thưởng lãm. Chăm chú nhìn ngắm bức tranh lớn ở lối dẫn vào con đường bích họa, anh Đỗ Hữu Quý (35 tuổi, tỉnh Quảng Nam) cho biết, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần dẫn gia đình ra Đà Nẵng vui chơi, ngắm đường bích họa ở tổ 12 phường Mân Thái. “Những bức tranh được vẽ rất đẹp. Các cháu nhỏ nhà tôi cứ xuýt xoa mãi”, anh Quý hào hứng nói.

Từ đường bích họa ở tổ 12, phường Mân Thái, chạy về hướng chân cầu Rồng, đoạn đường Trần Hưng Đạo, sẽ bắt gặp một quần thể mỹ thuật cộng đồng khác, đó là những bức tranh tường 3D, khổ lớn với chủ đề "Sơn Trà một tình yêu". Lấy màu xanh da trời pha thêm sắc trắng làm chủ đạo, từng bức tranh tái hiện lại phần nào phong cảnh Sơn Trà với vẻ đẹp thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà, của đại dương. Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng, "kiến trúc sư trưởng" của công trình "Sơn Trà một tình yêu" cho biết, dự kiến sớm nhất, vào năm 2024, Khoa Mỹ thuật tiếp tục làm mới và bảo dưỡng lại quần thể mỹ thuật cộng đồng này.

Bên cạnh đó sẽ vẽ mới và đưa thêm vào hình ảnh của voọc chà vá chân nâu vào. “Chúng tôi kỳ vọng khi hoàn thành, đây sẽ như một Sơn Trà thu nhỏ. Tác phẩm còn gửi gắm đến cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường, khai thác và phát triển bền vững; góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh của quận Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung”, họa sĩ Phan Thanh Hải bày tỏ.

Ngót nghét gần một thập kỷ, kể từ khi công trình mỹ thuật cộng đồng quy mô đầu tiên ra đời (ở hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh), nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ cũng như sự quan tâm của các cấp ngành thành phố, những không gian nghệ thuật cộng đồng như các đường bích họa xuất hiện ngày càng nhiều. Vẻ đẹp thiên nhiên của sông - núi - biển cùng với chiều sâu lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng đã trở thành chất liệu màu mỡ để các họa sĩ đưa vào trong từng sản phẩm mỹ thuật cộng đồng; thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm chất lượng.

Bên cạnh những dự án, sản phẩm tranh vẽ, thời gian qua, hoạt động mỹ thuật cộng đồng trên địa bàn thành phố còn được tạo lập nên những không gian mới như đường hoa Tết Nguyên đán hằng năm ở tuyến đường Bạch Đằng, các không gian nghệ thuật sắp đặt tượng đá, nón, chong chóng, và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến không gian vườn tượng tại Công viên APEC…

Dòng chảy văn hóa, nghệ thuật gắn liền với dân gian…

Nhìn lại hành trình đã qua, họa sĩ Phan Thanh Hải bộc bạch, từ năm 2015, Khoa Mỹ thuật đã lên ý tưởng cho các hoạt động mỹ thuật đường phố hay rộng hơn là mỹ thuật cộng đồng. Năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng, khoa triển khai phác thảo và phối hợp trung tâm thực hành của trường xây dựng hồ sơ trình cho các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện công trình tranh tường 3D, khổ lớn với chủ đề "Sơn Trà một tình yêu". Đây cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng có chương trình mỹ thuật cộng đồng quy mô, được tổ chức ở phía tây cầu Rồng.

Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng là cái nôi đào tạo, cung cấp phần lớn đội ngũ lao động trong lĩnh vực mỹ thuật cho thành phố cũng như các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như: giáo viên giảng dạy Mỹ thuật tại các trường THCS, tiểu học và mầm non, các trung tâm văn hóa... Chính họ, với những năm tháng miệt mài trên bục giảng hay lực lượng chính thực hiện các dự án, sản phẩm mỹ thuật cộng đồng, đã góp phần quan trọng đem kiến thức, nuôi dưỡng mạch nguồn nghệ thuật từ những bước sơ khởi ban đầu ở trên ghế nhà trường. Nhiều thế hệ sinh viên mỹ thuật của nhà trường là nòng cốt ở các dự án mỹ thuật cộng đồng ở thành phố.

Vượt trên cả tính nghệ thuật thông thường, những dự án, sản phẩm mỹ thuật cộng đồng được thực hiện thời gian qua ở địa bàn thành phố đã trở thành thành tố quan trọng, góp phần thức tỉnh, thay đổi môi trường sống, ý thức của một bộ phận người dân trong việc góp phần chung tay xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh; những không gian nghệ thuật cộng đồng đã góp phần nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật - văn hóa cho người dân.

Họa sĩ Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cho biết, thực tế cho thấy, không phải dự án nghệ thuật công cộng nào sau khi thành công, làm thay đổi ý thức của người dân đều có thể duy trì, tồn tại được mãi. Đơn cử, dự án làng bích họa Đà Nẵng ở hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh, sau khi gây được tiếng vang ban đầu, giờ đây đã xuống cấp. Để dự án nghệ thuật công cộng có thể tồn tại bền vững, theo họa sĩ Thân Trọng Dũng, khi bắt đầu một ý tưởng sáng tạo một không gian nghệ thuật công cộng, người nghệ sĩ cần biết rằng, sản phẩm mỹ thuật cộng đồng gần gũi, dễ tương tác với công chúng nhưng vẫn rất cần sự chia sẻ, cam kết hỗ trợ chung tay từ phía người dân và chính quyền địa phương.

Bên cạnh các yếu tố nói trên, theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, một trăn trở khác khi thực hiện các dự án, sản phẩm mỹ thuật cộng đồng đó là kinh phí cho vật liệu và nhân công. “Các nghệ sĩ khi tham gia dự án nghệ thuật công cộng đều dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp công sức trong khi đó, khả năng huy động kinh phí từ các đơn vị tài trợ của địa phương còn gặp khó khăn. Một dự án hay một sản phẩm mỹ thuật cộng đồng muốn tồn tại dài lâu còn phải quan tâm đến bước bảo dưỡng hằng năm để tránh bị xuống cấp. Vì vậy, để mỹ thuật cộng đồng phát triển, đem lại những giá trị về thẩm mỹ và nâng cao tư duy cảm thụ văn hóa - nghệ thuật cho người dân cần có cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho những công trình nghệ thuật cộng đồng”, họa sĩ Nam Kha bày tỏ.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.