Không ngờ ngày đưa tang chị cả tôi lại là ngày tạ thế của bạn gái tôi - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng có điều kỳ lạ là tôi vẫn nghĩ rằng Dạ đang cười hồn nhiên đâu đó khi trên mạng xã hội ròng ròng những dòng tiếc thương. Người như Dạ không bao giờ chết. Chỉ vắng xa dài đâu đó thôi. Dạ đã sống bằng khát vọng mãnh liệt của mình. Khát vọng vượt sự chết.Sự sâu sắc của triết luận thông qua thi ảnh.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lúc trẻ. |
Ngày ấy, khi đọc báo văn nghệ, số giải thưởng thơ năm 1972-1973, trong 4 giải nhất: Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi thích Lâm Thị Mỹ Dạ hơn cả, thích nhất là câu lục bát: “Đường bằng mà ngã lạ chưa - Đường gập ghềnh cũng chẳng lừa được chân”. Cũng nghe Lâm Thị Mỹ Dạ đã thành hôn với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường - khi ấy làm Giám đốc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị thuộc chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Chắc là vì Quảng Bình, Quảng Trị gần nhau mà. Nhất là một trí thức văn nghệ nổi danh như anh Tường. Tôi rất mê bài thơ “Trên những con đường rừng cũ” của anh đến mức đã phổ nhạc bài thơ “Đồng chí nào chia tay mới đây - Ngã ba rừng hoang lá đầy”.
Đọc và thích thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từ đó, nhưng mãi đến khi cùng học Đại học viết văn Nguyễn Du, tôi mới gặp và chơi với Dạ. Trong 6 cô gái khóa I lúc ấy, Dạ, Kim Cúc và Dương Thu Hương là hay ra “tụ ba” ở nhà 60 Hàng Bông của tôi hơn cả. Cũng nhậu và trêu chọc như bạn trai vậy. Nhưng tôi thân với Dạ và Hương hơn. Dạ là một phụ nữ đa cảm, hồn nhiên đến mức không thể hồn nhiên hơn. Ra học ở Hà Nội, Dạ mang theo hai con gái Líp, Lion (Hoàng Dạ Thi, Hoàng Dạ Thơ) ở tại khu tập thể lụp xụp tranh tre của học viên. Thật là một chịu đựng đáng nể. Nhưng nếu không đam mê văn chương thì sao có thể chịu đựng được thế. Sự thu nạp kiến thức cũng như môi trường bè bạn đã cho Dạ tìm đến sự sâu sắc của triết luận nhưng thông qua thi ảnh. “Như lá” là một bài thơ hay kiểu đó. Chỉ có Dạ mới buộc thốt: “Nhìn lá cứ ngỡ là lá ngọt”. Và đi tới đỉnh “Hỡi chiếc hôn em có là như lá không”.
Thời kỳ học Đại học viết văn Nguyễn Du đã cho Dạ có được tập thơ “Bài ca không năm tháng” được giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn. Cứ nhớ mãi mùa hè 1981, khi ấy, tôi vẫn là kỹ sư thông tin chưa thực sự bỏ nghề. Tôi vào công tác ở Trạm viễn thông Phú Bài, kéo anh em lính cùng đoàn đổ bộ vào căn nhà Dạ ở cạnh Nhà thờ Phú Cam, bên con dốc phố Nguyễn Trường Tộ. Căn nhà này chính là nhà Trịnh Công Sơn. Khi anh Sơn vào Sài Gòn hẳn, anh bàn giao lại cho vợ chồng Dạ - Tường ở bên ngoài. Còn buồng trong cùng thì Hoàng Vũ Thuật đóng đô. Ở đó còn có cả bà mẹ của Dạ. Một bà mẹ vui tính và hóm hỉnh. Thấy bạn đến chơi, Dạ cầm phiếu mua thịt ưu tiên của anh Tường ra cửa hàng thực phẩm xách về một cái thủ lợn. Vừa xách, mồm vừa xuýt xoa: “Chu cha, cái đầu heo to ơi là to, nặng ơi là nặng”. Đến là buồn cười. Đến là hồn nhiên. Chính cái xe công tác của tôi đưa Dạ về quê Mỹ Đức - Lệ Thủy - Quảng Bình. Trên thùng xe hai cầu lắc lư, hồi ức về câu chuyện gia đình Dạ cứ tuôn ra đau đớn.
Ông già họ Lâm sau khi có cô con gái Lâm Thị Mỹ Dạ ít lâu thì bỏ mẹ con ở lại Quảng Bình, ra ra đi biệt xứ. Ở Mỹ Đức, gia đình Dạ cũng là loại khá giả trên dính vào “Cải cách ruộng đất”, “trở thành gia đình địa chủ, bóc lột”. Bởi thế nên cả ấu thơ và thời của cô Mỹ Dạ xinh đẹp đều nhớp nháp những kỷ niệm thô bạo và ghẻ lạnh của xã hội lúc bấy giờ. May mà Dạ vừa có tài thơ, vừa có lòng yêu nước. Học cùng Mỹ Dạ là Ngô Minh và Hải Kỳ. Cả ba đều trở thành ba nhà thơ có tiếng ở Việt Nam. Hải Kỳ mất trước, gần đây vài năm là Ngô Minh. Mỹ Dạ là người đi sau cùng. Họ đều là học trò văn của thầy giáo Hà Nhật. Thầy thật khốn đốn khi có “bài thơ tình người thủy thủ” được Hoàng Vân phổ nhạc. Khi người ta trù dập, quy kết cho bài hát thì bài thơ và tác giả của nó cũng không thoát khỏi liên lụy. Thầy bị “mất dạy” ngay, phải sống long đong. Dạ thuộc lòng bài thơ ấy. Giọng Dạ đọc thơ trên thùng xe lắc lư như muốn ngã vào tôi:
Đêm nay khi trăng mọc
Tàu anh sẽ nhổ neo
Em đừng hỏi
Vì sao anh ra đi
Cũng đừng hỏi
Chân trời xa có gì kêu gọi
Anh biết
Nếu ở cuối trời có bão Trân Châu
Hay ở xa
có nụ hoa thắm tìm ra hạnh phúc
Hay có người gái đẹp
môi hồng như san hô
Cũng không thể khiến anh
xa được em yêu
Nhưng em hỡi
Nếu có người trai chưa từng qua bão tố
Chưa từng vượt qua thử thách gian lao
Lẽ nào xứng với tình em
Nghe xong, như không thể kìm lòng trước “môi hồng như san hô” tôi hát vang giai điệu “Như lá” mà tôi đã phổ bài thơ của Dạ, tuy có chỉnh lý đôi chút cho hợp với lối đi của nhạc cũng như Hoàng Vân đã chỉnh lý “bài thơ tình của người thủy thủ”. Giai điệu cứ bay cũng quẩng xanh thùng xe như siết chặt vào hai con tim đập gấp: “Nhìn lá - Cứ ngỡ là lá ngọt - Lá tơ non - lá mơn mỡn nhường kia - Nhìn lá - lá xanh xua mùa đông - Hỡi chiếc hôn - Em có là - như lá không… Con người không tình yêu trái đất này không có lá - Tâm hồn rung tình yêu - Trái đất này lá xanh”.
Khát vọng vượt sự chết
Không chỉ làm thơ hay, Dạ mê nhạc thật sự. Có hôm ra nhà tôi chơi, Dạ hát rất hồn nhiên một giai điệu thiếu nhi của mình: “Có một cô bé xinh xinh - Có nhiều cô bé xinh xinh - Rất xinh xinh xinh là xinh xinh - Xinh như là lá - Xinh như là hoa - Xinh như là bông hoa”. Hay. Nghe xong, tôi ký âm ra tặng Dạ. Không ngờ càng về cuối đời, Dạ lại càng mê nhạc. Dạ đã viết nhiều ca khúc và nhờ tôi chuyển cho Quang Thọ, Tấn Minh, Trọng Tấn thể hiện. Có phối khí đàng hoàng. Cái CD ca khúc của mình mà Dạ tặng tôi, tôi đã đưa cho Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu để tưởng nhớ Dạ. Riêng tôi thì nói với biên tập viên, tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ chương trình về Dạ trong chuyên mục “Đôi bạn văn chương”. Không ngờ được những người lính nghe rất nhiều. Hôm tôi lên Lữ đoàn 249 công binh bắc cầu phao dự kỷ niệm thành lập, nhiều chàng lính cứ xuýt xoa khen chương trình.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một sự kiện. Ảnh: ST |
Dạ cứ sống, cứ làm thơ, cứ nghêu ngao giai điệu hồn nhiên như thế và cũng sâu sắc như thế. Một lòng Dạ đi học bồi dưỡng Trường Gorky ở Nga về, mang tặng con gái Phương Anh của tôi một cô bé Matrioska. Vừa gặp nhau, Dạ đã đọc “Tôi vừa xa nước Nga vừa xanh”. Câu thơ hay quá. Hai đứa ôm chầm lấy nhau nghẹt thở. Khi tôi sang Boston dự festival thơ nhạc thuộc chương trình kỷ niệm của Trung tâm William Johnson, trong chương trình Nguyễn Quang Thiều đã đọc thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ thật truyền cảm. Chính ở đây, họ đã dịch tập thơ “Cốm non” của Dạ và ấn hành, bán khá chạy. Dạ đã nổi tiếng như thế.
Nhưng điều tôi cảm phục nhất ở Dạ là đức hy sinh vô bờ bến, chính khi năm 1998, Dạ ra Hà Nội chuẩn bị đi Mỹ giao lưu thơ, nghe tin anh Hoàng Phủ Ngọc Tường bị đột quỵ ở Đà Nẵng giữa mùa World Cup vì xem bóng đá khuya, Dạ đã ở lại, không đi nữa và trở vào Đà Nẵng chăm sóc anh Tường. Chính thời kỳ thức trắng nhiều đêm chăm sóc anh Tường đã khiến Dạ dần suy nhược cơ thể dẫn đến chứng bệnh alzheimer nhiều năm qua, biến trí nhớ thành màn hình trắng. Nghĩ thật tội nghiệp.
Bữa gặp cháu Líp - Hoàng Dạ Thi ở NXB Trẻ (cháu làm ở đó), tôi hỏi thăm mà thấy ngao ngán trong lòng. Cháu Lion - Hoàng Dạ Thơ thì lấy chồng ở bên Mỹ. Hồi nhỏ, Lion làm thơ rất hay, đã ấn hành tập thơ lạ “Cái chuông vú”. Nghe tin Dạ mất giữa tang gia chị cả, lòng tôi trùng xuống ngỡ muốn đứt phựt. Đúng là “Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” nhưng có điều kỳ lạ là tôi vẫn nghĩ rằng Dạ vẫn đang cười hồn nhiên đâu đó khi trên mạng xã hội ròng ròng những dòng tiếc thương. Người như Dạ không bao giờ chết. Chỉ vắng xa dài đâu đó thôi. Họ đã sống bằng khát vọng mãnh liệt của mình. Khát vọng vượt sự chết.
NGUYỄN THỤY KHA