Quy luật của muôn đời và quy luật một đời

.

Quy luật của muôn đời là một tác phẩm nổi tiếng của Nodar Dumbatze, một nhà văn lớn của nước cộng hòa Gruzia. Nhân vật chính trong tác phẩm là Batsana, một nhà văn, nhà báo. Câu chuyện diễn ra khi ông bị nhồi máu cơ tim, phải nằm trong bệnh viện.

Thân thể nằm bất động trên gường bệnh, bằng suy tưởng, hồi ức, bằng trò chuyện với hai người bệnh cùng phòng là Đức Cha Iôram và bác thợ giày Bulika, Batsana tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Ta sinh ra đời để làm gì? Hạnh phúc là thế nào? Bản chất của cái Thiện là gì?

Cuối cùng ông đã tìm ra câu trả lời, đó chính là quy luật của muôn đời: "Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích, đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua... Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...”.

Cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” đã được dịch giả Phạm Mạnh Hùng dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và xuất bản năm 1984. Những năm tháng bao cấp, tôi say mê đọc nhiều tác phẩm của văn học Nga Xô Viết, và “Quy luật của muôn đời” là quyển tiểu thuyết hấp dẫn tôi ngay từ đầu đề sách. Cái mà tác giả Dumbadze gọi là “Quy luật của muôn đời” ấy, thực ra là quy luật của từng cuộc đời, nếu từng cuộc đời giác ngộ ra quy luật này, thì sẽ đi tới nhiều cuộc đời, và nhiều cuộc đời sẽ thành câu chuyện của muôn đời.

Tôi còn nhớ, vào năm 1978 tôi bị tai nạn giao thông rất nặng, phải vào nằm bệnh viện hơn nửa năm trời. Đó chính là thời gian tôi có cơ hội để tìm đọc tư liệu, suy ngẫm, và sau đó khi ra viện về Quy Nhơn tôi đã viết được trường ca “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Tác phẩm ấy cũng là kết quả “của một lần ốm nặng”, như Dumbadze đã trải nghiệm và khải ngộ trong tác phẩm của ông. Nhưng tôi không chỉ “ốm nặng” một lần. Vào năm 1982, tôi lại một lần nữa “ốm nặng” và phải vào bệnh viện. Đó là thời gian tôi có điều kiện suy nghĩ và viết được một trường ca về thi hào Nguyễn Đình Chiểu, trường ca có nhan đề: “Trò chuyện với nhân vật của mình”.

Quả thật, mỗi lần ốm nặng như thế, là mỗi lần tôi viết được tác phẩm. Nhưng chẳng lẽ mình lại cảm ơn cuộc đời vì đã “cho mình ốm nặng” hay sao? Mà có khi như thế thật, dù chẳng ai muốn ốm nặng để làm thơ hay viết văn.

Nhưng từ tác phẩm của Dumbadze, tôi nghiệm ra, chính mỗi lần mình ốm nặng như thế, là mỗi lần mình có dịp suy nghĩ sâu hơn về nhiều điều trong cuộc sống, mình có cảm hứng, có thời gian cô đơn trong bệnh viện để cảm xúc và viết. Và cuộc sống sau đó của mình cũng thay đổi theo hướng tốt lên.

Một tác phẩm văn học của một nhà văn tận xứ Gruzia với lời kêu gọi kỳ diệu: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác”. Đó là lời kêu gọi không chỉ cho tâm hồn một con người, nhưng nó phải đến với tâm hồn từng con người một, trước khi tới được với tâm hồn rất nhiều người, và trở thành “Quy luật của muôn đời”.

Cho tới bây giờ, khi đã về già, tôi vẫn lấy câu châm ngôn ấy của Dumbadze làm câu tâm niệm cho cuộc đời mình. Khi chúng ta biết, tâm hồn nặng đến thế nào, thì chúng ta phải biết mình nên sống như thế nào cho xứng đáng với chính tâm hồn mình. Cảm ơn cố nhà văn lớn Nodar Dumbadze!.

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.