Phát hiện thú vị của sử gia Chen Ching Ho từ Châu bản triều Nguyễn

.

Là người đứng đầu Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam tại Đại học Huế từ tháng 8-1959 đến tháng 9-1965, GS Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức biên dịch, bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông có sự đối chiếu nghiêm cẩn khi nghiên cứu tư liệu lịch sử, trong đó có Châu bản triều Nguyễn, qua đó có những phát hiện thú vị về lịch sử cận đại Việt Nam.

Châu bản triều Nguyễn - Thiệu Trị tập 9, tờ 78. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1
Châu bản triều Nguyễn - Thiệu Trị tập 9, tờ 78. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1

Có thể sẽ ra đời được một thiên sử An Nam mới

Trong bài viết “Đại Nam thực lục và Châu bản Triều Nguyễn”(*), GS Chen Ching Ho cho biết “Đại Nam thực lục là bộ chính sử triều Nguyễn do sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn phụng thượng dụ của lịch đại hoàng đế biên soạn, trong đó thực lục là những ghi chép chính thức về lịch đại hoàng đế và liệt truyện thì tường thuật về các nhân vật trải lịch triều (…) Đây là bộ sử thư chính thống với dung lượng khổng lồ lên tới 548 quyển, là sử liệu căn bản về lịch sử cận đại Việt Nam trong khoảng 330 năm (1558-1888) từ những năm đầu thời chúa Nguyễn cho tới những năm cuối đời vua Đồng Khánh”.

Về giá trị của Châu bản triều Nguyễn, trong bài viết “Tạp ghi trong chuyến điền dã nghiên cứu thành Thuận Hóa (Huế)”(*), GS Chen Ching Ho đánh giá: “Phải nói rằng châu bản chính là sử liệu căn bản vô cùng quý báu về lịch sử cận đại An Nam. Nhận định này của tôi không hề thái quá, tôi cho rằng nếu kho sử liệu này được mở cho hết thảy sử gia, giúp họ có thể thoải mái duyệt đọc nghiên cứu, tôi dám chắc rằng tâm lý ngoan cố, ngu muội, học theo phương pháp tu sử truyền thống cổ đại và thư tịch hoàng gia biên soạn luôn chịu sự chế ước của chính trị sẽ bị loại bỏ, và rất có thể sẽ ra đời được một thiên sử An Nam mới!”.

Qua nghiên cứu các châu bản, GS Chen Ching Ho nhận định: “Việc sửa đổi quốc hiệu, theo thượng dụ của hoàng đế Minh Mạng nói, “Đại Nam” chẳng qua là lược xưng của “Đại Việt Nam quốc”, thế nhưng đây rõ ràng là thứ được tạo ra từ nền tảng chủ nghĩa bá quyền Việt Nam mà hoàng đế Minh Mạng đang ấp ủ. Tất nhiên quốc hiệu “Đại Nam” chỉ giới hạn sử dụng trong nước, đối với công văn gửi Thanh triều thì vẫn sử dụng danh xưng "Việt Nam”.

Còn hai chữ “Thực lục”, không viết “實錄” mà lại viết “寔錄” là do kị húy. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn, GS Chen Ching Ho phát hiện và phân tích: “Không cần phải nói đến việc sáng tạo và phổ biến "chữ Nôm", thì trong khi sử dụng chữ Hán, người Việt cũng không sử dụng chính tự thông dụng Trung Quốc, mà cố ý dùng những tục tự của Trung Quốc như là chính tự của Việt Nam, tâm lý này có thể nói là khá kỳ lạ. Ví như trong phiên bản sách Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam thì các chữ “逃” viết thành “迯”; “怪” viết thành “恠”; “恥” viết thành “耻”; “華” viết thành “葩” (còn rất nhiều ví dụ khác), điều này ai cũng có thể thấy. Do đó “Thực lục 實錄” viết thành “Thực lục 寔錄” cũng thỏa mãn tâm lý tự đề cao tinh thần độc lập này”.

Cần khảo chứng, đối chiếu nhiều nguồn sử liệu

Nhìn nhận chung qua nghiên cứu Đại Nam thực lục và Châu bản triều Nguyễn, GS Chen Ching Ho cho rằng “… khi sử dụng Đại Nam thực lục làm sử liệu tiến hành khảo chứng, chúng ta cần đối chiếu với sử liệu của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia và sử liệu phương Tây cùng thời đại, như đem ghi chép trong các kỷ của Đại Nam thực lục chính biên đối chiếu, so sánh với Châu bản triều Nguyễn”.

Tác giả cũng đánh giá về độ chính xác, tin cậy trong các tài liệu triều Nguyễn: Phần Thực lục chính biên vốn được biên soạn dựa trên công văn hành chính tức châu bản qua các đời vua, cho nên ghi chép trong thực lục và nội dung của châu bản ít có sự sai lệch, nhưng riêng Thực lục tiền biên được biên soạn trong thời đại Tây Sơn binh đao liên miên, rất nhiều ghi chép khả tín bị thất tán, do đó không thể cho rằng mọi thông tin trong Thực lục Tiền biên đều chính xác.

Hai sự kiện GS Chen Ching Ho có sự so sánh, đối chiếu, để chỉ ra sai lệch thông tin. Thứ nhất, sự kiện cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, một bộ thủy quân họ Trịnh ở Đài Loan hơn 3.000 người, do Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên thống lĩnh, chia nhau ngồi trên hơn 50 chiếc thuyền xuôi xuống phía Nam, đến Quảng Nam quy thuận chúa Nguyễn; Thực lục tiền biên cho là xảy ra vào mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679); nhưng tham khảo Quảng Đông địa khu địa phương chí - nhật chí thương quán Đông Kinh của Công ty Đông Ấn Anh Quốc và tham khảo thêm báo cáo của thuyền Tiêm La thì vào năm 1679, đội thuyền trên vẫn còn neo đậu tại Long Môn, tỉnh Quảng Đông, trên thực tế từ 1682 đến 1683 họ chia hai thành hai nhóm từ Mỹ Tho và từ Biên Hòa chuyển đến Nam kỳ.

Thứ hai, về thời gian ra đời của phủ Gia Định - cơ quan hành chính sớm nhất được chúa Nguyễn thiết lập ở Nam Việt; Thực lục tiền biên ghi chép phủ Gia Định do Chúa Nguyễn đời thứ 6 là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đặt ra vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698). Nhưng căn cứ vào báo cáo của thuyền Giản Phố Trại và thuyền Quảng Nam thì cuộc viễn chinh vào Giản Phố Trại do Nguyễn Hữu Kính chỉ huy được tiến hành vào năm 1700, việc thiết lập phủ Gia Định được cho là kết quả của hành động này. “Tức là ở đây có sự chênh lệch nhau tới 2 năm”, GS Chen Ching Ho kết luận.

Qua đó, cho thấy với vai trò Giám đốc Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, GS Chen Ching Ho không những là người tổ chức biên dịch, bảo tồn Châu bản triều Nguyễn, mà còn sự nghiên cứu nghiêm túc, kiểm chứng dữ liệu… để phát huy giá trị của nguồn tư liệu quý báu này; góp phần vào việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới năm 2017.

GS Chen Ching Ho (tức Trần Kinh Hòa) tự là Mạnh Nghị, sinh ngày 28-9-1917 tại Đài Loan (Trung Quốc), có vợ là bà Đặng Thị Hòa (tỉnh Nam Định, Việt Nam). Năm 1943 đến năm 1945, sau khi tốt nghiệp cử nhân sử Đông phương tại Đại học Keio (Nhật Bản), ông đến thực tập tại Trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội) theo thỏa thuận giữa Pháp và Nhật. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Hán, Nhật, Việt; hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á. Ông mất ngày 19-11-1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

ANH QUÂN

---------------------------------
(*) In trong sách
“Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn” (GS Chen Ching Ho, Nguyễn Mạnh Sơn tuyển dịch và biên soạn, NXB Đà Nẵng, tháng 10-2023)

;
;
.
.
.
.
.