Duyên nợ mùa xuân

.

1. Không chơi nhởi gì được chỗ cái lò mổ heo ý mà lũ tôi lục tục kéo sang xin cái bong bóng… Vì sợ bạn cười nên tôi cố tình ẩn chữ “heo” đó. Đừng kinh ngạc, đồ chơi yêu thích của lũ con gái nhà nghèo tụi tui đấy. Là cái bong bóng… đái của con heo, được bóp muối chà sạch, cắm ống đu đủ vào thổi căng rồi cột sợi dây phơi nắng.

Chú Tám có hàm râu quai nón rậm ri. Đôi mắt đã ti hí lại xênh xếch, còn nằm dưới hàng lông mày to dày, đã thế trán thấp và bợt ra như người tối cổ, tóm lại nhìn chú y như của mấy ông cướp trong các vở chèo. Tôi chẳng lạ gì việc chú đã bốn lăm tuổi nhưng vẫn giữ chức chủ nhiệm câu lạc bộ “phòng không”. Cái tướng dữ chằn như thế thì ai mà dám ưng. Mấy thằng con trai ít dám léng phéng tới chỗ chú lắm, chỉ cần chú quắc mắt nhìn là tụi nó co vòi chạy cong đuôi. Con Nhiệm, con Nhi cũng sợ chú, nhưng không sao, có tôi bảo kê rồi, chú là chỗ bạn bè của mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Kể cũng lạ, ai thấy chú cũng ngại. Nhưng mẹ tôi thì không. Mẹ cười nhiều khi gặp chú. Cũng xin thưa thiệt là chú Tám hay sang nhà tôi chơi. Cảnh mẹ góa con côi, trăm điều cực nhọc. Chú Tám qua đỡ đần mẹ được nhiều thứ. Nào là khiêng, kê, xốc, vác, che, chắn, đậy, đệm… tất tật những công việc mà hai mẹ con có gồng cong người cũng không làm nổi. Những lúc chú qua, mẹ vui vẻ hẳn. Nó là cơ hội ngàn vàng để tôi xin phép tụ tập với mấy con bạn chí cốt nên cũng không rảnh để xét nét chuyện vì sao chú lại thường tới lui nhà mình.

Mấy rày chú Tám ít lại nhà, chắc tại Tết nhứt tới nơi rồi, chú còn phải tất bật với cái lò mổ. Có hôm tôi thấy mẹ sang phụ chú cắt đặt thịt thà. Không bận tâm chuyện ấy, tôi chỉ sung sướng nghĩ tới việc cuối năm sẽ mổ nhiều heo, tôi sẽ xin được nhiều bong bóng, cột lại thành một chùm to. Một chùm bong bóng heo đón Tết, quả là một ý tưởng không đụng hàng.

Thường thì chú Tám làm heo xong sẽ để dành cái bong bóng rồi lũ tui tới lấy sau. Nhưng hôm nay, vì muốn “sự nghiệp” của mình chóng thành hiện thực nên tôi nôn nóng rủ con Nhiệm, con Nhi tới tận lò mổ lấy luôn. Ba đứa dung dăng dung dẻ đi. Vừa tới ngõ nhà chú Tám, tôi run bắn người, thụt chân lại. Cha mẹ ơi, đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng kêu của một con heo bị chọc tiết đấy... Hãi quá, tôi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà, mặt mày tái dại.

Cũng hôm đó, con Nhiệm thẽ thọt vào tai tôi cái điều nó nghe ba mẹ nói trong bữa cơm “Hình như ra Giêng, chú Tám với mẹ con Trân sẽ về chung một nhà!”. Trời ơi, sau vụ mục sở thị cảnh con heo khốn khổ, cứ nghĩ đến khuôn mặt râu ria của chú Tám là tôi liên tưởng ngay đến những ông phù thủy. Chưa kịp hoảng hồn, giờ lại nghe cái tin chẳng lành này, tôi xây xẩm luôn, tưởng như ngày mai trời sẽ xập xuống liền vậy.

Từ sau bữa đó, tôi không sang chú Tám xin bong bóng với con Nhiệm con Nhi nữa. Cái sự nghiệp “vĩ đại” để chơi Tết bị phá sản ngang hông.

Mùng 1 Tết, “ông phù thủy” đem sang lì xì tôi một chùm bong bóng to, tôi nhăn nhó quạu: “Khùng hả?

Con gái lớn rồi mà chơi gì cái này nữa?!”. Nói xong, chưa kịp chạy thì tôi khóc òa vì nhận ngay một phát nảy lửa vào mông. Đau, đau lắm. Mếu máo khóc, quay ra thì biết là mẹ đánh. Tôi uất ức, gào to hơn, chạy sang ngủ với bà nội.

Sau bữa ấy tôi không thấy mẹ sang nhà “ông phù thủy” phụ làm nữa. Nhưng năm đó tôi ăn Tết chẳng vui vẻ gì, cũng tại nỗi sợ ra Giêng sẽ ở chung nhà với “ông phù thủy”.

Thật may! Ra Giêng, mẹ - chú vẫn nhà ai nấy ở.

2. Ba mươi hai tuổi. Anh đi với người đàn bà anh yêu, tôi về với cậu con trai 8 tuổi. Cuộc sống chỉ có công việc và con - bình an đến tẻ nhạt.

Khi những chấn thương đã hóa thẹo, tôi giật mình vì đã lệch tâm khá xa. Tôi quyết định “tái hòa nhập”. Không sợ nữa, tôi mạnh dạn xã giao với đàn ông. Một vài gã giàu có hay lải nhải những lời yêu đương sáo rỗng. Tôi cắt cầu lập tức. Chán ngấy những lời ong tiếng ve. Bọn họ thấy tôi khó nên cũng vui vẻ rút lui có trật tự.

Riêng Vỹ - gã giám đốc đang ly thân vợ - thì kiên trì đeo bám. Con trai thấy ô-tô đậu trước nhà thì mừng rỡ đòi ngồi xe. Tôi không cho thì rằn rực. Chiều con vậy. Tôi đồng ý đi chơi với gã, điều kiện là đem con theo.

Cu Rin tôi thích được đi chơi với một người đàn ông - như ba - chắc là để thấy mình cũng có một “vị thần hộ mệnh” như những bạn nhỏ khác. Chú chàng lại rất thích cưng em bé, ngày nào cũng chạy qua nhà bên cưng em Mi của chị Huệ rồi về ríu rít :      

- Mẹ ơi! Con muốn có em!

- Nhưng phải có chồng mới đẻ em được!

- Thì mẹ lấy chồng mau đi!

- Có ai đâu mà lấy ?

- Chú Vỹ đấy!

- Chú ấy là chồng của dì Ngân, bạn mẹ đấy!

Tôi lừa con trai cho xong chuyện. Chứ lấy chồng ư? Bây giờ thì không. Nhưng tôi biết mình. Lúc thua buồn thì nói không, nói sợ nhưng nếu có ai đó khiến tôi điên dại yêu thì chắc cũng dám “thí thân” lần nữa lắm. Nhưng Vỹ thì không! Giàu có, ga lăng nhưng cái đầu rỗng tuếch. À, không phải rỗng mà chất đầy tiền. Câu chuyện của gã chỉ có những dự án và mưu đồ tài chính. Thua. Chỉ lắng nghe thôi cũng đủ nhức đầu.

Rồi tôi gặp anh - người hùng của tôi, cuộc gặp tình cờ trong bữa tiệc sinh nhật của thế giới ảo. Anh bước ra đời thực, trí huệ, bao dung. Ơ hay! Trái tim bị bỏ quên vẫn chưa thành gỗ đá. Lại xốn xang, lại rung động. Tôi yêu đắng đót, say mê vồ vập. Yêu như chưa từng bao giờ được yêu, như thể sẽ không còn cơ hội để yêu thêm lần nữa.

Khi chân bị chảy máu người ta mới biết thương kẻ dậm đinh. Hôn nhân đổ vỡ, lầm lũi mấy năm trời với những tủi hờn, tôi ngộ ra là tôi bị “báo ứng”. Số phận bắt tôi phải chảy máu để hiểu nỗi đau đời mẹ. Nhất là khi được tái sinh bởi tình yêu mới, tôi càng thấm thía nỗi đau của người không được yêu. Khờ khạo là tôi. Ngỗ ngược là tôi. Vì chút ít kỷ, chút đành hanh con trẻ mà tôi đã “ác” với mẹ, với chú Tám. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không sao quên được những đêm mưa giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng thút thít to hơn cả tiếng… sấm của mẹ.

- Mẹ, kêu chú Tám dọn sang nhà mình đi!

- Sắp gần đất xa trời rồi, sống được mấy ngày nữa mà dọn qua dọn về cho cực!

- Mẹ còn giận con ?

- Giận chi bây! Duyên nợ được chừng nào thì mừng chừng ấy thôi.

3. Cuối tuần, anh lại đến, cu Rin lại xin ra ngoài chơi cùng bạn. Tôi gật đầu cái rụp. Bụng nghĩ, con trai còn nhỏ mà tâm lý thật. Thế nhưng, anh lại động viên tôi đi cùng con dẫu rằng, cả tuần chúng tôi mới thu xếp gặp nhau được một bữa.

- Là em không ổn ?

- Là con trai không ổn!

- Anh thấy điều gì?

- Em không thấy con trai đang từ từ lẻ mẹ hả? Em phải dành thời gian để lắng nghe, tâm sự, bầu bạn với con.

- Nhưng em cũng muốn ở bên anh?

- Chúng ta kết nối với nhau không phải ngày một ngày hai, đây là thời điểm con cần mẹ nhất!

Không muốn, thiệt tình không muốn. Con trai, tài sản lớn nhất của tôi. Con thì yêu thật nhưng con đâu thể làm bạn đường với mẹ. Tôi yêu con nhưng tôi cũng cần một bờ vai. Tôi trối chết lao vào, anh đẩy tôi ra. Anh kiên quyết ra giới hạn, đây là lúc tình yêu phải nhường chỗ cho tình thân.

Đành chiều ý anh vậy, à không, chiều con thì đúng hơn. Là miễn cưỡng chiều. Tôi lùng bùng, u uất. Phải làm sao để nói cho con hiểu, sẽ tốt hơn cho con, cho mẹ khi nhà mình có thêm một thành viên nữa. Trời ơi, tôi đau nỗi đau của kẻ không thể “thân này ví xẻ làm đôi”…

Không còn cách nào khác, tôi ngoan ngoãn nghe theo sự “sắp đặt” của con.

Mùa xuân, tôi tạm biệt anh, dắt cu Rin về ngoại. Nhìn ngôi nhà nhỏ của mẹ gọn gàng đâu đó, tôi “đánh hơi” được bàn tay cắt đặt của chú Tám.

- Mẹ nhắn chú Tám qua dùng Tất niên nghen!?

Đôi mắt già nua đang tối sầm bỗng lóe sáng:

- Bây có thơm thảo thì qua thăm “ông phù thủy” chút! Cảm mạo bên đó!

***

Nhà chú Tám đây rồi - không có một chút thay đổi nào. Đứng trước cửa nhà chú Tám, tôi mơ màng thấy những cái bong bóng heo chấp chới bay trên giàn hoa vàng, nhớ về phút xốc nổi bé dại ngày xưa, tôi khóc. Giá như hồi ấy tôi…

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

;
;
.
.
.
.
.