Nhuộm đũa vang ngày Tết

.

Thêm một cái Tết nữa lại về. Quê tôi, mỗi khi Tết đến xuân về nhà ai cũng làm những đôi đũa vang đỏ thắm. Nhắc đến đũa vang ta sẽ tưởng tượng ra món quý, món ngon chỉ ngày Tết mới có, chẳng ai dùng đũa vang để ăn cơm ngày thường bao giờ. Không thích sao được khi nhuộm và phơi những đôi đũa mới tinh đỏ tuyệt đẹp thơm nức mùi vang, thấy cái Tết đang về thật gần.

Trong văn hóa phương đông, màu đỏ tượng trưng cho lửa, sức khỏe, sức mạnh, sự đầy đủ thịnh vượng và hạnh phúc. Màu đỏ còn tượng trưng cho sự sạch sẽ, thẳng thắn và may mắn. Khách quý hay khách phương xa đến nhà mới dọn đũa vang. Không biết có may mắn đến đâu nhưng khi cầm đôi đũa vang, thực khách như được quý trọng và họ sẽ có bữa ăn ngon miệng hơn. Đám con nít tụi tôi vô cùng vui khi được cầm đôi đũa vang ngày Tết, cứ săm se quên cả gắp thức ăn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm nào cũng vậy, mấy ngày giáp Tết tôi cùng ông ngoại lo vót đũa nhuộm vang. Làm ra đôi đũa vang cũng hết sức công phu và tốn nhiều thời gian. Có năm, mấy ngày cuối tháng Chạp trời không có nắng, chẳng dám nhuộm đũa vì sẽ không phơi khô được. Để có tre vót đũa phải chuẩn bị từ mùa hè trước đó. Đốn tre từ những tháng tre không mọc măng thì vót đũa mới bền chắc.

Ngoại chọn những ống tre già to và thẳng, cưa thành từng lóng. Ngoại nhờ tôi vào ống đũa lấy một chiếc đũa cũ ra làm mẫu, cưa lóng tre dài đúng bằng chừng đó rồi nói để sau này khi dùng chung, đũa khỏi bị so le. Ngoại toán lóng tre thành từng miếng bó lại gác trên giàn bếp để dành, trông bó tre như những cuốn sách thẻ tre ngày xa xưa rất đẹp mắt. Khói hun lâu ngày tre khô ron vô cùng cứng chắc.

Tháng Chạp, những ngày mưa rảnh rỗi ngoại mang bó tre xuống chẻ vuông vức, vót thành những đôi đũa thon hai đầu xinh xắn. Ngoại nói, thời còn trẻ khỏe ngoại lên núi đốn cây văng nước về vót đũa gỗ. Vót đũa gỗ khó nhưng đũa bền, khi nhuộm nước vang ngấm vào đũa sẽ giữ màu được lâu và đẹp hơn.

Hai ông cháu cặm cụi vót đũa, đến tận tối mịt mới dừng tay. Tay yếu, tôi chỉ chuốt sơ cạnh và cật tre bằng chiếc rựa bén ngọt để ngoại vót lại bằng chiếc rựa đuồi hơn. Thỉnh thoảng tôi dừng tay, đếm thử đã được bao nhiêu đôi đũa rồi, có khi mỏi tay chỉ đếm thử chúng đã tròn đôi chưa hay còn chiếc lẻ. Ngoại hì hụi vót kỹ từng chút một, tiếng ót ót của lưỡi rựa vào tre khô vui tai đến lạ. Không cần nhìn chiếc đũa mà vót như tôi, ngoại chỉ sờ nắn nhưng vót chiếc đũa tròn vo đều rức.

Đũa vót xong ông cháu sẽ đem đi nhuộm. Có khi vót xong cất đó chờ đến mấy ngày trời vẫn chưa có nắng lên. Tháng Chạp hanh hao, họa hoằn lắm mới có một hôm trời nắng. Chờ ngày nắng rong mới dám sắc nước vang nhuộm đũa. Sắc vang ngày chẳng nắng không nhuộm được đũa sẽ để nước vang thiu. Nước vang thiu chỉ đổ đi trong khi vang thì quý.

Để có nước nhuộm đỏ thắm ấy phải đi tìm gốc vang già, cưa thành đoạn ngắn, vạt bỏ vỏ và phần giác, chẻ nhỏ phơi khô. Sắc vang khô màu sẽ đỏ hơn và nhuộm chắc hơn. Nghĩ đến những đôi đũa nhuộm, những trưa trời nắng tôi bỏ cả vui chơi buổi trưa với chúng bạn để canh phơi dăm gỗ vang cho khô. Nhiều người già hay tính xa, để dành gốc vang khô sẵn trong nhà để Tết năm nào cũng có vang nhuộm đũa.

Đêm đêm ngoại tôi nhìn sao trời, nằm nghe tiếng côn trùng cùng ếch nhái ngoài đồng để biết ngày mưa nắng. Một bữa nhìn về phía đằng đông, thấy trời trong ráng vàng ngoại giục tôi phụ củi lửa sắc nước vang. Tôi ra chồ lựa những thanh củi chắc vác vào bếp cho ngoại nhen lửa rồi lấy nồi bỏ dăm vang khô đổ nước bắc lên bếp. Củi sắc vang săn chắc lửa cháy mới đều mới đượm, vang mới ra được hết tinh màu của nó.

Tôi ngồi chụm lửa sắc vang, ngoại bắc ghế ngồi hút thuốc bằng chiếc nõ điếu, phả khói thành từng vạt bay lơ lửng ở hiên nhà. Lửa giữ đều, khi nước trào tôi nhấc nắp vung hở ra thêm một chút. Đến khi mùi nước vang tỏa ra quyện trong không khí se lạnh tháng Chạp thơm ngát sẽ báo hiệu nước vang “tới”.

Nghe mùi vang thơm. ngoại dụi vội nõ điếu rồi lấy chiếc đũa nhúng vào nồi vang đang sắc, cho nước vang nhỏ giọt từ mút đũa xuống chén nước lã để thử lại cho chắc chắn ăn. Khi nước vang không tan vào nước nữa mà vón lại, đông nằm im dưới đáy chén nước thì ngoại bỏ hết số đũa cần nhuộm vào nồi. Giữ lửa riu riu cho nước vang keo ngấm dần vào từng thớ tre, chốc chốc ngoại đảo đũa cho vang thấm đều bám chặt lên đũa.

Ngoại nhắc nồi đũa nhuộm xuống để nguội rồi vớt ra phơi đúng lúc trời nắng nhất. Từng chiếc đũa sẽ được khô, nước vang phủ đều lên đũa bóng loáng, một màu đỏ thắm thích mắt. Chờ cho đũa khô ron, chờ khi dọn dẹp trang hoàng xong bàn thờ tổ tiên sẽ để một nắm đũa vang lên đó. Đũa vang còn đặt trên mâm cúng Tết tưởng nhớ cội nguồn, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn các bậc tổ tiên sinh thành dưỡng dục. Số đũa còn lại cất dưới chạn, sẽ đem ra dọn lúc khách quý đến nhà. 

Màu đỏ của đũa vang mang lại sự may mắn, năng lượng tích cực dồi dào và cho thực khách có cảm giác thèm ăn, nhất là khi dùng đũa vang gắp bánh tét hay nem thơm phức, cảm giác sang trọng tăng thêm mấy lần. Cầm đôi đũa vang, khách sẽ ý thức mình đang là khách quý nên cách ngồi và ăn uống cũng sẽ thể hiện văn hóa ngày Tết. Nhiều nhà còn làm thêm đũa vang để biếu tặng khách quý phương xa làm quà Tết. Những đôi đũa vang trở thành món quà vô giá.

TRƯƠNG ANH QUỐC

;
;
.
.
.
.
.