Nửa năm…

.

Con Vàng đang nằm sát dưới đất, mắt nhắm nghiền bỗng bật dậy chạy ra ngõ sủa vang một tiếng, rồi chúng im phăng phắc đứng nhìn ra ngoài đường. Cái đuôi chúng cứ ngoe nguẩy, vẫy qua vẫy lại liên tục như chiếc cần gạt nước trên chiếc ô-tô. An ngồi nghịch đất trước sân, thấy chú chó loăng quăng chạy quanh là cậu cũng đứng dậy, phủi tay, chùi vào áo rồi lon ton chạy ra ngõ. Cậu đoán chắc là bà đã về. Vì lần nào cũng vậy, hễ bà về gần tới nhà, con chó lại phi nhanh ra trước ngõ, đứng ngóng bà. Nhác thấy dáng bà chầm chậm đi về trên con đường đất trải đầy nắng sớm, An đã reo lên:

- Aaaaaa… bà về.

Rồi cậu chạy thật nhanh ra đón bà. An nắm áo bà, rồi nhảy chân sáo theo bà vào nhà, mà miệng thì không ngừng ríu ra ríu rít như chim. “Bà đi chợ có mệt không”, “Bà mua những gì”, “Hôm nay nhà mình ăn gì”, “Bà có mua quà cho cháu không”… Những câu hỏi dồn dập như những đợt sóng vỗ liên hồi vào triền cát trên bãi biển. Bà chỉ nở một nụ cười hồn hậu, xoa đầu đứa cháu ngây khờ, rồi nắm tay An vào nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà để ngửa chiếc nón lá xỉn màu, những chiếc lá được chằm đã thâm đen và trên vành đã có nhiều mối chỉ buộc lên phản. Rồi hai bà cháu đi xuống bếp. Bà vừa để chiếc giỏ xách xuống là An đã nhanh chóng chạy lại soạn đồ thay cho bà. Cậu nhanh chóng lấy hết những món hàng bà nội đã mua bỏ tràn lan ra nền. Đoạn cậu mừng rỡ reo vang:

- Bánh bòoooo…

Hai mắt cậu sáng rỡ. Bà nội đang lúi húi dọn dẹp bãi chiến trường do cậu cháu trai bày bừa, cũng nở một nụ cười khi thấy cháu có một niềm vui. Ngày nào cũng vậy, hễ đi chợ là bà sẽ mua cho An ít quà vặt. Khi thì túm chè, lúc thì bánh ít, hồi thì cậu sẽ được ăn cái bánh tiêu…, buổi chợ nào tiền ăn cạn quá thì bà cũng ráng mua cho cậu cái kẹo. Bởi vì ngày nào không có quà, là mặt mày cậu sẽ bị xị. Như ngày hôm qua, sáng sớm An cũng khấp khởi khi bà đi chợ, cậu đi theo bà ra mãi đến đầu ngõ mới quay vào. Rồi lại ở nhà chờ đợi bà trong niềm vui sướng, vì chắc mẩm sẽ được quà. Khi bà về, cũng thế, cậu tung ta tung tăng quấn quýt bà. Rồi cũng vào bếp, lục cái giỏ xách đi chợ đã bạc màu, những vụn nhựa rơi ra như mùn cưa. Mặt cậu xụ xuống, ngồi chù ụ, đôi mắt long lanh:

- Bữa nay, bà nội không mua quà cho con sao?

Bà vẫn cắm cúi sắp xếp gọn gàng những túi đồ ăn bị vất lăn vất lóc. Rồi bà cũng cười và trả lời đứa cháu bé bỏng bằng một giọng hiền hậu:

- Ừ, lật đật lầy đầy nên bà quên mất.

- Không chịu đâu, không chịu đâu.

An ré. An òa lên khóc, rồi ngồi bệt ra sàn, hai chân vẫy đạp như vừa bị rơi xuống nước. Rồi cậu vùng vằng, vừa đi vừa khóc ra chỗ khác. Cả buổi sáng cậu chẳng thèm trả lời đi trả lời lại với bà, mỗi khi bà hỏi đến mình. Cậu cứ ngồi lì ở ngoài hè, chẳng nói chẳng rằng với ai. An lẫy.

- Bà đi ăn giỗ bà Cạo bên nhà ông hai Sơn. Con ở nhà, chút trưa bà nội đem bánh về cho con.

An vẫn lầm lì không trả lời trả vốn, mặt cúi gằm xuống, chân quơ qua quơ lại như để thể hiện sự hờn dỗi. Nhưng trong lòng An đã đánh trống lân rộn rã. An lại ngồi chờ bà mãi đến trưa.

Khi mặt trời tròn bóng, nắng hanh khiến An nheo mắt lại ngó mãi ra ngoài giậu mỏng rào thưa. Cậu bỏ quên giấc ngủ trưa ở ngày hôm qua. Bữa nay, An đợi quà đám giỗ của bà nội mang về. An nôn dữ lắm. Cứ trông đứng trông ngồi. Cứ một chặp là cậu lại chạy ngõ chờ bà nội. Nhất là những lúc chó sủa người lạ qua đường, cậu mừng như mở hội, vội vội vàng vàng chạy ra ngoài đường vì tưởng bà về. Rồi cậu hụt hẫng quay vào, ngồi lại chỗ cũ. Trời trưa êm đềm như một khúc ru, tiếng chó sủa vang lên làm không gian xao động rồi lại im bặt, như lòng cậu bé kia vừa có chút mừng vui bỗng chùng xuống nhanh chóng.

Con gà điểm vài tiếng gáy cho ban trưa thêm phần hoang vắng. An gà gật. Ngước mặt lên đã thấy bà nội đứng cười với mình một cách hiền từ, tựa như những bà tiên trong câu chuyện cổ tích. Cậu đứng bật dậy mừng rỡ chạy lại ôm bà. Bà đưa cho cậu túi quà từ bên đám giỗ. An cười tít mắt và lại tíu tít không ngừng. Cậu hí hửng mở bánh ra và ăn ngay trong sự sung sướng. Niềm vui cũng ngời lên trong đôi mắt in hằn dấu chân chim của bà.

Rồi theo thói quen, ngày nào bà cũng mua quà cho cháu đều đặn. Nhưng niềm vui bắt đầu giảm dần khi số tuổi của An dần tăng lên…

***

Mười năm đằng đẵng chớp nhoáng trôi qua như cơn gió chiều vừa thổi tạt qua hiên nhà. An đã rời quê lên thành phố học. Từ ngày lên thành phố, cậu ít gọi về nhà. Có lẽ là bận bịu chuyện học hành nên ít có thời gian. Và nếp sống, giờ giấc ở thành phố với ở quê có độ lệch pha quá lớn. Nên chẳng mấy khi An nói chuyện với mọi người, đặc biệt là bà. Vì hồi xưa nghèo khổ, rồi sau này công nghệ phát triển nhanh chóng. Thân già lụm khụm không thể đuổi kịp văn minh.

Từ độ rời quê, An cũng chưa trở về thăm nhà. Vì đường về quê dài dằng dặc mà kỳ nghỉ ngắn chẳng tày gang, nên thật khó sắp xếp. Và cậu sinh viên ấy cũng đã lâu không còn mong đợi quà bánh từ bà. Nên cậu cũng không mấy nhớ nữa. Mà bận bịu việc học, rồi quần quật đi làm thêm, nên đầu óc An chẳng còn chỗ để nhớ về hình ảnh của người bà thân thương. Những tình cảm ngày xưa của một đứa cháu bé nhỏ với người bà hiền hậu cũng đã thay đổi. Nhất là khi thời gian và không gian đã dựng tường thành ngăn trở giữa người với người, sợi dây tương liên sẽ có khi bị cắt đứt. Và sự kết nối cũng sẽ yếu như sóng điện thoại ở những vùng biên vậy.

Sống giữa thành phố xa hoa, An cũng dần quên đi những buổi chợ của bà, và không còn những nụ cười khi bà đi chợ về mỗi sớm mai. Một bữa nọ, An gặp một đứa trẻ đang vòi bà mua quà trong khu chợ. Chợt nhiên cậu nhớ về những ký ức thật đẹp của một thuở hồn nhiên. An nhận ra mình đã bỏ quên mọi thứ quá lâu. Những ký ức cũ càng ấy đã phủ đầy bụi bặm, vì đã quá lâu rồi An không động đến. Lâu ngày chầy tháng, cậu như đã quên rằng một phần ký ức của mình có những nụ cười thật tươi khi được bà cho quà bánh.

Cuối năm, An về nhà. Dịp này, An nghỉ Tết và được nghỉ sớm, nên cá chép chưa bay về trời thì An đã được về quê. Cậu tranh thủ. Mấy tháng xa nhà mà xóm làng thay đổi khá nhiều. Quê xưa tạo cảm giác quen thuộc, mà cảnh cũ nhiều đổi thay khiến An thấy có chút gì bỡ ngỡ trong lòng. Vào nhà, đàn chó con thấy An chẳng biết là người nhà. Vì lâu quá cậu chẳng về thăm. Chúng sủa oăng oẳng rồi lao ra như muốn đẩy cậu ra khỏi cổng. Tiếng sủa vang vang khiến cậu ong cả đầu. Nghe tiếng sủa, từ trong nhà một cụ già lom khom đi ra. Bà nheo mắt nhìn ra. Sau một hồi nhìn kỹ càng, đôi mắt bà sáng lên, rồi nhẹ nhàng cất tiếng hỏi:

- An về đó hả con?

An đứng lặng người, giọng cậu run lên, đôi mắt long lanh ngấn lệ:

- Dạ.

Cậu thương dáng hình bà ngày trước. Bây giờ, gương mặt bà in hằn những vết cào phá của thời gian, dấu chân chim hằn rõ hơn trên khóe mắt. Đôi mắt bà chẳng còn tinh tường nữa. Lưng bà khom hơn và đi lại cũng không thể nhanh nhẹn như trước. Sương chiều đã phủ trắng trên mái tóc đã từng làm rối lòng biết bao người. An thấy nghèn nghẹn tự trong lòng. Sống mũi cay cay như vừa bị khói bếp xộc vào. Cậu nói không nên lời. Nhìn bà, mà cậu đã quên đi sức nặng của đống đồ đạc lỉnh kỉnh, khệ nệ tên tay.

Cậu lặng lẽ bước vào nhà. Cậu vòng xuống bếp. Kỷ niệm càng làm cho An thêm day dứt.

Chiều quê, yên ả và dịu nhẹ như sợi khói chiều bay vút phía từng không. An từ nhà đi ra và bắt gặp hình ảnh nội ngồi trước hè. Cậu lại sực nhớ đến hình ảnh ngày xưa. Cơn gió chiều khẽ lùa qua thổi tung làn tóc trắng như mây của bà. An thấy hoàng hôn buông phủ lòng mình. An nhớ câu hát: “Một đời nuôi cháu, thương con/ Một đời chèo ghe, đưa đò/ Dãi dầu mưa nắng, tóc trắng lưng còn thương quá nội ơi”, mà lòng ngậm ngùi. Cậu ra trước hè ngồi xuống với nội. Không gian buổi chiều im ắng, khiến cho cậu càng thêm nặng lòng. Tự nhiên An thấy mình vô tâm và đang hờ hững với những điều quý giá mà mình đang có.

- Bà nội để dành cho con hộp bánh trong tủ, con vô lấy ra ăn đi.

An bùi ngùi. Cậu không còn mừng rỡ và nhảy cẫng lên như thời còn thơ dại. Dĩ nhiên. Vì niềm vui ấy đã không còn tươi nguyên, và dòng cảm xúc bây giờ không cho phép cậu làm điều đó. An vào lấy bánh rồi trở ra. Cậu tính sẽ cùng bà ăn bánh và tâm sự.

Trở lại hè, An ngồi xuống, mở hộp bánh và thấy hạn sử dụng đã quá nửa năm.

- Bà nội ơi, bánh hết hạn rồi.

- Hết hạn nhanh vậy sao?

- Bánh ở đâu mà sao nội để lâu quá chừng?

- Hôm bữa, nội đi ăn cúng rồi người ta cho. Bà nội biết con lúc nào cũng thích nội đem quà bánh về, nên bà nội để dành. Vậy mà từ đó đến nay đã nửa năm rồi. Vậy là cũng đã nửa năm con không về với bà nội.

Một hơi thở dài phả vào trong gió chiều, như luyến tiếc, như buồn bã. Đôi mắt bà nhìn xa xăm ra ngõ vắng. Hai hàng nước mắt chực chờ từ nãy, bây giờ đã trào ra như hối hận, như yêu thương. Nghe bà kể, An nghẹn ngào:

- Nội ơi…

NGUYỄN NHẬT THANH

;
;
.
.
.
.
.