Tháng củ mật

.

* Nhâm nhi ly trà tất niên, các cụ trưởng thượng nói rằng tháng Chạp được người xưa gọi là “tháng củ mật”. Lớp trẻ chúng tôi không rõ “củ mật” là củ gì. Vì sao tháng Chạp không gọi là tháng củ gì đó mà cứ gọi tháng của mật? (Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng).

- Dân gian có câu “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, tháng Chạp là tháng làm ăn không chỉ của người lương thiện mà của cả kẻ không lương thiện vì cuối năm ai cũng có nhu cầu Tết. Do người lương thiện đề phòng củ mật quá nên kẻ không lương thiện cũng khó mà xơ múi gì được. Vì thế, có người nói vui rằng “tháng củ mật, mật ít ong nhiều”.

Tranh minh họa về “tháng củ mật”. Ảnh: ST
Tranh minh họa về “tháng củ mật”. Ảnh: ST

Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.gov.vn) đã phỏng vấn PGS Phạm Văn Tình giải thích về nguồn gốc tháng củ mật trong chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Theo đó, tháng Chạp là tháng rất dễ mất trộm, bởi mọi người bận rộn, làm việc quá vất vả để lo Tết nên ai cũng mệt mỏi, dễ ngủ và ngủ say, thường lơ là trong việc bảo quản tài sản trong nhà mình, cửa nẻo không cài then. Đó là cơ hội để đạo chích lợi dụng lẻn vào trộm cắp. Chính vì thế các quan trị nhậm các hạt hay huyện, tỉnh ngày xưa vào dịp này thường hay gởi các tờ sức nhắc nhở chánh tổng, lý trưởng, hào dịch các nơi phải lưu tâm cắt cử tuần phiên và trong đó có câu “củ soát cẩn mật”. Đây là cụm từ Hán Việt. “Củ” là coi sóc. Soát là xem xét. Cẩn là cẩn thận, chu đáo, Mật là bí mật, kín đáo. Cả tổ hợp này có nghĩa là rà soát, xem xét mọi thứ thật chu đáo và bí mật. Về sau để cho dễ đọc dễ nhớ, người ta rút gọn lại thành “tháng củ mật”.

Bài “Vì sao tháng Chạp được gọi là tháng củ mật?” đăng trên vtc.vn cho biết thêm rằng, một yếu tố cần “củ mật” nữa chính là cẩn thận củi lửa. Tháng cuối năm tiệc tùng cỗ bàn nhiều, rồi say sưa lơ là, rất dễ sơ sểnh gây ra hỏa hoạn. Thời tiết hanh khô cũng góp phần khiến các đám cháy dễ bùng lên, nhà cửa của cải ra tro thế là mất Tết.

Bài viết cùng tựa đề đăng trên fptshop.com.vn còn đưa ra lời khuyên về những điều kiêng kỵ trong “tháng củ mật” để đón chào một năm mới nhiều bình an, may mắn và hạnh phúc như sau:

1. Tuyệt đối tránh cãi nhau, gây gổ xung đột.
2. Tránh gây đổ vỡ các đồ dùng trong gia đình.
3. Tránh trồng các loại cây có âm khí trong nhà như: tre, trúc, bạch đàn, hoa huệ...
4. Tránh để nhà cửa bị rêu mốc, ẩm ướt.
5. Tránh cho vay tiền, đi vay tiền vào ngày rằm tháng Chạp.
6. Tránh nhặt tiền vào ngày rằm tháng Chạp.

Trong mục từ “Tháp Chạp”, Wikipedia tiếng Việt có ghi một câu đậm màu trào phúng nhưng xét ra rất thực tế: Gọi là “tháng củ mật” vì theo quan niệm của dân ta cho rằng đây là tháng xui xẻo hay là tháng có thể dễ mất mát tiền của, hay bị “tai bay vạ gió”, có khi hao người tốn của với những lý do hết sức khác nhau nhưng thường cho là… đen và đắng như củ mật!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.