Thơ

.

Vũ Trọng Quang

Năm sinh 1949, quê quán Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Vũ Trọng Quang luôn khao khát đi tìm cái mới. Ông cho rằng “Thơ là đỉnh cao của ngôn ngữ, một đỉnh cao không dễ với tới được”. Thật vậy, những giọng điệu mới lạ xuất hiện trên thi đàn là điều cần thiết, làm phong phú tâm hồn con người của thời hiện đại, đó còn là nhu cầu phát triển của thi ca. Nhưng không vì thế mà một số người đã đánh tráo, lạm dụng sự cách tân vô lối, làm dáng chữ nghĩa, gây không ít phản cảm cho người đọc đối với thơ ca. Có thể vì quan niệm về thơ khắc nghiệt như vậy mà Vũ Trọng Quang viết chậm, viết ít để mình được là mình?

(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

Ngồi lại bên cầu

Tôi cởi áo ngồi lại trên cầu
thức giấc mơ người xa lạ
quê hương tôi nước dâng lên từ thế kỷ
chiếc xe bò đâu rồi cho cái vẫy tay
con đường mòn mất hút cho lần trở lại
nụ cười trẻ nhỏ tắm ở chân cầu ngày ấy của tôi
nụ cười mẹ nhòe thiếu nữ
ánh mắt mẹ thời chiến tranh xa bố

Tôi tìm tôi nơi gương sông mù mờ khuôn mặt
quả bóng ném từ sân phơi lúa tới chỗ tôi ngồi
va đôi chân trần lem lấm

Có kẻ ném đá lên những toa tàu
vang tới tiếng chuông từ giáo đường loang lổ
mất dấu ngôi nhà để nói lời ra đi
chuyển động giao mùa băng rất nhanh
ánh chớp lóa mắt nhìn ga lẻ

Tôi đang bước xuống chạm tuổi trẻ mình bước lên.

Mượn lời tầm xuân

Cái thời
cây bưởi hái hoa
ca dao
bước xuống vườn cà
lâng lâng
nhúng chàm
một nụ tầm xuân
trăm năm rơi ngược thời gian đợi mờ

lời ru ở chỗ đong đưa
nở ra xanh biếc
cho vừa mênh mông
ầu ơ mãi tiếng sắc không
diêu bông tìm được
lấy chồng tiếc thay.

Giao mùa

Nụ hoa chậm bung nở
níu giữ chiều ba mươi
cô gái quét khoảnh khắc
đứng tiếc giao mùa trôi

Khước từ

Em ngủ suốt mùa đông
tôi chim én thất bại
không vượt qua đôi cánh

Thức dậy thức dậy thức dậy
ồ ban mai thức dậy
mùa xuân đã trồi lên

Vẫn gõ cửa kiên nhẫn
trái tim đồng loã với then cài
bao giờ hé mở

Chờ đợi nhiều mùa sau
vẫn chim én thất bại
tiếng hót không bay khỏi giá băng

Một nửa nơi đâu…
                                        V.T.Q

;
;
.
.
.
.
.