Đau đáu làng nghề…

.

Hồi còn ở phố tôi thường hay tìm kiếm những cơn cớ nhớ quê. Như một buổi sáng nào đó bỗng bắt gặp hàng nón lá được bày bán trong một góc chợ nhỏ tôi chợt nhớ đồi cọ quê nhà đến cồn cào. Bởi những chiếc nón lá trắng muốt kia thường được làm bằng lá cọ, một nguyên liệu có sẵn ở vùng trung du Phú Thọ. Những tán cọ xòe ô che nắng không chỉ khắc họa nên nét đẹp văn hóa vùng miền mà còn tạo ra những làng nghề làm nón nổi tiếng quê tôi.

Những chiếc nón lá thanh thoát che mưa che nắng cho bà, cho mẹ từ chợ xa đến đồng gần. Nón lá cũng đi vào thơ ca. Nón lá mang đến cho rất nhiều người dân làng nghề thêm thu nhập. Những đứa con xa quê chỉ cần nhìn chiếc nón trắng thấp thoáng là như thấy bao nhiêu ký ức quê hương chầm chậm hiện về. Nhớ chiếc nón lá của mẹ dãi dầm mưa nắng vẫn treo ở đầu nhà.

Mỗi lần đi làm về mẹ bưng theo chiếc nón đựng nắm rau rừng, măng đắng, có khi là những quả ổi thơm lừng, mâm xôi chín đỏ làm quà cho con. Nhớ một chiều nào đó mẹ mang nón lá rách tả tơi đội cho chú bù nhìn rơm đứng cô đơn giữa cánh đồng mùa hạn. Nhớ người bạn đồng hương từng cúi xuống đặt chút tiền vào chiếc nón mê của bà cụ ăn xin đâu chỉ vì lòng trắc ẩn giữa con người với con người. Bạn bảo: “Thấy thương cụ bà mà cũng thương chiếc nón lá quê hương thăng trầm theo những phận người…”.

Mỗi khi đọc được đâu đó bài báo viết về một người trẻ đau đáu với làng nghề truyền thống, tôi đều xúc động. Tôi mong họ “chân cứng đá mềm” dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều thử thách của thời gian để làm hồi sinh, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại.

 Lạ lắm, lần nào đi uống cà phê chị cũng hẹn đúng quán đó, dù cách xa cơ quan đến vài cây số. Dù cà phê ở đó cũng chẳng có gì đặc biệt. Lần nào đến chị cũng nhìn quanh quán trầm tư, im lặng.

Tôi đoán đó là nơi chị từng ngồi với một người nào đó quan trọng, ắt từng có rất nhiều kỷ niệm. Mãi sau này mới biết chỉ vì quán đó dùng toàn đồ mây tre đan của làng nghề quê chị. Từ bộ bàn ghế, đến phụ kiện decor, đèn trang trí đều bằng mây tre đan mộc mạc mà tinh tế.

Tôi hỏi chị làm sao nhận ra sản phẩm đó là của quê mình? Chị xòe đôi bàn tay suốt tuổi thơ từng chẻ tre, từng uốn mây đan lát. Cả gia đình rời quê hương đã rất lâu nhưng thỉnh thoảng trong giấc mơ chị thấy mình trở về thăm làng nghề, mùi hương của mây, tre xộc vào cánh mũi giản dị và gần gũi biết bao. Cái hồn của một làng nghề đã thổi vào trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ không thể nào lẫn vào đâu được. Chị mừng khi thấy sản phẩm mây, tre đan ngày càng được ưa chuộng, cũng có nghĩa người dân quê mình vẫn sống tốt với nghề. Bao nhiêu đó tâm tư của một người con xa quê cũng đủ khiến cho tôi xúc động và đồng cảm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có những làng nghề truyền thống đã mai một hoặc mất đi do cơn lốc đô thị hóa và đầu ra cho các sản phẩm truyền thống không còn nhiều. Trong số đó, có làng nghề chẳng còn tư liệu lưu trữ nào ngoài lần theo ký ức của những người còn sống. Trong số họ nhiều người đã không còn ở lại làng sau năm tháng thăng trầm. Tôi tự hỏi khi làng nghề mất đi những người nghệ nhân năm xưa đã trôi dạt ở đâu? Họ làm những gì để mưu sinh? Chắc hẳn cũng có lúc họ nhìn đôi bàn tay của mình mà quay quắt nhớ nghề. Mỗi khi đọc được đâu đó bài báo viết về một người trẻ đau đáu với làng nghề truyền thống, tôi đều xúc động. Tôi mong họ “chân cứng đá mềm” dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều thử thách của thời gian để làm hồi sinh, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.