Đom đóm vào nhà

.

Trời đã sang tiết Thanh minh và nắng ấm đã về. Mùa xuân ngỡ đã lặn vào trong hoa trái để hiến dâng vị ngọt mùa màng. Đêm chớm se lạnh, bất chợt mất điện. Trong cái mờ ảo của mảnh trăng non mờ ảo, bỗng chập chờn một ánh đom đóm bay quanh quẩn vào nhà. Đứa con 5 tuổi chợt cười thích thú mà quên đi nỗi sợ bóng tối khi lần đầu được trông thấy. Và lòng ta cũng thích thú, ngạc nhiên xen lẫn bùi ngùi. Một ánh sáng yếu ớt, lạc lõng thôi mà đầy sức gợi nhớ.

Minh họa:  HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đom đóm vào nhà, ta chợt nhớ ký ức mẹ ta một thuở nhà nghèo. Không biết ngày xưa, để trấn an con hay trấn an lòng mình mà mỗi khi đom đóm vào nhà mẹ lại bảo: “Thứ nhất đom đóm vào nhà/ Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”. Câu ca dao mẹ nhắc để chỉ quan niệm về niềm vui, điềm may mắn của người xưa. Ngày ấy, có bữa chợ phiên nào mà mỗi sáng mai mẹ không trĩu vai gánh hàng đi chợ đâu. Khi thì gánh lúa, gánh khoai; lúc nông nhàn là những gánh củi, bó trúc mà cha đi rừng từ hôm trước trên Nhà Đũa, động Mồng Gà hay nơi nào xa lắm. Nhà mình và bao gia đình khác ở làng đều thế cả: đông con, ít ruộng, nghề phụ không có, và chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng nên sợ lắm cái đói tháng ba ngày tám.

Đom đóm vào nhà, lại nhớ dáng cha hiền từ mà nghiêm nghị, luôn nhắc nhớ các con chuyện học hành và đạo lý làm người dù cha chỉ mới đọc thông viết thạo từ những lớp học vụ bình dân. Cha sợ các con cảnh thất học nên lúc nào cũng kể chúng con nghe những câu chuyện về tấm gương hiếu học mà không biết cha nghe từ ai hay đọc ở đâu. Chuyện ông Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ. Mỗi lần gánh củi qua trường đều ngấp nghé học lỏm. Đêm không có đèn dầu thắp, ông đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng để làm ánh sáng mà học. Miệt mài với ngọn đèn đom đóm ấy mà vượt qua hàng nghìn sĩ tử, ông đỗ Trạng nguyên, thậm chí còn là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Cha đã không còn trên cõi đời này nữa để bày dạy cho cháu con nhưng con vẫn nhớ mãi lời cha nhắc nhở: Có công mài sắt có ngày nên kim.

Đom đóm vào nhà, ta lại nhớ miên man một miền xưa cổ tích, có ánh đom đóm bay từ hoài niệm vụt qua trí nhớ để hồn ta bâng khuâng, thơ thẩn đi tìm. Tuổi thơ ngây ngô, ngụp lặn giữa lòng quê mà đầy nhung nhớ. Ta nhớ đã bao đêm cùng lũ bạn suốt mùa hè đi tìm bắt đom đóm khắp các lũy tre, vườn cây rồi bỏ vào lọ thủy tinh Penicillin xin từ ông y tá của thôn. Rồi dùng đèn đom đóm đi bắt bọ vừng, ve sầu trong tiếng đêm rả rích. Có đêm nào ta đi lạc, nhìn thấy những vệt lân tinh ở phía bờ khe mà người lớn thường bảo ma trơi, hù dọa cho chạy bán sống bán chết về nhà.

Đom đóm vào nhà, ta bỗng thương những phận người đom đóm như mẹ cha ta, như thầy cô ta ngày xưa, một đời chỉ biết soi sáng nẻo đường cho người khác dẫu mình có phải chịu cảnh tối tăm. Con muỗi thì vo ve, thạch sùng thì tặc lưỡi, đom đóm thì chiếu sáng. Âm thanh của làng quê thành âm thanh của miền hoài vọng ngân lên bài ca xưa cũ mà ta và đám bạn xa quê tiêng tiếc khi nhắc về. Đom đóm vào nhà của thời nông thôn mới bỗng trở nên hiếm hoi dẫu làng quê mình vẫn ngoan hiền những nét xưa cổ tích.

Phải chăng, cái ngột ngạt của bức xạ bê tông, cái kín mít của những ngôi nhà kiên cố, cái chật hẹp của bờ rào xây, của những con đường đã không còn chỗ định cư của mảnh đời đom đóm. Phải chăng, lòng người đã quen thuộc với những tiện nghi vật chất, của những thứ nhân tạo để vô tình đến vô tâm quên đi vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên tạo, thiên nhiên. Đồng làng đã có thuốc trừ sâu, ao làng đã lấp, lũy tre đã chặt, vườn xưa đã san sát những nhà, và đom đóm tuổi thơ đã bay về đâu? Có như những chàng trai, cô gái quê mình bay đi bốn phương mưu sinh rồi định cư nơi ấy, bất chợt đôi lần vồi vội về quê như đom đóm bay lạc vào nhà?!

ĐINH HẠ

;
;
.
.
.
.
.