Nằm mộng bến ô môi

.

Thoảng khi, thấy cuộc sống yên bình quá độ, tôi hay tự làm khó chính mình bằng cách ngẫm nghĩ ra nhiều câu hỏi tréo ngoe, rồi, tự buồn. Như là vì sao món thịt kho của má, ăn mãi bao năm không biết ngán? Như là tại sao trưởng thành chút rồi, biết đó đây chút rồi, lòng lại thèm bến quê ngay chính tại nhà mình? Cắc cớ chưa đủ, tôi đem treo luôn buổi chiều với đầy ngổn ngang lên đám cây ô môi. Mà, ô môi im re. Mới càng thêm thắt dạ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi hay tự nhận mình là đứa sớm quen thói phụ rẫy. Lâu lắm, phải lâu lắm tôi mới về thăm bến xưa. Những chuyến đi công tác xa, xê dịch đủ chỗ từ biển bạc lên rừng vàng. Đi cho thỏa con mắt ngắm. Đi cho no cái dạ lòng mơ mộng. Tới hồi chông chênh quá độ, bản thân mới vỡ ra mình thèm về. Thèm những buổi chiều tháng ba với nền trời như tan ra. Khi tiếng ve đã bắt đầu gọi mùa hè chập chững quay về sau cánh cửa phượng rơi. Mật ngữ ô môi ngày đó tôi không đủ tinh tế nhận ra. Chỉ thấy từng chùm bông ô môi đỏ hồng đưa đẩy thật mềm trong gió chiều man mác.

Tuổi thơ tôi đã hứng trọn từng mùa gió chiều phớt hồng phớt đỏ. Rồi không biết nợ duyên thế nào. Bóng chiều dưới cội ô môi bằng tuổi cha tuổi má, đã trổ thẳng vào tim tôi một mùi hương quyến luyến. Nào phải thứ mùi nồng nặc của bao loại nước hoa xa xỉ, phủ đầy lên chộn rộn tha phương. Đó là hương lành của một miền trẻ dại. Mặc cho tôi có đi mãi, thì đôi chân cũng sẽ không ngại ngần trước kênh rạch chằng chịt quê mình. Tẻ lối băng đồng như một chương trình đã sớm được đất quê cài vào tâm trí. Không lạc được bao giờ.

Có nhiều đêm cố thiêm thiếp trong inh ỏi còi xe. Nhận ra cái giá tôi phải trả cho mộng ước quả thật lớn quá. Tôi chợt nhớ bạn. Nhớ người lái đò ngày đó hai buổi đều đặn đưa tôi và bạn qua sông đi học. Lần gần nhất tôi được về thăm bến đò xưa, chắc cũng đã hơn hai năm không ít. Đó vốn là miền quê hương thứ hai trong đời tôi. Nhưng, tôi thương chốn này hơn cả. Bởi, tuổi thơ tôi ở đó. Gần mười tám năm học cách để hiểu nắng mưa, nhiều khi, tôi ngỡ mình đã khóc tiếng khóc đầu tiên tại đây cũng nên.

Bến đò buổi tôi về đã yên giấc ngủ. Con đò không còn đủ sức nằm bãi đợi mong những đứa con xa. Người lái đò xưa nghe đâu cũng xuôi đời về chốn mới. Dân xứ tôi cứ như những trái bần trôi, chìm nổi khắp mạch sông để ghim mầm hy vọng, mang phù sa làm căn cốt, đem nghĩa nhơn mà đối đãi cuộc người. Tôi chưa kịp nói lời cảm tạ công ơn nắng mưa của người chèo lái. Chỉ thấy vẫn còn bóng ô môi già hắt xuống con nước chiều thong dong. Một vùng diệu hiền mặc cho bao nhấp nhô sóng vỗ. Hẳn, người lái đò cũng không quở trách gì tôi đâu (định bụng bảy, tám lần hồi cho đỡ cơn canh cánh).

Bạn giờ thì cũng tạm gọi là ấm êm. Năm ngoái, hay tin bạn tổ chức đám cưới, tôi mừng tủi đan xen. Mừng cho đứa bạn chơi thân từ hồi còn cởi truồng, tồng ngồng tắm mưa đã yên bề gia thất. Mừng cho bạn không chấp mê, không xem đời là cuộc chơi trận giả như ngày xưa hay rủ nhau bẻ trái ô môi làm kiếm, mơ mình làm tướng lĩnh cờ lau. Mà, cũng tủi vì bản thân bận bịu, không kịp quay về ngay ngày vui nhất đời bạn. Biết phải làm sao, bạn mình ơi? Tôi còn bước đường quá xa để nghe ra mùi rạ đốt. Còn bao cuộc hẹn thị thành chen lấn mơ son, đâu kịp quay về cùng bạn bẻ trái ô môi chín rồi chặt lấy chặt để, chia nhau từng múi thịt sánh kẹo óng ánh mật đen, ngọt ngào mà cũng không kém phần cay chát.

Năm đó, bạn cưới vào đúng mùa ô môi nở rộ. Pháo hồng tôi nghĩ cũng không làm lòng bạn phơi phới, bằng mớ ô môi rơi rụng khắp bờ kinh. Phải rồi, con người ta thường hay kháo nhau về hai từ hạnh phúc. Nhưng ít ai biết được, hạnh phúc thật sự chính là chảo thịt kho má làm, kho qua năm tháng chỉ thêm mặn mòi tình nghĩa. Hay còn là kiểu vừa chạm mặt bến ô môi, tôi đã biết chờ mong ngày về thăm bạn ở xa xôi nắng hạ. Vấn đề là ở chữ thương. Khi đã thương rồi thì chớ hề biết chán, chỉ biết con thuyền dẫu còn nằm mộng khơi xa, nhưng lấp ló sau lưng, bến quê vẫn thao thiết: “Ơi... nhà!”.

VĨNH HOÀI

;
;
.
.
.
.
.