Thương quá! Nội ơi…

.

Hồi nhỏ tôi sống cùng ông bà nội. Trước sân nhà lúc đó có một cây cóc. Cây cao lêu nghêu, với tán lá um tùm, quanh năm cho bóng mát và trái sai lúc lỉu, từng chùm trên cành đong đưa trong gió.

Tôi không biết cây cóc có từ thuở nào, chỉ biết khi tôi lên 5 tuổi, dưới bóng cây cóc ấy, tôi đã thấy dáng lom khom của ông bà nội ngồi ở chõng tre cặm cụi đan những chiếc lếp (giỏ đan bằng tre của người Thái). Hằng ngày đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc nổi sợi gân xanh, thoăn thoắt miệt mài như diễn viên múa bên những cái lếp, tạo ra sản phẩm mỹ nghệ phục vụ cho con người.

Căn nhà gỗ lợp mái tôn và hàng rào kẽm gai chi chít hoa hồng leo. Tới mùa lá cóc rụng xơ xác, gió thổi xào xạc trên mái nhà, và tràn xuống sân, một khoảng sân vàng ruộm óng ánh lá như ai đó quét sơn lấm tấm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Dưới mái nhà. Ngồi ở chõng tre đan lếp, không khí của làng quê thanh bình, im ắng đến mức nghe rõ từng tiếng kẽo kẹt của chõng tre mỗi khi trở mình. Trong không gian ấy, với tôi như vườn cổ tích ngập tràn sắc màu. Khung cảnh hiện hữu một căn nhà, hai người già, một đứa trẻ và cây cóc lá vàng bàng bạc theo thời gian đẹp tựa bức tranh rực rỡ sắc màu nơi miền quê thôn dã, yên lành.

Từng chiếc lếp được đan xong, bà tôi gánh lếp đủng đỉnh xuống chợ ngồi bán hoặc bỏ sỉ cho các tiểu thương, có số tiền trong tay, bà vui lắm. Bà mua gạo đổ đầy chum, mua gia vị và nhu yếu phẩm hằng ngày. Bữa cơm hôm đó cũng thịnh soạn hơn, ăm ắp thức ăn ngon, thịt luộc, chả quế thơm nức. Những món ăn xa xỉ, đắt đỏ thời điểm đó chỉ nhà đủ điều kiện mới thưởng thức.

Điều tôi mãi nhớ và xúc động nhất là mỗi lần bà đi chợ về, không bao giờ bà quên mua quà vặt cho tôi, có khi bịch chè thập cẩm, lúc thì miếng bánh cam nhân đậu xanh nóng hổi phủ đầy hạt mè và đường mật thơm lừng, dẻo quánh.

Thế rồi mùa cóc chín lại đến, thương lái đến tận nhà mua, cóc chín vàng tươi giòn ngọt, hương thơm dìu dịu, chứ không chua và cứng như lúc còn xanh. Khi thương lái hái xuống, tôi cùng ông bà nội và thương lái lựa những quả tròn đẹp, căng bóng. Bà nội luôn để dành cho tôi vài quả chín ngọt, bà cất trong gạc-măng-rê, để mỗi khi tôi đi học về, còn có quà nhâm nhi, thưởng thức.

Tháng ngày cứ thế trôi đi, những kỷ niệm đã hóa thành ký ức đẹp và nỗi nhớ mãi da diết, thăm thẳm trong trái tim tôi. Tôi nhớ những ngày tháng ba trên miền đất đỏ bazan lộng gió, bầu trời trong xanh, không một áng mây, và nắng chan chát. Tháng ba trong tôi là rẫy cà phê bạt ngàn, điểm xuyến trên cành từng chùm bông cà phê trắng muốt như tuyết rơi. Đàn ong bay quanh từng khóm bông, vo ve hút mật. Hương thơm ngào ngạt, phả vào gió se. Đâu đó trong vòm cây Kơ-nia, tiếng ve ngân vang rộn rã, báo hiệu mùa hạ đã về trên miền đất đỏ Tây Nguyên đại ngàn.

Nắng mùa hạ như chảo lửa, giếng nước cạn khô. Phải xuống sông Sêrêpôk tắm giặt. Những hàng cây khẳng khiu trơ trụi lá, lác đác trên nền đất đỏ vương vãi từng chiếc lá khô giòn như chiếc bánh đa. Bước từng bước chậm rãi dưới cánh rừng khộp hừng hực nắng, tôi nghe từng tiếng sột soạt, âm thanh của lá khô giòn giã, vỡ tan tành, vướng víu nơi gót chân tôi.

Và tôi nhớ bà tôi cũng từng dắt tôi đi trên con đường mòn, băng qua cánh rừng này, để giao lếp cho các tiểu thương cho kịp phiên chợ. Tiếng chim tu hú vang ầm ĩ khiến cả cánh rừng giật mình, thảng thốt. Cỏ cây, hoa lá, chim muông tưng bừng khoe sắc thắm, khoe tiếng hót dưới cánh rừng khộp của vòm trời mùa hạ năm ấy.

Thấm thoát, đã mấy chục năm trôi qua. Ông bà nội lần lượt qua đời, một thời gian, không hiểu sao cây cóc trở nên úa tàn, vàng vọt khẳng khiu. Người hàng xóm nói rằng lúc ông bà nội qua đời, do không đeo tang vào thân cây nên cây buồn bã héo úa. Tôi không tin lời nói của người hàng xóm. Tôi chỉ im lặng, nhớ ông bà nội.

Tôi trưởng thành có cuộc sống riêng nơi phố thị. Thỉnh thoảng tôi về quê, cây cóc vẫn còn đó, nhưng cây không cho quả, mà cây chỉ nở hoa trắng, trắng tinh khôi đến kỳ lạ, những đêm trăng rằm, hương hoa nồng nàn, đầy thổn thức dưới ánh trăng vằng vặc.

Có lần tôi ghé chợ phố, mua đồ về quê làm giỗ bà nội. Bỗng dưng tôi thấy chiếc lếp treo đong đưa ở cửa hàng xén, tôi ghé xem, đúng chiếc lếp của ông bà nội vì có khắc chữ.

Tôi nhớ hôm đó trời không mưa mà sao mắt tôi ướt nhòe?

LÒ DUY BƯU

;
;
.
.
.
.
.