Từ những điều nhỏ bé…

.

Hồi còn ở trọ mỗi lần chuyển chỗ mới tôi thường nhìn trước ngó sau để sống. Nhìn xem hàng xóm bốn bề xung quanh tính cách thế nào, nết ăn nết ở ra sao? Xem có con đường nào ra chợ ngắn nhất? Có quán nào đa dạng hàng hóa giá cả phải chăng? Chỗ nào sửa xe? Chỗ nào may đo quần áo? Hiệu thuốc gần nhất nằm ở đoạn nào? Để lúc cần không phải loay hoay kiếm tìm, dắt tới dắt lui khi xe hỏng. Hay tối muộn con ốm sốt hoang mang không biết còn hiệu thuốc nào mở cửa hay không?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chợ thường là nơi đàn bà tới lui để làm ấm cho căn bếp nhà mình. Nên mỗi lần đến một nơi ở mới tôi luôn háo hức, tò mò và e dè trước chợ. Chợ cũng là nơi luôn khiến tôi cảm động bởi những điều nhỏ bé. Như chị hàng thịt lúc nào thấy tôi tay xách nách mang một đống đồ lỉnh kỉnh, chị luôn chủ động lấy một túi loại to, mở sẵn ra bảo: “Em cho tất vào đây xách cho đỡ cực”. Như bà cụ bán rau hay ngồi thu lu trên lối đi chật hẹp nhưng lòng thì rộng lượng. Gánh rau của bà chỉ lèo tèo vài thứ, vườn nhà có gì thì hái bán. Nhưng lần nào cũng dúi thêm cho khách mấy cọng hành, quả khế chua về rang tép, hoặc ít cà chua “xấu nhưng mà sạch” - cụ vừa nói vừa cười móm mém. Nên hôm nào rẽ vào chợ, tôi cũng đi qua dãy hàng rau xanh mướt để tìm đến cụ. Rau của cụ có khi già, lá sâu bọ, úa vàng, nhưng vì mê cái tính xởi lởi của cụ mà luôn mua ở đó. Chẳng phải vì mấy cọng hành, nhúm rau thơm cụ dúi thêm đâu. Mà là vì thấy cụ là thấy quê, thấy bà, thấy mẹ. Thấy được cái chân chất thật thà của những người nông dân cả đời sống hiền từ như đất.

Phải chăng ở đời chỉ có sự tử tế mới níu chúng ta lại với nhau. Không có sự tử tế nào nhỏ nhoi, nhưng sự tử tế được nhen lên từ những điều bé nhỏ…

Một buổi mang cơn bực dọc từ chợ về nhà, bạn gọi bảo: “Tớ sẽ không bao giờ quay trở lại hàng rau ấy nữa”. Dù trước đó bạn là khách ruột, từng tin tưởng gọi ship rau tận nhà mà không cần ghé tận nơi chọn lựa. Có lần dính mớ rau hỏng, vài quả cà chua đã nhũn bạn cũng không tính toán vì cho rằng chuyện bán mua có lúc này lúc khác. Ấy thế nhưng hôm đó trời mưa, trên đường đón con đi học về bạn ghé qua để mua ít củ gừng. Lúc dừng xe mới nhớ ví đã để trong cốp, túi áo chỉ còn vài nghìn lẻ nên bạn chỉ mua tạm năm ngàn lẻ tiền gừng. Cứ ngỡ khách quen, ai ngờ chị chủ khó chịu bảo “mua ít không bõ bán”. Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ đến hiệu sách gần nhà mà tôi thường xuyên qua đó mua đồ dùng học tập cho con và hay giới thiệu cho phụ huynh lớp các con. Một lần vào in tài liệu, chủ quán thấy in ít liền không vui vẻ gì bảo tôi ngồi đợi. Dù trước đó tôi cũng đã cậy nhờ “em in ít chẳng bõ công anh mở máy, anh lấy bao nhiêu em xin gửi”. Vì là việc gấp nên tôi rất sốt ruột hỏi anh có phải đợi lâu không? Anh thủng thẳng trả lời “chắc phải hai tiếng nữa”. Lúc đó trong tôi trào lên thứ cảm xúc khó tả. Và tôi không bao giờ rẽ vào hiệu sách ấy thêm một lần nào nữa.

Sau quãng đời ở trọ tôi còn lại được gì? Chắc chắn tôi không còn nhớ hết những ngõ ngách ngoằn ngoèo, hàng cây, quán xá mình từng đã đi qua. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ bà cụ ngồi co lại giữa lối đi nhỏ trong khu chợ ấy, xởi lởi với bất kỳ ai từng ghé mua hàng. Sẽ nhớ ông chủ nhà thường bật thêm một bóng đèn ngoài cổng, ánh sáng tỏa ra con ngõ nhỏ tối tăm để mọi người đi lại dễ dàng. Nhớ cả người hàng xóm gặp nhau lần nào cũng chỉ gật đầu chào, nhưng thấy tiếng trẻ nhỏ ho là gõ cửa cho hũ chanh đào ngâm để dành trong nhà từ mùa trước. Phải chăng ở đời chỉ có sự tử tế mới níu chúng ta lại với nhau. Không có sự tử tế nào nhỏ nhoi, nhưng sự tử tế được nhen lên từ những điều bé nhỏ…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.