Dấu ấn khu hỏa xa Đà Nẵng

.

Ga Đà Nẵng là nhà ga trung tâm của tuyến đường sắt Bắc - Nam và cũng là nhà ga lớn nhất khu vực miền Trung. Năm 1905, Pháp xây dựng ga Đà Nẵng với mục đích vận chuyển, lưu thông hàng hóa và vơ vét của cải Đông Dương đưa về Pháp.

Cũng thời gian này, phong trào đấu tranh của công nhân khu hỏa xa phát triển mạnh, tạo nền móng xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên trong hệ thống các xí nghiệp tại Đà Nẵng.

Đầu hỏa xa, một trong những dấu tích khu hỏa xa Đà Nẵng xưa. Ảnh: H.L
Đầu hỏa xa, một trong những dấu tích khu hỏa xa Đà Nẵng xưa. Ảnh: H.L

Để thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đúng 8 giờ ngày 26-8-1945, khi tiếng còi thường ngày ở bưu điện vang lên cũng chính là tín hiệu cho lệnh tổng khởi nghĩa tại Đà Nẵng. Ở nhà ga xe lửa, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để chuẩn bị thực hiện lệnh toàn quốc kháng chiến, công nhân hỏa xa và công nhân công chính tổ chức chế tạo vũ khí, rèn dao găm, mã tấu, các loại kiếm trường, lưỡi lê, gươm giáo và nghiên cứu sản xuất lựu đạn, mìn, súng. Từ 21 đến 24-12-1946, Tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn 96 cùng với Chi bộ Hỏa xa Đà Nẵng lãnh đạo lực lượng tự vệ và công nhân hỏa xa dũng cảm đánh trả quyết liệt quân đội Pháp. Đặc biệt, từ 1947 đến 1955, tại hỏa xa đã tổ chức nhiều vụ phá hoại, chiếm đoạt theo phương châm “phá hoại kinh tế địch, bồi dưỡng lực lượng ta”.

Hỏa xa Đà Nẵng là một trong những lực lượng tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh chung của công nhân và nhân dân thành phố. Hiện nay, tại nhà ga Đà Nẵng, thành phố đã dựng bia di tích tưởng nhớ với nội dung “Tháng 3-1940, Chi bộ Đảng của Đề-pô xe lửa được thành lập. 7 giờ ngày 26-8-1945, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại cột cờ Đề-pô xe lửa. Công nhân cứu quốc và tự vệ hỏa xa chế tạo vũ khí đầu tiên tại Đà Nẵng. Thực hiện lệnh toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), cùng với các tiểu đoàn 18 thuộc Trung đoàn 96, Chi bộ Đảng lãnh đạo lực lượng tự vệ và công nhân hỏa xa đã dũng cảm đánh trả quyết liệt với giặc Pháp, mở đầu cho nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.