Thầy và trò và chiến trận

.

Có đến hai lần Xavi trực tiếp đề cao năng lực và giá trị của thầy Luis Enrique khi trả lời báo giới sau trận tứ kết lượt đi Champions League - trận đấu mà đội Barcelona của anh giành chiến thắng 3-2 trước chủ nhà Paris Saint-Germain ngay tại sân Công viên Các hoàng tử.

“Chúng tôi vừa trải qua cuộc thư hùng tuyệt vời và thắng được một trong những đội bóng hay nhất thế giới” là câu mở đầu như lời tán dương thẳng thắn mà Xavi dành cho đối thủ. Gần cuối cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về các tính toán cho trận lượt về, huấn luyện viên trưởng của Barcelona không quên lặp lại đánh giá này trước lúc phác họa qua loa các bước chuẩn bị cho cuộc đối đầu: “Chúng tôi nhận ra mình ngày càng tiến bộ để bây giờ có thể đương đầu sòng phẳng và cạnh tranh ngang ngửa với một CLB vốn được chăm chút nhằm hướng đến ngôi quán quân Champions League như Paris Saint-Germain”.

Xavi và Enrique thời còn ở Barca. Ảnh: Getty
Xavi và Enrique thời còn ở Barca. Ảnh: Getty

“Đội bóng hay nhất thế giới”, “CLB được lập nên để nhắm đến chức vô địch châu Âu”. Dành cho đối phương những từ này, chắc chắn Xavi dựa trên hành trình thực tế cùng mục tiêu và khát vọng của Paris Saint-Germain nhiều năm qua. Anh không ngây thơ để khiến thiên hạ chê mình dùng ngoa ngữ. Xavi thật lòng, anh nói với giọng trân trọng để thêm một lần ngưỡng mộ tài năng, phẩm hạnh của người thầy từng gần gũi, yêu thương trong nhiều năm dẫn dắt mình ở Nou Camp. Ca ngợi thầy - trong trường hợp này - phải chăng là tự khen mình? Có người đặt nghi vấn như thế theo thói quen suy luận sân cỏ: để thắng được người giỏi thì mình phải giỏi hơn. Với một người hiền hậu, hiểu mình hiểu người, từng nếm trải bao thăng trầm trong tư cách cầu thủ lẫn người huấn luyện như Xavi thì chuyện này dường như hiếm khi xảy ra ở cựu tiền vệ của Barcelona.

“Mới được nửa đường thôi, dù chúng tôi thắng trên sân nhà của họ. Hãy còn trận lượt về và chớ quên Paris Saint-Germain được đánh giá giỏi hơn Barca. Còn tràn đầy ở họ chất sắc bén, nguy hiểm!”, giọng Xavi chân tình với ánh nhìn xa xăm. Người nghe cảm nhận từ giọng nói và ánh nhìn ấy của anh sự tôn kính, không chỉ dành cho đối thủ xứng tầm mà còn với người thầy từng gắn bó với mình trong tháng ngày khoác chung màu áo.

Lá thăm tinh quái đẩy thầy trò họ vào cảnh đối địch sống còn để giành vé vào vòng bán kết sân chơi danh giá nhất. Những gì thơ mộng thắm thiết bên nhau dưới mái vòm Nou Camp năm xưa đành bỏ lại phía sau để cả hai tập trung cho mục tiêu cao cả đi sâu với giải đấu mà cả Paris lẫn Barcelona đều đưa lên hàng đầu. Với đội bóng Pháp, đó là khát vọng khẳng định chỗ đứng trên bình diện toàn cầu; với CLB xứ Catalan, đó là dấu mốc giúp mình thoát hẳn ám ảnh tháng ngày gian truân, nhiều năm rồi trắng tay trên đấu trường châu lục. Chiến thắng ở sân Công viên Các hoàng tử ngày 11-4 mở cánh cửa khá thênh thang cho Barcelona nhưng Xavi và nhiều người bên anh vẫn dè dặt kiệm lời. Ngoài sự tôn quý dành cho người thầy hẳn còn những cảnh giác cần thiết từ quá khứ ê chề. Hồi ức cay đắng thắng lượt đi nhưng thua lượt về và bị loại bởi AS Roma mùa 2017-2018 và bởi Bayern Munich mùa 2019-2020 làm sao mà quên được!

Sân Olympic ở Barcelona ngày 17-4 vì thế hứa hẹn nhiều xúc cảm, vượt lên những mong đợi của cuộc tranh tài lượt về xác định chủ nhân chiếc vé vào bán kết. Đó là cuộc đương đầu giữa hai đại biểu có cùng khát vọng làm mới mình, vừa khẳng định chỗ đứng bền vững vừa tìm lại các giá trị truyền thống. Sâu trong từng đường bóng, từng pha tranh chấp giữa hai màu áo bữa ấy còn sống động một ân tình: cậu học trò Xavi gặp lại người thầy cũ Enrique ngay trên mặt cỏ năm xưa hai thầy trò từng ríu rít nói cười.

Chắc chắn thầy và trò lại ôm nhau dù chiếc vé bấy giờ chỉ về túi một người.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.