Ngày 9-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện. Một trong ba căn cứ cho việc ra đời Quy định 144 QĐ/TW là nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ |
Phải nhắc lại một điều hết sức quan trọng rằng, trong 3 nhiệm kỳ gần đây (Đại hội lần thứ XI, XII và XIII), Đảng ta đều chọn hội nghị Trung ương 4 - hội nghị đầu mỗi khóa - để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ sự khai phá, nhìn thẳng vào những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2011), đến nay công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, quyết liệt, giải quyết đúng những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”… Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Trung ương kiên quyết thực hiện với hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử.
Trong bối cảnh niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng cao, người dân hết mực ủng hộ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại có những ý kiến xuyên tạc, bóp méo sự thật. Việc kiên quyết xử lý “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật, vướng vòng lao lý cũng ít nhiều nảy sinh tâm lý e dè, ngại ngần trong tiến hành công việc, trong nghĩ suy chừng mực. Vậy nên, việc ban hành quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới là hết sức kịp thời và cần thiết.
Thực ra, quy định gồm 6 điều hết sức cô đọng, ngắn gọn, dễ nhớ này không có gì xa lạ với mỗi người dân, nhất là với mỗi cán bộ, đảng viên. Thử hỏi, có cán bộ, đảng viên chân chính nào không yêu nước, không tôn trọng nhân dân, không tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc (điều 1). Sở dĩ phải nhắc lại, phải ban hành thành quy định là bởi đã có những sự xao nhãng, lơ là nhất định trong công việc, trong cuộc sống, trong sự ứng xử với nhân dân. Điều này cũng không có gì quá đặc biệt, bởi ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, những con người không như mong muốn, làm những việc không như ý vẫn xuất hiện, tồn tại, do những nguyên nhân khác nhau. Vấn đề là chúng ta phải nhận diện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, tránh những mối nguy hại cho đơn vị, địa phương, đất nước.
Mỗi người sinh ra đều có quê hương bản quán, có quốc tịch. Không ai đang tâm từ chối nguồn gốc của mình cả. Vậy thì không lý do gì mà không yêu nước, không tự hào dân tộc, không tôn trọng nhân dân, không tuyệt tối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Đó là sự cố kết dân tộc, là sự đùm bọc thương yêu lẫn nhau, là chung mục đích phấn đấu vì Tổ quốc đẹp giàu. Là sẵn sàng đồng cam cộng khổ, chung sức đồng lòng vượt qua mọi phong ba bão táp, những trở ngại, rào cản để đạt được mục đích đề ra. Và tất nhiên, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đòi hỏi sự thay đổi để thích nghi cho phù hợp, đặt nền móng cho những tiến bộ mới. Trong bối cảnh hiện nay, việc đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có được bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập (điều 2) là tất yếu. Trước những yêu cầu mới với thử thách mới đặt ra, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải trui rèn cho mình bản lĩnh cách mạng, sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm, để có thể mạnh dạn nghĩ khác, làm khác (tất nhiên phải phù hợp, đúng pháp luật) nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Với những điều khác cũng tương tự, xin nhắc lại là không có gì xa lạ, mới mẻ, chỉ là cần thiết phải nhắc lại, phải siết chặt kỷ cương, phải đổi thay cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Đó là những sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (điều 3); đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm (điều 4); gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời (điều 5).
Đến đây, xin được nói thêm về vấn đề chuẩn mực đạo đức. Chúng ta thường hay nghe rằng xã hội nói chung, con người nói riêng có những chuẩn mực nhất định về lối sống, phong cách làm việc, sự ứng xử hằng ngày. Chúng ta cũng dễ dàng nói về đạo đức của mỗi cá nhân và những giá trị để “đo đếm”, định lượng sự đạo đức ấy. Tất nhiên, đạo đức không dễ quy đổi ra đơn vị đo lường cụ thể, đạo đức cũng đặt trong bối cảnh, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Thế nhưng, việc lượng hóa cụ thể những chuẩn mực đạo đức như nêu rõ tại Quy định số 144- QĐ/TW là hết sức căn bản, cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên trên toàn quốc, ở mọi lĩnh vực, mọi môi trường, điều kiện sống đều có thể dễ dàng hình dung, áp dụng vào trong công việc và cuộc sống là hết sức cần thiết. Đó phải được xem như là những tiêu chuẩn, quy tắc bắt buộc phải được tuân thủ, phải được thực hiện thường xuyên, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, quán triệt, thực hiện triệt để, hiệu quả.
Là mỗi cán bộ, đảng viên, là những người yêu nước chân chính, chúng ta hào hứng với sự chuẩn hóa, lượng hóa với những quy định rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Nhân dân luôn mong “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, luôn trông chờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng - một đảng cầm quyền “lấy dân làm gốc”, dựa vào nhân dân và mọi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng đều phấn đấu vì nhân dân. Tất nhiên, trong quá trình thực tiễn hoạt động cách mạng, không phải cán bộ, đảng viên nào cũng luôn thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao. Thế nên, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, việc tăng cường, siết chặt, đề ra những giải pháp phù hợp là điều hết sức cần thiết. Và khi mỗi cán bộ, đảng viên không nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức cách mạng được ban hành, việc nhắc nhở, răn đe, xử lý là điều hết sức cần thiết, để tránh xảy ra những sai sót, vi phạm ở các cấp độ khác nhau. Và hẳn nhiên, nếu được chỉ rõ, xử lý kịp thời thì những sai phạm có thể mắc phải sẽ nhẹ hơn rất nhiều khi chúng ta cố ý lờ đi, bỏ qua, sẽ tích tụ như căn bệnh nan y, dễ gây ra những hậu họa khôn lường.
NGUYỄN TRI THỨC