Người hội tụ của những nguồn ánh sáng

.

Tiếp cận Bác là tiếp cận với chân lý, mà chân lý thì bao giờ cũng thanh cao, giản dị và sâu sắc. Có thể thấy, phong thái, đức độ của Người chung đúc những gì tinh hoa nhất của đất nước, dân tộc và thời đại. Do đó, phản ánh bằng cách gì, như thế nào vẫn là niềm băn khoăn của nhiều nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ, trong điều kiện chủ quan và khách quan, đều có cách nhìn, cách cảm về đề tài này. Chế Lan Viên cũng vậy.

Chủ tịch  Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam Bộ tại chiến khu Việt Bắc (10-1949).   Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam Bộ tại chiến khu Việt Bắc (10-1949). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Viết về Bác với tư thế người lính xông ra trận địa, nhà thơ luôn chọn những thời khắc lịch sử lớn lao của dân tộc, hiện hữu và đồng thời với những Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên, so sánh hôm qua và hôm nay, từ đó, nâng tầm vị trí của dân tộc. Về phương diện này, Chế Lan Viên tạo được nét riêng khi khắc tạc chân dung Bác Hồ, luôn tìm thấy ở Bác một nguồn cảm hứng lớn cho thơ ca.

Sự vĩ đại trong tư tưởng và tâm hồn của Bác qua thơ

Xuyên suốt nhiều bài thơ, với cái nhìn chính luận, sắc sảo và độc đáo, Chế Lan Viên, qua quá trình sáng tạo, đã tiếp cận chân dung Hồ Chí Minh dưới nhiều góc nhìn, nhiều thời điểm quan trọng của lịch sử, của tiểu sử nhân vật. Đó là Người đi tìm hình của Nước, Nắm đất biên thùy (Cách mạng, chương đầu), Nhà tiên tri (Thấy từ lúc ấy), Vị tướng (Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người), Nhà nhân văn chủ nghĩa (Trận đánh của tình thương), Người nghệ sĩ (Đọc văn Người), Người ông các cháu (Trung thu 69), Người viết Di chúc (Di chúc của Người), Người trồng cây cho đời (Lộc của đời). Mỗi góc nhìn, Chế Lan Viên nhận ra: "Người hội tụ của những nguồn ánh sáng/ Cánh phượng hoàng bão giông của những trời cách mạng" (Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người)

Có thể nói, ở những giờ phút quan trọng đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc, sẽ không ai nói hay hơn Chế Lan Viên về sự lựa chọn của chủ thể lịch sử. Ở đó, nhà thơ không chỉ nhận ra dáng hình Tổ quốc, tương lai dân tộc, mà còn nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam: "Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/ Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/ Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vin hoa cho 25 triệu con người (Người đi tìm hình của nước).

Chế Lan Viên viết về Bác không chỉ hay và sâu sắc trong tiếp cận hình tượng, điều quan trọng là, nhà thơ phát hiện tài tình về sự vĩ đại trong tư tưởng và tâm hồn của Bác, một vẻ đẹp vừa mang yếu tố truyền thống vừa mang ý nghĩa thời đại. Chế Lan Viên viết hay về những năm tháng bôn ba xứ người, tìm đường đi cho dân tộc với bao chịu đựng gian khổ, giữ vững ý chí, quyết tâm: "Từng xông pha từ bão tuyết châu Âu đến tù ngục phương Đông/ Một viên gạch hồng, một trái tim hồng/ Một chân lý hồng, một ngọn cờ hồng làm sức mạnh" (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Qua Bác, từ Bác, Chế Lan Viên nhận ra người đánh thức tiềm năng, làm sống dậy những tinh hoa dân tộc: "Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia/ Ta nghe bừng tỉnh dậy/ Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường/ Ðiệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy/ Bức tranh làng Hồ và cô tố nữ dáng quê hương/ Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất/ Nghe trong tay trở dậy những thành đồng/ Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc/ Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong" (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).

Thiêng liêng trang viết của Bác

Những trang viết của Người, bao giờ cũng giản dị, dễ hiểu, đều hướng về lợi ích chung, liên quan đến vận mệnh dân tộc và số phận của mỗi con người: "Bác viết cho người mù chữ nghe và hiểu được/ Bác muốn cầm trên tay không nặng lắm tuổi tên Người/ Người không muốn trang sách hóa thần, nhân dân quỳ để đọc/ Dẫu tuyệt bút thi, thư, cũng là con đẻ của đời" (Đọc văn Người).

Ngay trong những ngày mừng thọ (19-5), Bác bình tâm viết Di chúc. Phút giây ấy, Chế Lan Viên thể hiện thật tình cảm: "Bác bình yên viết Di chúc ngay giữa ngày sinh nhật/ Khi non sông đang chúc thọ Người/ Bác viết Di chúc sáng nay trầm tĩnh trong lòng/ Trong suốt lời văn. Bác sửa từng dấu chấm câu, dấu phẩy" (Di chúc của Người).

Nhiều tứ thơ lạ, nhiều cách chiếm lĩnh hiện thực sáng tạo, nhiều hình ảnh nghệ thuật độc đáo, song, lại gần gũi với nhân vật trữ tình. Đó là đặc điểm thơ Chế Lan Viên khi viết về Bác. Đây là những giây phút thiêng liêng trong cuộc đời của Bác mà Chế Lan Viên thể hiện đầy cảm xúc: "Bác nhìn đau đáu mũi Cà Mau giờ nhắm mắt" (Bác vẫn còn đây); "Bác sống cùng ta một số ngày trên trái đất/ Rồi sẽ qua như tất cả mọi thiên tài" (Giờ phút chót); "Thôi các em từ nay lớn trong đời không gặp Bác/ Chỉ còn có vầng trăng và điệu hát kết đoàn" (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối); "Nhân loại biếc màu xanh Người để lại/ Trong thế giới bạo tàn này, Người là những bóng cây xanh" (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người).

Một chủ nghĩa nhân văn mới, một trái tim hồng cho Tổ quốc, một ngọn cờ chân lý, một sẻ chia ân nghĩa: "Những trận đánh và ngọn cờ chân lý/ Giữa sự vật ngả nghiêng và nhân thế đổi dời" (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người); "Đây bát cơm ngô qua ngày bệnh yếu/ Bác chia cùng dân tộc giữa lầm than" (Cách mạng, chương đầu).

Với chủ đề về Bác, Chế Lan Viên là nhà thơ thể hiện thành công phẩm chất, đức độ của Người, chung đúc những gì tinh hoa nhất của đất nước, dân tộc và thời đại. Nhà thơ đã thấy ở Người phong thái của một nhà hiền triết phương Đông với cõi thơ cao khiết: "Buông cần câu trên dòng suối thời gian/ Làm những bài thơ mở đầu bằng sắc núi/ Xanh xanh /Ta lẫn Bác với màu trời và giọt lệ/ Với hương mộc trong đêm và lộc nõn trên cành...".

Chế Lan Viên là nhà thơ có những đóng góp xuất sắc khi viết về chủ đề Bác Hồ. Sự khám phá về mặt ngôn ngữ, về mặt xây dựng hình tượng đã làm nên một tượng đài về Bác trong văn học Việt Nam đương đại.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.