HIỆP ƯỚC ỨNG PHÓ ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU

Nguy cơ lỡ hẹn!

.

Vòng đàm phán bổ sung vừa diễn ra từ ngày 29-4 đến 10-5 ở Geneva (Thụy Sĩ) để 194 nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tìm kiếm sự đồng thuận cho hiệp ước ứng phó đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới có thể lỡ hẹn với “hiệp ước đại dịch” khi các nước chưa thể thu hẹp những bất đồng.

Hơn hai năm Covid-19 cho thấy thế giới thiếu sự chuẩn bị và ứng phó với một đại dịch. Ảnh: AP
Hơn hai năm Covid-19 cho thấy thế giới thiếu sự chuẩn bị và ứng phó với một đại dịch. Ảnh: AP

Năm 2021, thời điểm số ca tử vong do Covid-19 lên tới hàng triệu người và hệ thống y tế thế giới rơi vào khủng hoảng, WHO đưa ra sáng kiến về một hiệp ước toàn cầu để ứng phó đại dịch. Hiệp ước sẽ giúp các nước kiểm soát đại dịch tốt hơn và đưa ra cách ứng phó hiệu quả nếu “mối đe dọa” tương tự bùng phát trong tương lai.

Dự phòng “những điều tồi tệ”

Một báo cáo năm 2021 từ một hội đồng độc lập thuộc WHO đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng trong quá trình chuẩn bị và ứng phó Covid-19. “Sự chuẩn bị không nhất quán và thiếu kinh phí. Hệ thống cảnh báo quá chậm và quá yếu ớt. Hơn nữa, phản ứng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và vắng mặt vai trò lãnh đạo chính trị toàn cầu…”. Tất cả những điều này kết hợp lại thành “một loại cocktail độc hại, tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với con người”.

“Hiệp ước đại dịch” là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai kể từ năm 2022. Ông bắt đầu chủ trì đàm phán về “hiệp ước đại dịch” vào tháng 12-2021 với mong muốn đặt ra các nguyên tắc mang tính cam kết cao nhằm tăng cường sự đoàn kết, công bằng giữa các nước thành viên của WHO khi ứng phó đại dịch. “Hiệp ước đại dịch” ra đời sẽ chấm dứt tình trạng các nước giàu mua đủ vắc-xin cho toàn bộ dân số của họ, trong khi các nước thu nhập thấp và trung bình có rất ít hoặc không có vắc-xin.

Ông Tedros tuyên bố: “Hiệp ước đại dịch” sẽ giải quyết sự bất bình đẳng nhức nhối đó, cùng nhiều vấn đề khác được xác định trong những năm xảy ra Covid-19, giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. “Có những nguy cơ dù chúng ta chưa biết nhưng hoàn toàn có thể xảy ra và vấn đề chỉ là thời gian. Chúng ta phải dự phòng những điều tồi tệ sắp tới”, Tổng Giám đốc WHO lý giải.

Sau 8 vòng đàm phán gây tranh cãi ở Geneva, thỏa thuận tiến gần vạch đích. Ngày 7-3-2024, WHO gửi văn bản dự thảo đến các quốc gia thành viên nhằm chuẩn bị một vòng đàm phán nữa từ ngày 18-3. Cuối tháng 5, dự thảo cuối cùng sẽ được trình tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới để phê duyệt.

Tuy nhiên, những chia rẽ sâu sắc vẫn tồn tại xung quanh bản văn dài 31 trang. Các nước đang phát triển cho rằng, thỏa thuận này không mang lại sự bảo đảm đủ mạnh mẽ để họ sống tốt hơn trong đại dịch tiếp theo. Theo bà Alexandra Phelan - chuyên gia y tế toàn cầu tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ), việc không đạt được thỏa thuận sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng. “Hiệp ước này lấp đầy nhiều khoảng trống và thực sự quan trọng vì nó xây dựng niềm tin giữa các quốc gia về việc đặt ra những kỳ vọng và chuẩn mực”, bà Phelan nói.

Nhiều rào cản

Phần gây tranh cãi nhất của thỏa thuận là vấn đề tiếp cận và chia sẻ tài nguyên trong trường hợp xảy ra đại dịch. Các nước tranh luận xung quanh cách thức chia sẻ thông tin về các mầm bệnh được phát hiện, các sản phẩm y tế như vắc-xin, phương pháp điều trị và nguồn lực tài chính để ứng phó đại dịch.

Bản dự thảo mới tập trung vào việc thiết lập khuôn khổ cơ bản, chuyển các vấn đề khó thống nhất sang cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra vào năm 2026. Trong đó, đáng chú ý vẫn là Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh (Pathogen Access and Benefit-Sharing System - PABS). Để có quyền truy cập dữ liệu PABS, các nhà sản xuất thiết bị chẩn đoán, điều trị và vắc-xin được yêu cầu cung cấp 10% sản phẩm miễn phí và 10% sản phẩm với giá phi lợi nhuận “trong những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.

Các công ty dược phẩm không hài lòng. Trong một tuyên bố hồi tháng 3, Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) nhấn mạnh: “Các nhà khoa học cần truy cập vào dữ liệu vô điều kiện để nhanh chóng phát triển các biện pháp đối phó an toàn và hiệu quả”. Nhiều nước đang phát triển cũng cho rằng, dự thảo chưa đi đủ xa và các chi tiết còn mơ hồ.

Ông Gian Luca Burci - nhà nghiên cứu luật quốc tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển và quốc tế ở Geneva cho biết, một “mặt trận” do Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Thụy Sĩ dẫn đầu đã cố gắng ngăn chặn sự thống nhất về PABS. “Đây là những quốc gia có các công ty dược phẩm lớn đang vận động hành lang để cứu vãn lợi nhuận”, ông Burci nói.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark bày tỏ sự thất vọng. Bà cho rằng, các nước thành viên của WHO nên tự hỏi họ có thực sự nỗ lực hướng tới một thỏa thuận bảo đảm việc quản lý các mối đe dọa đại dịch trong tương lai có tính hợp tác hơn, nhanh hơn, suôn sẻ hơn và công bằng hơn hay không.

Thế giới vẫn chờ một khuôn khổ toàn cầu ngăn ngừa đại dịch. Nhà dịch tễ học người Mỹ - bác sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) nhận định: “Điều đặc biệt quan trọng là các quốc gia phải hợp tác cùng nhau và làm việc trên nhiều lĩnh vực. Vẫn còn có cơ hội hợp tác và hợp tác, ngay cả trong một thế giới bị chia cắt”.

KHÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.