LẮNG NGHE DI SẢN

Giữ hồn cho phố

.

Không có công trình, đền đài nào chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần. Bởi ngoài ý nghĩa về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị, chúng còn có ý nghĩa về mối quan hệ giữa người với người khi đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình tái thiết đô thị không chỉ giữ “hồn” cho phố mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa cho đời sau.

Tòa nhà Công ty Shell Cerde de Torance (nay là Trụ sở 44 Bạch Đằng) có kiến trúc kiểu Pháp sau khi được trùng tu, bảo tồn. Ảnh: Đ.H.L
Tòa nhà Công ty Shell Cerde de Torance (nay là Trụ sở 44 Bạch Đằng) có kiến trúc kiểu Pháp sau khi được trùng tu, bảo tồn. Ảnh: Đ.H.L

Đi tìm nét cổ trong nội đô

Trong chiến dịch quy hoạch lại thủ đô Paris vào những thập niên cuối thế kỷ trước, Tổng thống Pháp François Mitterrand nói rằng: “Quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị di sản của sự biết toan tính lo liệu trước. Ta hãy tôn tạo nó, vì tương lai không thể tự đến mà ta phải chuẩn bị cho nó…”. Các thành phố trên thế giới như Jerusalem, Paris, Bắc Kinh… sở dĩ thu hút du khách bởi ở đó người ta cố gắng giữ gìn từng cột gãy, từng mảng tường rêu phong, từng góc phố… vốn dĩ làm nên bản sắc của thành phố. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên cái hồn cho đô thị ấy.

Rong ruổi trên những con đường khang trang sạch đẹp trong nội đô thành phố Đà Nẵng, chúng tôi thấy thấp thoáng đâu đó những ngôi nhà có kiến trúc cổ xưa giữa những tòa nhà hiện đại, khiến lòng lắng lại và hoài niệm. Qua đó, hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của một đô thị bên bờ sông Hàn thơ mộng. Chia sẻ về điều này, bà Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, sau năm 1945, thành phố Đà Nẵng có những biến động về khí hậu, chiến tranh, thiên tai… nên quỹ di sản kiến trúc bị hao hụt dần.

Sau năm 2000, một số công trình còn lại bị biến dạng và hủy hoại do bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, những chủ sở hữu nhà cổ tư nhân lại không có chuyên môn bảo tồn tài sản của mình. Chẳng hạn như họ chuyển nhà lợp ngói âm dương sang lợp tôn đã làm mất đi 50% giá trị ngôi nhà cổ. Đây là những vấn đề bức bách cần sự chung tay của Nhà nước và tư nhân để bảo tồn và gìn giữ.

"Ngoài những di tích đã được công nhận, hiện nay thành phố vẫn còn nhiều công trình di sản chưa được xếp hạng để bảo tồn, nhất là những ngôi nhà cổ tư nhân. Tuy nhiên, khi đưa các ngôi nhà cổ do tư nhân quản lý vào danh mục các công trình di sản cần được bảo vệ thì người dân lo ngại sẽ gặp những rào cản. Do đó, cần có tiếng nói chung giữa Nhà nước và chủ sở hữu để chung tay bảo tồn. Đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành kiểm kê 71 công trình có giá trị chưa được xếp hạng trên địa bàn thành phố, từ đó đề xuất Sở Xây dựng và các ban ngành liên quan tạo danh mục để bảo vệ theo Luật Kiến trúc”.

Phan Thị Xuân Mai, Trưởng phòng Quản lý di sản Bảo tàng Đà Nẵng

Hiện trên địa bàn thành phố có 71 công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng, trong đó có khoảng 22 công trình kiến trúc kiểu Pháp… và một số đình miếu, nhà cổ dân gian truyền thống vừa có giá trị kiến trúc vừa có giá trị lịch sử. Đối với những công trình kiến trúc có giá trị hiện đang là trụ sở các cơ quan Nhà nước thì đã được trùng tu theo nguyên tắc bảo tồn; còn những ngôi nhà cổ tư nhân thì người dân cơi nới theo nhu cầu sử dụng nên làm mai một một phần giá trị kiến trúc cổ.

Để bảo tồn những công trình kiến trúc này, từ năm 2020, ngành văn hóa xin chủ trương thành phố xây dựng đề án bảo tồn nhà cổ. Đến năm 2021, đề án này được tích hợp vào đề án bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã nỗ lực sưu tầm, sao chụp, lưu giữ các công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng để phục dựng khi có điều kiện. “Ngoài những di tích đã được công nhận, hiện nay thành phố vẫn còn nhiều công trình di sản chưa được xếp hạng để bảo tồn, nhất là những ngôi nhà cổ tư nhân. Tuy nhiên, khi đưa các ngôi nhà cổ do tư nhân quản lý vào danh mục các công trình di sản cần được bảo vệ thì người dân lo ngại sẽ gặp những rào cản. Do đó, cần có tiếng nói chung giữa Nhà nước và chủ sở hữu để chung tay bảo tồn. Đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành kiểm kê 71 công trình có giá trị chưa được xếp hạng trên địa bàn thành phố, từ đó đề xuất Sở Xây dựng và các ban ngành liên quan tạo danh mục để bảo vệ theo Luật Kiến trúc”, bà Mai chia sẻ.

Cần có sự lưu dấu của quá khứ

Dẫu biết rằng, sự phát triển của đô thị đồng nghĩa với việc có nhiều công trình hiện đại mọc lên, tuy nhiên việc lưu giữ những công trình kiến trúc cổ xưa không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa của thành phố, nhờ đó mà “hồn phố” được lưu giữ.

Khi tìm hiểu về tòa nhà số 12 Trần Phú (nay là trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng), chúng tôi được biết rằng, tòa nhà này có 2 khối nhà, trong đó, khối nhà bên trái là công trình kiến trúc Pháp theo phong cách Tân Cổ Điển, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc hình học theo kiểu đối xứng trên mặt bằng và mặt đứng, chi tiết sảnh đón ở chính giữa mặt đứng. Công trình được xây dựng năm 1907, là trụ sở Văn phòng thuế Hải quan (Bureau de Recette des Douanes). Đây là công trình nằm trong nhóm các công trình công cộng đầu tiên được người Pháp xây dựng ở khu trung tâm thành phố khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp sau Đạo dụ năm Mậu Tý (3-10-1888).

Với những giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc và lịch sử, Bảo tàng Đà Nẵng đã tham mưu Sở Văn hóa và Thể thao đưa công trình này vào Danh mục công trình có giá trị trình UBND thành phố. Còn khối nhà bên phải đã được xây dựng mới theo phong cách hiện đại nhưng vẫn hài hòa với khối nhà kiến trúc Pháp bên cạnh về hình khối kiến trúc, bố cục, vật liệu xây dựng và màu sắc.

Nói về ý nghĩa của việc lưu giữ và bảo tồn những công trình kiến trúc cổ, Nhà nghiên cứu Bùi Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, bất cứ một quốc gia hay địa phương nào cũng đều cần có sự lưu dấu của quá khứ, cho nên giá trị của những kiến trúc cổ vừa mang hồn cốt của quá khứ đồng thời cũng vừa là lịch sử bằng hiện vật. Một mảnh đất không có những di tích để lại thì mảnh đất ấy thiếu chiều sâu. Con người sống trên mảnh đất thiếu chiều sâu về lịch sử sẽ bị hụt hẫng về sự hưởng thụ văn hóa lịch sử. Vì vậy, người Đà Nẵng cần chắt chiu, có ý thức trách nhiệm với từng di sản, từng đền chùa miếu mạo, di tích lịch sử… Có như vậy chúng ta mới có được bộ mặt văn hóa của Đà Nẵng qua lăng kính các di tích lịch sử văn hóa.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.