Cảm hứng thế sự xuyên suốt "Thời máu xanh" (NXB Hội Nhà văn, năm 1999), qua giọng nói bộc bạch của một người để nói hộ cho nhiều người - những đồng đội cũ, nhất là những đồng đội vĩnh viễn không còn. Số phận của một người đã hòa vào số phận nhiều người, và những được mất của một người cũng là những được mất nhiều người, của cả một thế hệ. Với những nhà thơ thế hệ chống Mỹ, họ luôn ám ảnh bởi những gì đã trải nghiệm, những gì đã sống cùng đồng đội, cùng nhân dân trong những hoàn cảnh thắt ngặt nhất, cay đắng nhất.
Đi qua cuộc chiến tranh rồi, sống hòa bình rồi, bấy giờ cuộc chiến tranh mới đi qua anh, vò xé anh. Bởi có sống cuộc chiến tranh ấy, Nguyễn Thụy Kha mới tìm được gương mặt đích thực của anh, thơ của anh. “Thời máu xanh” là một ẩn dụ, như là ẩn dụ mà bất cứ ai từng trải qua Trường Sơn ngày ấy đều nhận ra ngay lập tức, như nhận ra gương mặt đồng đội, gương mặt chính mình, xanh xao, vàng vọt vì sốt rét, vì đói ăn đói ngủ, cứ như máu trong huyết quản mình đã chuyển sang màu xanh. Nhưng “màu xanh” ấy còn là trùng trùng hun hút những đoàn quân trang phục xanh, ngụy trang xanh ra trận mà mỗi người lính chỉ đơn giản như “mỗi giọt máu xanh - chảy lặng lẽ trên thân hình bán đảo…” (Máu xanh). Lúc ấy, cả Trường Sơn là sống-lưng-lính, giấu trong nó những huyết quản chảy rần rật dòng quân xanh, chảy đến tận ngón chân cái bám đầy bùn đất của Tổ quốc là mũi Cà Mau.
Nguyễn Thụy Kha không phải là nhà thơ thay đổi nhiều về thi pháp qua các tập thơ của mình. Cách đi của anh thường trực tuyến, và cách biến ảo, cái bất ngờ của thơ anh cũng trực tuyến. Cách “dừng bóng và đổi hướng bóng” bất ngờ có không ít trong thơ Kha, nhưng đó là những đường bóng thẳng. Nhà thơ, thực ra, rất gần và rất dễ đồng điệu với cầu thủ bóng đá chính là qua thi pháp được coi như một thứ kỹ thuật đi bóng, dắt bóng. Có điều, “khung thành” trong thơ thì lúc ẩn lúc hiện, và người làm thơ chẳng biết khi nào thì mình đưa được ngôn ngữ vào đúng dòng thơ, vào “lọt” bài thơ. Những “cú sút” ngôn ngữ trong thơ mang nặng dấu ấn thi pháp của từng nhà thơ. Với Nguyễn Thụy Kha, người ta lại dễ nhận ra cách “sút chữ” của anh: những đường bóng căng, không né tránh, những cú “vào bóng” quyết liệt, không sợ chấn thương. Ở điểm dễ bị chấn thương này, nhà thơ cũng rất giống cầu thủ bóng đá. Trung thực, mạnh mẽ, thơ Nguyễn Thụy Kha thu hút người đọc bởi “chất” nam tính rất mạnh. Có ai đề cao “nữ tính”, hay “âm tính” trong văn học, trong thơ, cứ như đó là điều kiện phải có để làm nên những tác phẩm hay.
Tôi nghĩ khác. “Âm tính” hay “ương tính” gì cũng được, miễn tác phẩm của anh là một thế giới riêng của anh. Mà đã là “thế giới” thì chắc chắn phải gồm cả “âm” lẫn “dương”, phải “nữ tính” đi kèm “nam tính” thì mới ra việc chứ? Nguyễn Thụy Kha có những câu thơ thật mạnh mẽ đi liền những câu chữ thật yếu đuối: “Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ máu các anh che chở những căn nhà/ em làm chi? Em xếp gạch đằng xa/ em ghép lại mặt trời mùa hè ấy/ hay rưng rưng tay nâng dòng máu chảy/ dĩ vãng trẻ măng, dĩ vãng binh nhì…”. Những dòng thơ ấy là “âm tính” hay “dương tính”, nam tính hay nữ tính?
Những xúc động, những phút yếu lòng đâu chỉ dành cho nữ, cho phái đẹp, và những phút trào dâng, những cơn mãnh liệt cũng không chỉ dành cho nam giới, cho “phái mạnh”. Thơ đi giữa hùng mạnh và yếu đuối, thơ chạm vào hai bờ, vin vào hai phía để làm nên chính mình. Nguyễn Thụy Kha cũng vậy, một người lính đa cảm bên trong một nhà thơ quyết liệt. Người ta thấy những cây sắn mì bình dị vô danh giữa Trường Sơn: “Khúc thân sắn đốt xương của đất/ chìm như sống lưng làm tươi da thắm thịt/ khúc thân sắn ống sáo thiên nhiên/ thổi xuống đất giai điệu đắng nghiêng” (Sắn Trường Sơn). Và cũng thấy cái vô danh hy sinh của những đời người: “Mẹ sững sờ trước cửa/ Tóc bạc nhòa sau lưng/ Vợ đã đành bước nữa/ Con trai nép bên tường” (Người lính mùa xuân về).
Cái ngơ ngác của người lính sống sót trở về sau khi đã có giấy báo tử, một cuộc trở về không có ai đợi nữa, như người dân đã cắn răng nuốt nước mắt “Quen vắng anh từ lâu”. Với những câu thơ như thế, thật khó để nói Nguyễn Thụy Kha là yếu đuối hay mạnh mẽ. Chỉ biết, anh đã được là chính mình khi làm thơ, khi đối diện với trang giấy trắng. Một tập thơ viết tuyền về người lính, vậy mà khi đọc ta lại có cảm giác như đang đọc một tập thơ tình. Còn hơn là một tập thơ tình réo rắt những “em”, “anh”, những nụ hôn hoa hồng và các thứ, đây là một tập thơ viết về tình đồng đội trong chiến tranh và sau chiến tranh, người đọc vẫn có khi rưng rưng nước mắt… Có một Nguyễn Thụy Kha “yếu đuối” trong thơ, và chính qua những phút “yếu đuối” như thế mà người lính trưởng thành, rắn chắc, bình tĩnh. Họ sẵn sàng đón chờ tất cả, kể cả cái chết: “Các anh trong veo như mưa/ nhập ngay về đất/ khi người lính tự nguyện chết/ họ đâu biết ai còn sống hôm nay” (Trước nghĩa trang Núi Bút).
Ẩn sau những câu thơ chừng như đơn giản ấy là những cơn sóng ngầm dữ dội mà người làm thơ không hề muốn che kín. Số phận người lính là vậy, họ chấp nhận chịu mọi thiệt thòi, chấp nhận vô danh như những hạt mầm: “Hạt dẻ nằm trên cỏ như mơ/ nằm lẫn vào lính ngủ” (Nghe tiếng rao hạt dẻ).
Và thơ đã đến với họ, như một lẽ đương nhiên. Nơi nào thiệt thòi nhất, cay đắng nhất, nơi ấy có thơ như bạn đường, như đồng đội, như những hạt dẻ vô tư và vô danh: “Cánh hoa dẻ mùa xuân rơi trên tóc ai/ Mùi thơm ấy lan sâu năm tháng/ Lao xao chồn bay chiều thu chạng vạng/ Hạt dẻ rơi trên cỏ như mưa”.
Những bài thơ lính của Nguyễn Thụy Kha cũng là những hạt dẻ ấy, lăn lóc cùng người lính, lẫn vào những giấc mơ của họ, và cũng là của chính mình.
THANH THẢO