Hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Một thời để nhớ

.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bất lực khi lội ngược dòng nước chảy gần ba giờ đồng hồ, cả người ướt đẫm nhưng hai tay vẫn giơ cao lên khỏi đầu, giữ khư khư túi máy ảnh sau khi chụp cảnh hành khách trên tuyến đường sắt Bắc Nam phải dồn lại ga Đà Nẵng vì nước lũ làm sạt lở, chia cắt nhiều đoạn ở Quảng Nam, Đà Nẵng...

Báo Đà Nẵng tổ chức gặp mặt nguyên Ban Biên tập qua các thời kỳ nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019. Trong ảnh: Hàng ngồi, từ phải sang là các đồng chí: Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ, Hoàng Trà, Ngô Quy Nhơn và Đỗ Kỳ.
Báo Đà Nẵng tổ chức gặp mặt nguyên Ban Biên tập qua các thời kỳ nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019. Trong ảnh: Hàng ngồi, từ phải sang là các đồng chí: Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ, Hoàng Trà, Ngô Quy Nhơn và Đỗ Kỳ.

Nơi chắp cánh để bay cao, bay xa

Tháng 12-1985, tôi và năm bạn học cùng lớp Phóng viên Báo chí do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức đào tạo được phân công về nhận công tác tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc đó chú Hoàng Trà là Tổng Biên tập và anh Ngô Quy Nhơn, Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê là Phó Tổng Biên tập. Là phóng viên trẻ mới chập chững bước vào nghề, chúng tôi như những chú chim non háo hức bay vào khoảng trời rộng lớn, dẫu biết rằng phong ba bão táp luôn chờ chực, bởi nghề làm báo luôn được xem là một trong những nghề nguy hiểm.

Tòa soạn Báo Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ tọa lạc ở ngôi nhà số 23 Yên Bái (bây giờ là 45 Yên Bái) - nơi mà tôi có những bản tin, bài viết đầu tiên được in và đọc đến thuộc lòng. Nơi mà tôi - đứa con gái sinh ra và lớn lên ở Hội An quen với nhịp sống chậm rãi, bình yên - mỗi sáng thứ Hai lại hối hả dậy từ lúc tờ mờ sáng đạp xe hơn 30 cây số để về dự cuộc họp giao ban phóng viên đầu tuần. Từ ngôi nhà thân quen này, tôi - một đứa phóng viên tập sự đã bước đi những bước dài trong nghề làm báo; quen dần với những chuyến tác nghiệp trong thiên tai, bão lũ mà ai làm báo ở dải đất miền Trung này cũng từng nếm trải.

Nhớ lại kỷ niệm một thời, tôi có thể tự hào tôi đã sống hết mình cho nghề báo mà tôi đã chọn - và xin được cảm ơn Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng - nơi đã chắp cho tôi đôi cánh để bay cao, bay xa.

Dẫu đã nhiều thập kỷ trôi qua, vùng đất mà tôi gắn bó suốt thời tuổi trẻ của mình đã thay đổi nhiều, nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc khi nhớ về những câu chuyện, những nhân vật mà tôi đã gặp trong những lần đi tác nghiệp ở cơ sở. Nhớ chén cơm trắng ăn với muối mè trong đợt tôi được tòa soạn phân công về vùng cát huyện Thăng Bình viết về phong trào bà con ở đây đào ao chống hạn cứu lúa vụ xuân hè năm 1986. Đây là bữa ăn mà vợ chồng anh chủ nhiệm Hợp tác xã  nông nghiệp Bình Sa đã vét những hạt gạo cuối cùng trong hủ gạo nhà mình để nấu cơm mời tôi, còn anh chị ăn khoai trừ bữa. Ký ức ùa về mà vị mặn như vẫn còn nguyên trên đầu lưỡi, những giọt nước mắt tôi vừa ăn vừa len lén chùi như vẫn đọng trên mi.

Tự hào sống hết mình cho nghề báo

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bất lực khi lội ngược dòng nước chảy gần ba giờ đồng hồ, cả người ướt đẫm nhưng hai tay vẫn giơ cao lên khỏi đầu, giữ khư khư túi máy ảnh sau khi chụp cảnh hành khách trên tuyến đường sắt Bắc Nam phải dồn lại Ga Đà Nẵng vì nước lũ làm sạt lở, chia cắt nhiều đoạn ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Rồi từ ga Đà Nẵng tôi lại tiếp tục lội nước về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố lúc đó đóng trên đường Lý Tự Trọng trong ngày 1-11-1999 để xin đi nhờ lên vùng ngập nặng Hòa Châu, Hòa Xuân. Lúc này, nước từ các con sông Vu Gia, sông Yên cuồn cuộn đổ về sông Hàn sau một tuần mưa trắng trời, trắng đất, lực lượng chức năng phải phong tỏa nhiều tuyến đường trung tâm thành phố.

Về đến Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão đã quá 12 giờ trưa, không còn phương tiện nào khả dĩ để tôi có thể đi nhờ, vậy là tôi tiếp tục lội nước về Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trên đường Trần Phú. May quá, lúc tôi đến gặp được đồng chí Chỉ huy trưởng vừa đi thị sát tình hình ngập lụt ở Hòa Quý về, nghe tôi trình bày muốn đi nhờ lên Hòa Châu thì được đồng ý ngay và bảo tôi chờ khoảng 15 phút nữa sẽ theo xe bọc thép đi Hòa Châu.

Lúc này vừa lạnh, vừa đói, nhưng nếu kiếm gì ăn trưa thì sẽ không kịp đi theo xe lên vùng lũ, tôi ghé xe bánh mì gần cơ quan, mua vội mấy ổ rồi ôm túi bánh mì leo lên xe chờ xuất phát. Đường đi từ trung tâm thành phố lên đến Cầu Đỏ chưa đầy 10 cây số, nhưng do đường bị ngập nặng nên xe bọc thép bò gần hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Không kịp cảm ơn tổ lái, tôi nhảy ngay xuống ca-nô của Công an huyện Hòa Vang đang chuẩn bị xuất bến, quên luôn túi bánh mì trên xe chưa kịp ăn.

Cũng xui cho tôi mà lại cũng hên. Ca-nô của Công an huyện Hòa Vang đang chết máy, loay hoay mãi vẫn không khởi động được. Đang lúc bối rối, may cho tôi là lúc đó có ca nô chở anh Trần Văn Thanh, Giám đốc Công an thành phố chuẩn bị xuất phát. Nghe anh Thanh gọi, tôi mừng quá nhào ngay lên ca-nô, cùng với các đồng nghiệp Báo Công an Đà Nẵng trực chỉ vùng lũ Hòa Châu. Máy ảnh của tôi lúc đó là máy Canon ống kính normal, chụp bằng phim nhựa. Người và máy dầm nước cả ngày nên đến lúc đi nhờ được xe của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ về lại Ban Chỉ huy tiền phương thì máy đứng hình không bấm được nữa.

Về đến Đà Nẵng đúng 9 giờ 30 tối, chị Vân chủ hiệu ảnh Trường Sơn lúc bấy giờ nghe tôi năn nỉ thương quá nên dù đã đóng máy nghỉ, chị vẫn mở lại máy làm ảnh cho tôi. Phải gần 12 giờ đêm mới xong bài và ảnh cho số báo ngày mai. Hôm sau 2-11-1999, bài và ảnh của tôi chụp từ vùng lũ Hòa Châu tràn từ trang 1 vào trang 3. Và chỉ có Báo Đà Nẵng và Báo Tuổi Trẻ - lúc đó tôi cũng là cộng tác viên của Tuổi Trẻ ở miền Trung - là có ảnh và bài kịp thời, còn các báo đài bạn phải hôm sau mới có. Còn tôi thì sốt gần 40 độ vì dầm mưa lạnh cả ngày trước đó.

Nước vừa rút, tôi cũng vừa hạ sốt là vội theo đoàn công tác của Thành ủy lên vùng lũ quét Hòa Phú. Những hình ảnh tang thương sau cơn lũ quét ở Hòa Phú đập vào mắt. Tôi vừa lội bùn lên đến trên đầu gối vừa quệt  nước mắt vì không cầm lòng được. Những căn nhà rách bươm, tả tơi đổ sụp theo dòng nước. Xác người chết trong đó có cả những em bé vừa tìm thấy trong đống bùn, nằm chơ vơ không có một manh chiếu để đậy vì tất cả đã bị lũ cuốn trôi. Người dân cắt vội mấy nải chuối xanh dính đầy bùn để trên đầu người xấu số thay cho nắm cơm và mấy quả trứng. Nhìn cảnh tượng đó, lòng tôi đau như xát muối.

Vừa tác nghiệp lũ, vừa theo các cánh bay của Sư đoàn Không quân 372 đi cứu trợ cho bà con các vùng bị lũ chia cắt ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), Điện Bàn, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), tôi lăn theo công việc và luôn cố gắng làm tốt nhất phận sự của một người làm báo trên địa bàn có quá nhiều khó khăn bởi thiên tai, lũ lụt. Cuối năm 1999 đầu năm 2000, tôi vinh dự là một trong hai nhà báo của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng chọn tham dự Liên hoan các nhà báo xuất sắc toàn quốc lần thứ Nhất tại Hà Nội. Bản báo cáo điển hình của tôi được nhiều báo đăng tải trong dịp này.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.