.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Hội làng giữa phố Hòa Minh

.

Từ khi Hội làng Hòa Mỹ được khôi phục lần đầu tiên vào năm 1994, đến nay cả 4 làng trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, đều tổ chức lễ hội.

Vinh danh các học sinh giỏi, tân sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tại Hội làng giữa phố Hòa Minh lần thứ 2 năm 2014. Ảnh: L.G.L
Vinh danh các học sinh giỏi, tân sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tại Hội làng giữa phố Hòa Minh lần thứ 2 năm 2014. Ảnh: L.G.L

Nếu mãi đến năm 1999, các nhà hoạt động văn hóa ở Đà Nẵng mới bắt tay vào nghiên cứu, ghi chép, quay phim các lễ hội văn hóa truyền thống, thì ngay từ năm 1994, Lễ hội Đình làng Hòa Mỹ (lúc đó thuộc xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang) đã được chư phái tộc nơi này khôi phục trên cơ sở “nâng cấp” lễ cúng Đình vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Hội làng Hòa Mỹ diễn ra trong một ngày rưỡi. Phần lễ theo nghi thức cổ truyền gồm lễ vọng và lễ hội kỵ chính thức. Phần hội có nhiều nội dung phong phú, truyền thống và hiện đại đan quyện vào nhau, tạo nên nét rất riêng cho lễ hội. Mở đầu phần hội bao giờ cũng là giải chạy việt dã truyền thống, thu hút đông đảo nông dân, thanh - thiếu niên, nam nữ học sinh tham gia. Trong khi người trẻ tuổi thi cắm hoa, thi làm bánh thì người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, vui chơi bài chòi. Khán giả bao giờ cũng thật đông quanh các trò chơi dân gian (kéo co, đập om, đẩy gậy...) bởi cái không khí rất hội hè của chúng.

Sau 5 năm “hồi sinh”, Hội làng Hòa Mỹ dần định hình và vươn vai lớn mạnh thành một hoạt động thường niên in đậm nét di sản văn hóa, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Cứ đến 12 tháng Giêng hằng năm, phóng viên các báo, đài lại quay về Hòa Mỹ, hòa mình cùng người dân địa phương trong các hoạt động hội hè đầu năm mới. Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 27-2-2000 có phóng sự Hội làng giữa phố đình đám ngay trang 1, từ đó tít bài này đã trở thành “thương hiệu” của hội làng đầu tiên được khôi phục trên đất Đà Nẵng.

Hội làng Hòa Mỹ đã dần làm giàu thêm giá trị văn hóa tinh thần của người dân địa phương và tạo tiền đề để các làng khác trong phường Hòa Minh nối gót bước theo. Năm 1999 làng Trung Nghĩa khôi phục lễ hội và tiếp theo là làng Hòa Phú hai năm sau đó - 2001. Phước Lý là làng cuối cùng trên địa bàn phường văn hóa Hòa Minh khôi phục hội làng vào năm 2005 với sự hỗ trợ của ba “ông anh” đi trước, hoàn thành một “kỷ lục” cho phường nhà: địa phương đầu tiên trên đất Đà Nẵng có 100% cộng đồng dân cư tổ chức lễ hội đình làng.

Ngày 12 tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013, làng Hòa Mỹ tổ chức hội làng lần thứ 20 theo mô hình “Hội làng giữa phố Hòa Minh” với sự đồng thuận giữa UBND phường và đại diện 4 làng trong phường. Theo đó, mỗi năm chỉ một làng tổ chức lễ hội, 3 làng còn lại cùng tham gia với các hoạt động ẩm thực, văn nghệ, trưng bày hình ảnh, hiện vật giới thiệu về làng mình.

Năm đầu đăng cai mô hình mới, Hòa Mỹ lần đầu tiên tổ chức cho “thí sinh” 4 làng thi viết thư pháp và để lại dấu ấn qua bài thơ Hòa Minh: “Kính trên nhường dưới là Hòa/ Minh là sáng suốt, hiểu ta biết người/ Tình làng nghĩa xóm thuận vui/ Mừng xuân duyên dáng nụ cười Hòa Minh”.

Năm rồi, làng Trung Nghĩa đăng cai “Hội làng giữa phố Hòa Minh” lần thứ 2 vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch với nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn. Trò chơi bài chòi sôi động lời hô, tiếng nhạc. Cuộc thi viết thư pháp biến 4 chàng trai trẻ của các làng thành 4 ông đồ xưa. Đặc biệt, hội làng đã vinh danh các học sinh giỏi, tân sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Năm nay, quyền đăng cai thuộc về làng Hòa Phú. Ông Trà Văn Khiêm, Trưởng ban Thường trực Hội đồng Chư phái tộc làng Hòa Phú cho hay hội làng sẽ được khai diễn với 4 sự kiện quan trọng: 15 năm phát triển hội làng Hòa Phú; rước Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Đình làng Hòa Phú; 3 năm Hội làng giữa phố Hòa Minh; lễ chính kỵ Tiền – hậu hiền làng Hòa Phú. Cuối năm 2014, Hòa Phú đã đầu tư 45 triệu đồng đóng một giàn trống lễ hội 22 cái, giao cho một giáo viên Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng là con dân trong làng đứng ra hướng dẫn các học sinh lớp 9, lớp 10 cách biểu diễn.

Trước khi chính lễ diễn ra vào sáng 3-3-2015 (nhằm ngày 13 tháng Giêng Ất Mùi), hội làng sẽ khai diễn vào sáng 1-3 với các giải thi đấu thể thao, các trò dân gian. Ngày 2-3, sáng sẽ rước Bằng xếp hạng di tích từ trụ sở UBND phường về đình làng; chiều sẽ rước Văn từ nhà ông Tư lễ ở xóm Phú Ca.

Năm nay Hòa Phú đăng cai “Hội làng giữa phố Hòa Minh” lần thứ 3 nên đoàn rước Văn thay vì đi thẳng về đình làng sẽ diễu qua khắp 9 xóm trong làng với hơn chục chiếc xe, trong đó có xe chở kiệu rước, xe chở bộ Lỗ (nhóm đồ binh khí thời xưa cắm vào giá để trần thiết nơi cửa quan, hay ở các đền miếu, chùa đình, làm đồ nghi trượng, tăng vẻ uy nghiêm và long trọng), xe chở ban nhạc, xe học trò lễ, học sinh cầm lồng đèn...

“Hội làng giữa phố Hòa Minh” đánh dấu lần đầu tiên một địa phương ở Đà Nẵng có 100% cộng đồng dân cư tổ chức lễ hội đình làng. Cuộc “cạnh tranh” lành mạnh giữa các làng vừa góp phần nâng cao hàm lượng văn hóa cho các hội làng vừa “khoan sức dân” đối với các hoạt động lễ hội tại địa phương.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.