.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Đường Pasteur

.

Ở Đà Nẵng, đường phố duy nhất không bị đổi tên suốt một thế kỷ qua là đường Pasteur - một thầy thuốc vĩ đại được thế giới tôn vinh là Ân nhân của Nhân loại (Benefactor of Humanity).

Chân dung Pasteur và đường Pasteur đoạn qua Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: L.G.L
Chân dung Pasteur và đường Pasteur đoạn qua Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L

Từ đầu thế kỷ XX (dưới thời Pháp thuộc), Đà Nẵng có 45 con đường được đặt tên, trong đó hầu hết là nhân danh, địa danh của nước Pháp, chỉ có 5 đường mang tên Việt gồm: Đò Xu, Đồng Khánh, Đỗ Hữu Vị, Gia Long và Quảng Nam.

Đến năm 1955, trừ hai đường Pasteur và Yersin, còn lại 38 đường mang tên Pháp đều bị đổi tên. Tuy nhiên, đường Yersin được chia làm hai: từ đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng) đến đường Pasteur lấy tên cũ Yersin; từ Pasteur đến Hùng Vương đổi thành Đông Kinh Nghĩa Thục.

Trong các đường được đổi tên Pháp sang tên Việt có cả những nhân vật Pháp lừng lẫy như: Clemenceau (Georges Benjamin Clemenceau), chính trị gia, nhà vật lý, nhà báo, đổi thành đường Quang Trung; Foch (Ferdinand Foch), Thống chế, người hùng quân sự của khối Đồng minh thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, đổi thành đường Đống Đa; Behaine (Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine - Giám mục Bá Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả), có công soạn cuốn tự điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773, đổi thành đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn…

Sau năm 1975, trong khi tất cả các đường mang tên Việt nói trên đều bị đổi tên thì đường Pasteur vẫn “trụ” vững cho đến bây giờ. Đường Yersin cùng với đường Đông Kinh Nghĩa Thục đổi thành đường Ngô Gia Tự. Ngày 14-7-2010 HĐND thành phố đặt tên vị bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Pháp (sinh sống, làm việc tại Nha Trang và xem Việt Nam là quê hương của mình) này cho con đường dài 270m, rộng 7,5m, từ đường Lê Văn Hiến đến khu dân cư đang thi công, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết 97/2010/NQ-HĐND về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

Ngót một thế kỷ qua, con đường mang tên Louis Pasteur (1822 - 1895)- người chưa bao giờ chính thức học y khoa nhưng vẫn được thế giới coi là một thầy thuốc vĩ đại và là Ân nhân của Nhân loại – vẫn tồn tại ở Đà Nẵng sau bao thăng trầm lịch sử. Đường này hiện có chiều dài 345m, đã được mở rộng 10,5m, từ đường Phan Châu Trinh đến đường Ngô Gia Tự.

L.Pasteur sinh ở Dole, một vùng thuộc Jura, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tú tài Văn chương và Tú tài Toán, năm 1843 ông được xếp hạng tư trong kỳ thi tuyển vào Trường Sư phạm Paris và theo học hóa học, vật lý và cả tinh thể học. Mỗi chiều chủ nhật, ông thường làm việc tại phòng thí nghiệm của nhà hóa học nổi tiếng Jean-Baptiste Dumas; nhờ đó, ông đã tích lũy được kiến thức và kỹ năng quý báu cho công việc nghiên cứu độc lập của mình trong tương lai.

Suốt đời mình, Pasteur đã có 4 đóng góp to lớn cho vi sinh và y học thế giới, trong đó có phát kiến quan trọng rằng bệnh dại lây nhiễm do một tác nhân rất nhỏ không nhìn thấy dưới kính hiển vi, nhờ đó mở ra thế giới các vi-rút. Kết quả là ông đã triển khai được kỹ thuật tiêm vắc-xin cho chó chống bệnh dại và điều trị người bị chó dại cắn.

Năm 1878, ông công bố nghiên cứu “Lý thuyết về mầm bệnh”, là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lịch sử y học. Sự nghiệp của ông trở thành nền móng cho ngành vi sinh, và là cột mốc đánh dấu bước ngoặt của y học hiện đại.

Ngày 1-3-1886, ông trình bày kết quả phương pháp điều trị bệnh dại của mình trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và kêu gọi thành lập một trung tâm vắc-xin dại. Đông đảo dân chúng và cộng đồng quốc tế đã vận động tài trợ cho việc xây dựng Viện Pasteur đầu tiên tại Pháp. Sau đó, lần lượt các Viện Pasteur khác cũng được thành lập tại nhiều nơi trên thế giới nhờ ảnh hưởng của các nhà vi sinh vật học như Albert Calmette, Alexandre Yersin. Tôn chỉ của Viện Pasteur từ đó đến nay không thay đổi: Tiến hành các nghiên cứu chế tạo vắc-xin và các chiến dịch tiêm phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng quốc tế của sự nghiệp thầy mình, các học trò của ông đã đi khắp thế giới tới bất cứ nơi nào cần đến sự giúp đỡ của họ. Năm 1881, Viện Pasteur ngoài nước Pháp đầu tiên được thành lập ở Sài Gòn, Việt Nam, mở đầu cho mạng lưới các Viện Pasteur quốc tế.

Ngày 28 tháng 9 năm 1895, ông qua đời tại Marnes la Coquette, Paris, thi hài được lưu giữ ở giáo đường trong lòng Viện Pasteur. Năm 1940, quân đội Đức khi xâm chiếm Paris đã buộc người gác cổng của viện là Joseph Meister phải mở hầm mộ của ông. Thay vì tuân lệnh, J.Meister đã tự vẫn để không bao giờ xúc phạm đến thi thể của ân nhân đã cứu mạng mình. 55 năm trước đó, J.Meister là bệnh nhân đầu tiên bị chó dại cắn được dự phòng khỏi bệnh nhờ vắc-xin phòng bệnh dại của người thầy thuốc vĩ đại.

Rất nhiều tượng đài được xây dựng để tưởng nhớ đến ông. Có thể nói tài năng và cống hiến của ông đã vượt qua biên giới địa lý và chính trị. Ở Đà Nẵng, qua bao biến thiên thời cuộc, con đường mang tên ông vẫn bất biến, thể hiện sự tri ân đối với người thầy thuốc vĩ đại đã làm thay đổi cả thế giới.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.