Đã có rất nhiều nhà báo, nhà văn đưa cái “chất Quảng” vào trong tác phẩm của mình, nhưng có lẽ chỉ độc một “nhà vẽ” Lê Viết Trí đưa được một cách thành công cái thần hồn thâm thúy, chua cay, hóm hỉnh… của xứ Quảng vào trong các bức biếm họa của anh.
Họa sĩ biếm Lê Viết Trí qua nét cọ của Còm (Hà Nội) và bức biếm họa tâm đắc nhất của anh. |
Đầu tháng 4-1987, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 2 (khóa VI), thẳng thắn đánh giá: “Từ sau cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985, tình hình kinh tế - xã hội nước ta, trước hết là tình hình phân phối, lưu thông, ngày càng xấu đi”. Nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế, các chính trị gia có các bài viết phân tích tình hình này.
Lúc đó, Lê Viết Trí cũng háo hức muốn góp thêm một tiếng nói, nhưng đầu óc còn non nớt quá (mới 26 tuổi), không biết diễn đạt như thế nào. Một lần anh về thăm quê, thấy bọn trẻ trong làng chơi trò nhảy cừu dưới bóng tháp Bằng An, hình ảnh thằng bé gầy còm cúi xuống, hai tay chống gối làm cừu để cho lần lượt từng đứa trẻ khác lấy đà chạy tới đặt 2 tay lên lưng “cừu” rồi dạng 2 chân nhảy qua đã làm anh nghĩ tới cái chông chênh giữa giá và lương. Thế là biếm họa giá – lương – tiền ra đời. Anh mang tranh đến 25 Lê Hồng Phong (Tòa soạn báo QN – ĐN) và chỉ 2 ngày sau tác phẩm đầu tay của anh đã được đăng báo…
Lê Viết Trí nhớ lại: Sau đó, một số người gặp tôi nói, bao nhiêu bài viết phân tích này nọ đến mấy trang, vậy mà biếm họa chỉ cần “túm lại” bằng mấy nét cọ trong một bức tranh chỉ bằng hộp diêm, thật là dễ hiểu, sâu sắc, dí dỏm và… cực kỳ tiết kiệm!
Cầm tinh con trâu, 18 tuổi anh rời quê nhà – xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – đi làm người lính. Bước vào lĩnh vực tranh biếm, anh chọn bút danh LET (ghép họ Lê và chữ đầu của tên anh) theo cách anh giải thích: “Người Quảng mình có phương ngữ thọc lét nghĩa là cù cho người ta cười, LET là rứa đó”. Ngay cả con số dưới chữ ký trong mỗi bức tranh của anh không ít người cũng nghĩ là “mật mã” chi đó! Nhưng anh bảo, nó chỉ đơn giản là số thứ tự các tranh đã được đăng trên báo, tạp chí bắt đầu từ năm 1987.
Gần 30 năm cầm cọ vẽ biếm họa, anh lấy ý tưởng từ nhiều nguồn, phổ biến là những thông tin trên báo chí, các phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp, những lần trò chuyện với cánh lính trẻ, hay khi nghe cấp trên quán triệt Nghị quyết… Giờ ngẫm lại, trong số trên 3.600 biếm họa của mình, anh thích nhất tác phẩm “Sửa đổi qui định” đăng trên Tạp chí Cộng sản, phê phán hiện tượng nhiều qui định cứ sửa đi, đổi lại, cuối cùng vẫn quay về chốn cũ, gây tốn kém biết bao thời gian, công sức và tiền bạc của nhân dân.
Với anh, biếm họa thật ra cũng đơn giản như… đang giỡn vậy, không cầu kỳ hay nghiêm trang giả tạo. Ví như một thời giá sữa tăng đến chóng mặt khiến các bà mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên ai cũng biết sữa mẹ là tốt nhất. Còn tại sao lại tốt nhất thì biếm họa phải đi tìm câu trả lời khác. Có người bảo sữa mẹ có “bao bì” đẹp, không sợ bị chuột cắn… riêng anh có câu trả lời bằng biếm họa rất “thời sự” là… không tăng giá!
Tết đến xuân về, tranh biếm của LET xuất hiện trên nhiều mặt báo, gần như năm nào cầm tinh con gì là anh “chúi cọ” vào con đó, phác họa vài nét nghịch ngợm đáng yêu cho màu Tết thêm tươi, hương xuân thêm thắm. Anh đã hai lần “thả” con dê lên báo Tết năm Mùi nên năm nay anh chuyển sang cầm bút với tiểu phẩm về Dê được cải biên từ truyện cổ dân gian và từ điển tra ngược về Dê rất thú vị. Trong từ điển vui vui về Dê này, có mấy câu có sắc thái chẳng khác gì tranh biếm của anh: Dê không ngay thẳng là: Dương gian/ Dê hay nghĩ ngợi là: Dương suy/ Dê mạnh khỏe là: Cường dương…
Lê Viết Trí là họa sĩ biếm duy nhất ở Đà Nẵng được trang designs.vn xếp thứ 5 trong Top “10 họa sĩ biếm họa đáng nể của Việt Nam”. Trang mạng này nhận định: “Những họa sĩ biếm Việt Nam được kể bên dưới đáng được chúng ta ca ngợi và yêu mến bởi sự bền bỉ và cần mẫn của họ để đóng góp những tác phẩm ý nghĩa, đại diện tiếng nói của người dân. Sự tồn tại và lan truyền của những bức tranh biếm họa đã và đang là những thông điệp dũng cảm, đánh thẳng vào những thói hư tật xấu, góp phần cải cách văn hóa bằng cách rất riêng – cách của người cầm bút vẽ”.
Với LET – Lê Viết Trí, dù làm người lính hay làm lãnh đạo (sau 10 năm làm Tổng biên tập Báo Quân khu 5, anh chuyển sang làm Phó trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 5 ), cái cách “thọc lét” trong tranh vẫn mãi là thông điệp góp phần làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn lên.
VĂN THÀNH LÊ