Những cái nhất ở Đà Nẵng
Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng
Là một hoạt động góp phần xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố sự kiện”, Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Danang International Fireworks Competition - DIFC) đã được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Cuộc thi pháo hoa quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Một màn pháo hoa của đội Đà Nẵng – Việt Nam tại DIFC 2015. Ảnh: MINH TRÍ |
DIFC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 tại cảng Sông Hàn, nhân kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3), từ năm 2011 cuộc thi chuyển sang thời điểm kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4). Nhằm tạo ra những hoạt động, sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế thường niên, sau đổi tên thành Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế.
Được tổ chức rất thành công qua 6 kỳ, từ năm 2008 đến năm 2015 với kinh phí 100% xã hội hóa, DIFC đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc không chỉ của Đà Nẵng, mà còn của Việt Nam, được hàng triệu người dân, du khách trong và ngoài nước mong đợi. Mỗi năm có một chủ đề nhất định và các đội dự thi khác nhau với những màn trình diễn pháo hoa đầy ấn tượng đã đem lại thương hiệu pháo hoa cho Đà Nẵng.
DIFC là sự kiện thu hút một lượng du khách đến Đà Nẵng mỗi năm ngày một tăng mạnh, nếu năm 2008 có hơn 50.000 du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng, góp phần đưa doanh thu du lịch quý I năm 2008 đạt 205,1 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ, thì đến năm 2015 có hơn 460.000 lượt người tăng gấp 9 lần so với năm 2008. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho khách mời, người dân thưởng thức pháo hoa, năm 2008 từ chỗ khán đài được lắp đặt nhưng chỉ với 6.000 chỗ ngồi, năm 2012, quy mô khán đài xem pháo hoa được mở rộng lên trên 30.000 chỗ ngồi, đến năm 2015 tăng lên 32.000
Mỗi năm một chủ đề, mỗi đội thi đấu khác nhau đã làm cho DIFC luôn mới nhưng lại rất riêng. Từ năm 2008 - 2013, cuộc thi thu hút 18 đội pháo hoa quốc tế và đội chủ nhà Đà Nẵng, với 6 chủ đề: Vũ điệu Tiên Sa; Âm vang Sông Hàn; Huyền thoại Sông Hàn; Lung linh Sông Hàn; Sắc màu Đà Nẵng; Tình yêu Sông Hàn”. Từ năm 2013, cuộc thi được tổ chức 2 năm một lần, năm 2015 tiếp tục với chủ đề “Đà Nẵng - Bản giao hưởng sắc màu” với sự tham gia của 5 đội đại diện 5 châu lục.
Đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam được thành lập vào năm 2008, là đội pháo hoa đầu tiên của Việt Nam được phép dự thi các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế ở trong và ngoài nước. Các thành viên của đội đều là những người con của thành phố Đà Nẵng thân yêu, là những sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, họ còn góp phần làm đẹp thành phố, phục vụ nhân dân và bạn bè gần xa thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu trong các cuộc thi và đón giao thừa mừng năm mới.
Trong những năm qua, đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam đã dự thi và đoạt Giải Khuyến khích tại DIFC các năm 2008, 2009; Giải Ba tại DIFC liên tục từ năm 2010 đến năm 2013; năm nay, lại tiếp tục đoạt giải Ba đồng hạng cùng với đội Hoa Kỳ, xếp sau đội Úc và đội Ba Lan. Ngoài ra, đội Đà Nẵng - Việt Nam còn tham gia các chương trình khác như: Lễ hội Pháo hoa Ánh sáng 2012 Vancouver (Canada) đoạt Giải Nhì; tham gia Trình diễn pháo hoa tại tỉnh Champasak - Lào năm 2012; Trình diễn pháo hoa tại tỉnh Sekong - Lào vào năm 2009... Điều đó cho thấy sự phát triển vượt bậc của đội Đà Nẵng - Việt Nam trong các màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật theo nhạc.
DIFC 2015, đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam đem đến màn trình diễn “Bản giao hưởng sắc màu” gồm 4 phần: tái hiện khung cảnh lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của những con Rồng, cháu Tiên, những con người anh dũng, kiên cường; tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo; giới thiệu về Đà Nẵng. Kết thúc là “Bản giao hưởng sắc màu”, trình diễn các hiệu ứng pháo hoa rực rỡ, đa dạng, hoành tráng trên nền nhạc không lời được trích từ bản Sonate số 8 của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức, Beethoven... Mỗi lần tham dự DIFC là mỗi lần đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam trưởng thành hơn, tạo ra bất ngờ hơn cho người xem với những màn pháo tuyệt đẹp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam), việc tổ chức thành công một sự kiện văn hóa như Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, trước hết người tổ chức sự kiện đã có trình độ hiểu biết cao về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, dân tộc,... Điều đó thể hiện năng lực của thành phố Đà Nẵng trong việc khám phá, tìm hiểu những di sản văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước, góp phần làm cho du khách thập phương hiểu sâu hơn và tự hào hơn về truyền thống văn hóa lâu đời của nhân dân ta, tăng cường hơn nữa sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền với nhau và với bạn bè quốc tế. DIFC xứng đáng là một sự kiện văn hóa mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
VIÊN ĐÌNH PHONG