Những cái nhất ở Đà Nẵng
Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật
Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật tại di tích - danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là hiện vật gốc độc bản, là loại bia ma nhai rất hiếm thấy ở vùng Nam Trung Bộ mang những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt; là một căn cứ quan trọng cho biết sự truyền nhập Phật giáo buổi đầu trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Bên trái của tượng Phật, trên vách động Hoa Nghiêm là tấm bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640. (nguồn: Báo Đà Nẵng) |
Văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà) ở động Hoa Nghiêm của danh thắng Ngũ Hành Sơn được khắc trực tiếp trên vách đá vào năm Canh Thìn (1640), do Thiền sư Huệ Đạo Minh (tên thật là Phạm Văn Nhân, người phủ Tĩnh Gia, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trụ trì chùa Phổ Đà biên soạn. Bia có mặt hình chữ nhật, từ đỉnh xuống chân cao 96cm, rộng 59cm, trán bia cung tròn (mặt nguyệt) và tua lửa, diềm hai bên bia khắc hình dây leo, mỗi bên dây leo có 14 lá nhọn. Ngoài tiêu đề gồm 6 chữ lớn nằm ngang “Phổ Đà Sơn linh trung Phật”, bia có 23 dòng chữ.
Văn bia chứa nhiều tài liệu, sử liệu quý về danh xưng Ngũ Hành Sơn, danh xưng các làng xã đất Quảng, về ngôn ngữ, văn tự, quan hệ Việt - Hoa, quan hệ Việt - Nhật, sử liệu Phật giáo… Tác giả Nguyễn Hoàng Thân trong bài viết “Phổ Đà Sơn linh trung Phật - một văn bia quý ở Đà Nẵng” đăng trên Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 7+8/2010, có đoạn: “…từ giữa thế kỷ XVII danh xưng Ngũ Hành Sơn (hiện tại) có tên gọi là Phổ Đà Sơn, ngoài ra văn bia còn cung cấp nhiều địa danh làng xã cổ xưa của đất Quảng, như xã Tân An, Trà Đông, Trà Lộ, Hải Châu, Bồ Bản, An Phước, Diệm Sơn, Phú Triêm... tư liệu này đóng góp cho việc nghiên cứu địa danh làng xã đất Quảng, khẳng định lại và bổ sung cho tài liệu “Ô châu cận lục” và “Phủ biên tạp lục” cũng như các địa chí liên quan đến đất Quảng của triều Nguyễn sau này”.
Theo bản phiên dịch trên văn bia: “Thiền sư Phạm Văn Nhân tự Huệ Đạo Minh ở xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ Quảng Nam nước Đại Việt, trông vết tích thờ Phật đã đổ nát, liền khuyến khích người có lòng tốt, người biết nghĩ về Phật chung bỏ của nhà ra, dốc lòng làm công đức, để sửa sang mở rộng nơi thờ Phật trên núi Phổ Đà, tân tạo thêm chùa Bình An phía dưới. Nay hai cảnh đó đã hoàn thành, các kíp thợ cũng đã xong việc, vị sư trụ trì ở chùa kính cẩn thắp hương dâng cúng. Ngẩng mặt lên Tam Bảo: mong đền đáp được bốn ơn đối với trên và cứu vớt người dưới thoát khỏi ba tội đồ; để được sống cùng nhau trên cõi Cực Lạc, truyền được lâu dài dấu tích thờ Phật…”.
Nội dung trên cho thấy trước năm Canh Thìn (1640) đã có di tích Phật giáo (cụ thể là chùa Bình An).
Đối với việc người nước ngoài đến giao thương, lưu trú, buôn bán ở đất Quảng lúc bấy giờ cũng được ghi chép trong văn bia, có 2 dòng người được nhắc đến là người Nhật Bản và Đại Minh, trong đó có ít nhất có 10 gia đình người Nhật Bản (Achiko, Shunmon, Asami Yasuke, Akiu…), 2 gia đình người Hoa (Diệp Công Kiên, Lã Tông Ngô).
Những người nước ngoài cùng với dân bản địa được ghi chép trong văn bia có trên 50 tín hữu đã phụng cúng hàng ngàn quan tiền, hàng chục lạng bạc nén và hàng trăm cân đồng để xây dựng chùa Bình An. Điều đó chứng tỏ, từ thế kỷ XVII Ngũ Hành Sơn đã trở thành trung tâm thờ Phật mang tầm quốc tế. Mặt khác, cho thấy cũng từ thế kỷ XVII, đã có nhiều thương thuyền Nhật Bản cập bến làm ăn buôn bán tại Hội An tạo nên mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là sự giao kết giữa người dân hai vùng Quảng Nam - Đà Nẵng và vùng Nagaya (Nhật Bản) từ 4 thế kỷ trước.
Nội dung xuyên suốt của văn bia là đề cập đến việc Thiền sư Huệ Đạo Minh cùng tín hữu gần xa lo việc Phật sự ở Ngũ Hành Sơn và cuối cùng là khắc ghi danh tính thập phương tín cúng tam bảo.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, những giá trị về sử liệu quý, bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật được xem như một tài liệu cốt yếu nhất được công bố rộng rãi, là cơ sở để hiểu rõ về địa danh Ngũ Hành Sơn, cũng như sự du truyền nhập Phật giáo vào đất Quảng. Chính vì vậy, tháng 11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho “Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật” cùng với 3 hiện vật khác của Đà Nẵng là Quả tim lửa, Bia Nghĩa trủng Phước Ninh và Bia chùa Long Thủ.
VIÊN ĐÌNH PHONG