Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu

08:57, 30/05/2015 (GMT+7)

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, được biết đến không chỉ là ngôi nhà thờ của một làng rộng lớn, có lịch sử lâu đời trên đất Đà Nẵng.

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007. Ảnh: L.G.L
Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007. Ảnh: L.G.L

Đây còn là nơi tế tự một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương An Hải, đó là Thoại Ngọc Hầu-Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc, được dân Châu Đốc, An Giang tôn kính như một vị thần.

Làng An Hải có 36 họ tộc, vừa Tiền hiền vừa Hậu hiền, được thờ tự tại đình làng. Đình được xây dựng khá sớm, tương truyền vào khoảng đầu thế kỷ XVI, tại xã An Phước, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Mãi đến năm Minh Mạng thứ tám (1827), đình mới được trùng tu lần thứ nhất bằng tường xây mái lợp do công của danh tướng Triều Nguyễn Thoại Ngọc Hầu.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), người xóm An Trung, làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Cha mất sớm, ông cùng hai em theo mẹ vào sống tại làng Thới Bình trên cù lao Dài, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. 16 tuổi, ông đầu quân chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Đến đời Minh Mạng, ông vâng lệnh vua đào các con kênh, đem lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng cho miền đất Hậu Giang nói riêng, Tổ quốc nói chung.

Công trạng hiển hách là thế, nhưng trên bước đường công vụ của mình, ông vẫn nhiều lần quay về nơi chôn nhau cắt rốn để cùng các họ tộc chăm lo đời sống người dân như lần về quê năm 1827. Lần đó, ông cho mở chợ An Hải, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền... Tấm lòng hoài cố hương của ông còn thể hiện ở chỗ, khi đứng ra lập 5 đội quân, ông không quên lấy tên làng An Hải quê mình đặt tên cho các đội quân cùng với tên Châu Đốc là quê hương thứ hai. Đặc biệt, ông còn tuyển các diễn viên hát tuồng xứ Quảng cho lập thành gánh hát để ông được sống với các điệu hò câu hát quê hương.

Để nhớ công lao của ông đối với quê hương, đất nước, dân làng An Hải tôn vinh ông là Hậu hiền và thờ ông trong nhà thờ cùng với các vị Tiền hiền.

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 3-2009 trong khuôn viên rộng 4.250m2 với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Nơi đây đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần đến thăm và dâng hương Thoại Ngọc Hầu.

Theo mô tả của trang sontra.danang.gov.vn, từ bên ngoài nhà thờ nhìn vào là hồ bán nguyệt rộng với cây đa cổ sum suê. Bên phải là bốn ngôi mộ của vợ, chồng, cha, mẹ Bà Thân dựng một nhà bái chung. Phía sau là nhà bia ghi công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu. Bia cao 2m, rộng 1,2m bằng đá trắng, mặt quay về hướng Tây. Bên trái là lăng mộ của danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, được cải táng vào đây năm 2002. Tiếp sau là tượng bán thân của Thoại Ngọc Hầu, cao 1,2 mét nặng gần 1 tấn, quay về hướng đông, thẳng hướng với bia ghi công bên phải.

Phần chính điện và hậu tẩm của nhà thờ rộng khoảng 160m2, được thiết kế, tôn tạo theo lối đình cổ. Bàn thờ Thoại Ngọc Hầu nằm ở trung tâm chính điện có tượng và bài vị. Hai bên hương án là bài vị của nhị vị phu nhân. Bài vị của Thoại Ngọc Hầu ghi “Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn; lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp kỷ lục tứ thứ; truy tặng Tướng quân; Trụ quốc Đô thống, Thụy võ khác, được truy tặng Tráng Võ”. Tạm dịch: Tướng quân, Trụ quốc Đô thống. Được gia nhị cấp và kỷ lục lần thứ tư, là Thống chế giữ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ nước Cao Miên, kiêm quản việc biên cảnh trấn Hà Tiên.

Phần hậu tẩm được thiết kế 3 án thờ các vị Tiền hiền có công lập làng An Hải. Hai bên tả, hữu thờ các vị Hậu hiền, hay nói chung là người trong làng, trong tộc họ có đóng góp cho làng. Nhà thờ hiện còn 3 bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng ghi chữ Hán: “Thiện tục khả phong” (gian giữa); “Công trấn sơn hà” (bên phải); “Quân ân tạo hải” (bên trái).

Hằng năm, đến ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch, dân làng An Hải tổ chức lễ kỵ Tiền hiền tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Lễ được tiến hành theo nghi thức cổ truyền, gồm lễ Vọng, lễ tế Âm linh và lễ Chánh kỵ, nhằm tưởng nhớ công đức của các bậc Tiền hiền đã có công mở mang bờ cõi, khai phá đất đai; đồng thời cũng là dịp để nhân dân hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống tâm linh, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Với không gian thoáng đãng, kiến trúc đậm nét cổ truyền độc đáo nhất Đà Nẵng, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu đã được Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà chọn làm nơi tổ chức triển lãm 85 bức ảnh di sản văn hóa Đà Nẵng với chủ đề “Di tích và Lễ hội” vào hôm 18-5 vừa rồi.

LÊ GIA LỘC

.