.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐỢT 2 NĂM 2013 (Tiếp theo)

H. ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP

1. PHƯƠNG ÁN 1: QUỐC LỘ 1A (ĐOẠN TỪ CẦU VƯỢT HÒA CẦM ĐẾN GIÁP QUẢNG NAM) - Sơ đồ số 29: 01 đường.

- Đoạn đường có điểm đầu là cầu vượt Hòa Cầm, điểm cuối là giáp Quảng Nam: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 8.530m, rộng 2x10,5m + 2m dải phân cách; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: VÕ NGUYÊN GIÁP

VÕ NGUYÊN GIÁP (1911 - 2013)

Ông có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh: Văn; quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Năm 1925 - 1926, ông tham gia phong trào học sinh ở Huế; đến năm 1927, ông tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương). Năm 1930, ông bị địch bắt và kết án hai năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội, thời gian này ông là Biên tập viên các báo của Đảng như: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng... Sau đó, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.

Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó, ông được Đảng cử sang nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

Tháng 12-1944, ông được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, ông được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Tháng 5-1945, ông là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6-1945, ông được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng.

Tháng 8-1945, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; sau đó, ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 3-1946, ông là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, ông được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1-1948, ông được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1951, tại Đại hội của Đảng lần thứ II, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Bộ Chính trị. Từ tháng 9-1955 đến 12-1979, ông là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1980, ông là Phó Thủ tướng Thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa I đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa II đến khóa IV; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Báo Nhân dân điện tử, Thứ bảy, 05-10-2013;

 - Báo Quân đội nhân dân điện tử, Thứ bảy, 05-10-2013.

2. PHƯƠNG ÁN 2: CẮT ĐOẠN Ở GIỮA TRỤC ĐƯỜNG HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA (Sơ đồ số 31): 1 đường.

- Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương, điểm cuối là đường Hồ Xuân Hương: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 5.340m, rộng 2x15m, vỉa hè mỗi bên rộng 9 m.

- Đề nghị đặt tên đường: VÕ NGUYÊN GIÁP

;
.
.
.
.
.